Nông dân phải tự cứu mình
Năm 2011, chị Bùi Thị Tuyết Lan (ngụ xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) thế chấp tài sản để vay gần 3 tỷ đồng, đầu tư hệ thống trang trại nuôi gà đẻ trứng. Trong thời gian đầu, trại ăn nên làm ra, chị Lan thực hiện đúng việc trả một phần nợ gốc cũng như tiền lãi cho ngân hàng.
|
Hỗ trợ tín dụng sẽ giúp người chăn nuôi vượt khó. |
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm sau đó, giá trứng liên tục rơi tự do. Không thu hồi được vốn bỏ ra, do đó chị Lan lâm vào cảnh khó khăn chồng chất, không đủ khả năng trả nợ ngân hàng. Chị Lan còn bị liệt vào danh sách nợ xấu của ngân hàng, phải chia nhỏ phần nợ gốc để trả, còn lãi mẹ thì sinh lãi con trong gần 2 năm qua.
“Dù đã xoay xở đủ cách nhưng chuyện lỗ lãi kéo dài gần 2 năm nay nên tới thời điểm này, gia đình vẫn còn khoản nợ hơn 2 tỷ đồng, mà theo hợp đồng vay vốn, tôi đã phải thanh toán cho ngân hàng từ năm trước. Tiền trứng thu vào không đủ để trả phần nợ ngân hàng đã buộc phải góp hàng tháng. Do đó, không chỉ cả gia đình coi như đi làm không công mà tài sản cũng lần lượt ra đi”- chị Lan ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2013, Hiệp hội đã nhận hơn 50 đơn xin cầu cứu vì rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất do thua lỗ của bà con nông dân. Theo đó, hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì nợ 300 – 500 triệu đồng, hộ có hệ thống chuồng nuôi bài bản hơn thì khoản nợ lên 2 – 3 tỷ, thậm chí có người còn đang mắc kẹt với món nợ hơn 5 tỷ đồng.
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay người chăn nuôi cần chủ động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, đồng thời ưu tiên sử dụng cám sản xuất nội địa với giá thành giảm hơn là trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Dương, đợt giảm giá này là quan hệ cung - cầu theo cơ chế thị trường chứ không có hiện tượng bất thường hay đầu cơ ở đây. “Bây giờ sức mua của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện mà sức sản xuất của ngành chăn nuôi cũng rất lớn. Nền kinh tế thị trường thì phải theo quy luật “cung - cầu”, về phía người chăn nuôi, điều quan trọng là phải tự xác định thị trường, từ đó phải tự hoạch định kế hoạch sản xuất của mình”.
Nên chia sẻ khó khăn với nông dân
Theo nhận định của ông Công, tình trạng người chăn nuôi rơi vào lỗ đã kéo dài nhiều tháng nay. Nếu không kịp thời “cấp cứu”, có thể sẽ sớm diễn ra tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong ngành chăn nuôi, từ nông dân đến nhà máy chế biến thức ăn gia súc, hệ thống chế biến, giết mổ cũng như các ngân hàng có liên quan.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nai cũng đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, nâng mức giá sàn đầu ra sản phẩm bằng giá thành sản xuất. Nếu giá thu mua lợn trong nước biến động vượt quá 25% thì Nhà nước sẽ dùng các công cụ điều hành để nâng mức giá thu mua lên khoảng 40.000 đồng/kg, bằng với giá thành sản xuất, giúp nông dân có thể hòa vốn.
Trước tình trạng “nguy kịch” của người chăn nuôi, ngành chăn nuôi hiện nay, trong buổi làm việc với Sở NNPTNT Đồng Nai và các đơn vị có liên quan mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đồng ý hỗ trợ người chăn nuôi trong lĩnh vực tín dụng.
Theo đó, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nai làm nhiệm vụ tập hợp danh sách các trường hợp kinh doanh thua lỗ do giá cả biến động thời gian qua, dẫn tới nợ ngân hàng… gửi lên UBND và Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước tại địa phương cùng các ngân hàng thương mại có liên quan xem xét dãn nợ, khoanh nợ cho nông dân.
“Ngân hàng không thể xóa nợ, nhưng bằng các quy định hiện hành, các ngân hàng có thể khoanh nợ cho người chăn nuôi trong vòng 3 - 5 năm không lấy lãi hoặc chỉ thu lãi 1 - 2% cho có trách nhiệm. Phần này không phải tính vào nợ xấu và không phải trích lập dự phòng rủi ro”-Thống đốc Bình cho biết.
Theo ông Bình, bản chất của người nông dân là không thể bỏ nghề, có chăng là do làm ăn không thuận lợi, giá cả liên tục thấp hơn giá thành dẫn đến nợ xấu. Do đó, các ngân hàng cũng nên hỗ trợ, giúp nông dân vượt qua giai đoạn này.
Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.