Trắng tay sau bão
Đầu tháng 11/2017, cơn bão đã đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung, trong đó có huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị ảnh hưởng nặng khiến cho hàng trăm hộ dân thiệt hại lớn về tài sản. Nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển hầu như mất trắng. Với tình cảnh ấy, rất nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh trông chờ vào chính sách khoanh nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay chính sách này vẫn chưa phê duyệt và người dân cứ ngày đêm “mỏi mòn” chờ đợi.
Anh Nguyễn Thanh Sang (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) than thở nói: “Bão số 12 làm thiệt hại 140 ô lồng nuôi tôm hùm, ước tính thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình tôi và vốn vay ngân hàng đầu tư vào đó đã cuốn trôi theo dòng nước, tài sản của gia đình coi như bị mất trắng. Từ đó đến nay, việc sản xuất của tôi gặp không ít khó khăn nên không có nguồn vốn để thanh toán cho ngân hàng”.
Nhiều hộ dân tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang trông chờ Chính phủ phê duyệt hồ sơ khoanh nợ để người dân tái sản xuất và trả nợ dần cho ngân hàng. (Ảnh: Công Tâm)
Anh Sang bộc bạch: “Để có nguồn vốn làm ăn, gia đình phải đi vay nóng bên ngoài và mượn từ bạn bè, người thân để nuôi 80 ô lồng cá chim, tôm hùm. Nhìn thấy hai loài này phát triển mạnh, gia đình cũng mừng thầm. Nào ngờ, chỉ còn 1,5 tháng nữa sẽ cho thu hoạch thì giá xuống rất thấp, giá tôm giảm trên 800.000 đồng/kg, khó khăn lại chồng chất khó khăn, giờ số nợ đã lên đến 1 tỷ đồng nên gia đình tôi hết sức lo lắng vì không thể thanh toán nợ cho ngân hàng…”.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Xuân Tân (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) cho biết: “Cơn bão năm đó đã làm thiệt hại 100 ô tôm hùm và cá, ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Sau bão, gia đình tôi chạy khắp nơi mượn vốn bên ngoài để nuôi 100 ô tôm, cá. Thế nhưng, chuẩn bị cho thu hoạch thì giá cả thị trường rớt thê thảm. Gia đình tôi rất tha thiết mong Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất để chúng tôi tái sản xuất…”.
Chờ chính sách…
Ông Trần Văn Sĩ – Giám đốc chi nhánh Agribank huyện Vạn Ninh cho biết, sau cơn bão số 12 năm 2017, tổng số khách hàng tại Agribank huyện Vạn Ninh bị thiệt hại là 1.112 khách hàng, giá trị thiệt hại 588 tỷ đồng, trong đó dư nợ thiệt hại 237 tỷ đồng. Trước tình hình trên, ngân hàng đã áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng sau bão, cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đồng thời rà soát, thống kê lập thủ tục đề nghị khoanh nợ.
Tuy nhiên, một số khách hàng bị thiệt hại hoàn toàn hiện đang gặp nhiều khó khăn về tài chính làm ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu hoạt động tín dụng của ngân hàng. Ngân hàng đã lập hồ sơ cho 246 khách hàng/277 món vay, với dư nợ đề nghị khoanh nợ là 62,2 tỷ đồng. Đến nay, đã gần 2 năm kể từ ngày bị thiệt hại, các khoản nợ đã đến hạn, chuyển nợ quá hạn và một số khách hàng chuyển sang nợ xấu.
Ông Trần Văn Sĩ cho biết thêm, ngân hàng rất mong muốn Chính phủ quan tâm phê duyệt khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại 100% do cơn bão số 12, năm 2017. Rất nhiều hộ dân nơi đây rất mong chờ Chính phủ phê duyệt chính sách này để người dân an tâm sản xuất và vay lại vốn phát triển kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.