Người 57 năm viết sử làng

Thứ hai, ngày 11/10/2010 15:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người 57 năm viết sử làng đó chính là nhà giáo ưu tú Phạm Văn Sao, 78 tuổi ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
Bình luận 0
img
Trang đầu tiên cuốn tổng tập lịch sử làng xã in trang trọng ảnh Bác Hồ. Ảnh: Hà Văn Đạo

Từ nỗi sợ phôi phai

Từ khi là chàng trai 20, hoạt động trong đội ngũ thanh niên cứu quốc ở Bình Định (quê gốc của ông), Phạm Văn Sao đã là hạt giống văn nghệ số một. Ông coi văn nghệ là vũ khí cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ.

Lúc đó sau mỗi trận đánh, có đồng đội nào ngã xuống, ông đều ghi chép vào cuốn sổ tay và luôn găm trước ngực. “Cuốn sổ mình ghi chép có thể truyền cho thế hệ sau như một hành trang tiếp lửa"- ông Sao tâm sự.

Ngoài cuốn tổng tập lịch sử làng xã dày 2.000 trang, ông Sao còn có khoảng hơn 100 ký sự, phóng sự ghi chép về các vấn đề giáo dục của xã.

Sau khi Vua Bảo Đại trao chính quyền cho cách mạng, Phạm Văn Sao được cử đi học cao đẳng sư phạm ở Sài Gòn. Năm 1963, tốt nghiệp ra trường, ông được phân vào xã Ka Đô công tác.

Vốn có thói quen ghi chép, lưu giữ lại những hình ảnh hào hùng của nơi ông đến, đi qua, ông âm thầm ghi chép lịch sử làng xã Ka Đô: "Ngày đầu tới Ka Đô tôi thấy không khí cách mạng sôi sục. Con em Ka Đô học rất giỏi, rất nhiều người thành tài. Tôi quyết định ghi lại sự kiện đó" - ông Sao giãi bày. Tới giờ, trong hành trang của mình ông đã chụp được 2.500 ảnh tư liệu lịch sử với 1.800 nhân vật tiêu biểu ở tất cả các lĩnh vực".

Những bước chân không mỏi

57 năm miệt mài ghi chép sử làng, ông Sao không nhớ nổi mình đã rong ruổi qua bao dặm đường, ghi chép hết bao nhiêu cuốn sổ. Hiện, mới chỉ lọc những sự kiện đặc sắc đã có một cuốn tổng tập lịch sử dày 2.000 trang về lịch sử làng xã Ka Đô. Bắt tay vào soạn thảo có rất nhiều tư liệu đã bị mục nát vì thời gian.

img
Ông Phạm Văn Sao (trái) và cuốn tổng tập lịch sử dày 2.000 trang của mình.Ảnh: Hà Văn Đạo

Dựa vào trí nhớ không đủ, ông đã mời nhiều già làng đi cùng ông về những chiến trường xưa, cố gắng tìm mọi cách dựng lại hiện trường, chụp ảnh đính kèm cho bài viết thêm thuyết phục. Người dân Ka Đô nhắc đến ông Sao đều rất thán phục.

Có bao tiền bạc con cháu gửi về ông dành hết cho việc khôi phục tư liệu, biên soạn lịch sử làng. "Chiến tranh đã lùi xa, mình ghi chép lại lịch sử hào hùng của dân tộc còn là trách nhiệm với những người đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc"-ông Sao tâm sự.

"Ka Đô có truyền thống học rất giỏi, có năm 30 học sinh đỗ đại học. Tôi lưu giữ lại truyền thống tốt đẹp đó cho thế hệ trẻ noi theo" - ông Sao chia sẻ.

Không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp nhưng cuốn tổng tập của ông rất khoa học: Chia từng phần, như: Lịch sử kháng chiến, lịch sử giáo dục, lịch sử về văn hoá… Sau khi biên soạn xong, trước khi đưa đi in, ông đưa cho nhiều người đọc, góp ý kiến.

Ông Sao vẫn tâm nguyện: Mong chính quyền địa phương thường xuyên mở hội thảo, tổ chức ngoại khoá cho con em trong làng, để làm dày thêm tổng tập lịch sử mà ông dày công sưu tầm, biên soạn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem