“Người con gái sông La” bình dị

Lưu Văn Bính Thứ năm, ngày 22/04/2021 10:36 AM (GMT+7)
50 năm trước, đám học trò chúng tôi rất thích nghe bài hát " Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho, lời thơ Nguyễn Phương Thúy.
Bình luận 0

Bài hát với những ca từ khắc sâu vào tâm khảm của thế hệ trẻ chúng tôi nói riêng và có lẽ rất nhiều người dân Việt Nam nói chung: "Người con gái sông La - Đôi mắt trong tựa ngọc...". Và tôi đã rất mong ước một ngày nào đó sẽ được gặp chị - nguyên mẫu của bài hát.

Mong ước là vậy, nhưng cũng phải gần nửa thế kỷ sau khi được nghe bài hát ấy, tôi mới có dịp tìm đến tận nhà chị, gặp và nghe kể chuyện về cuộc sống và những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước sôi nổi, hào hùng. Chị - người con gái sông La - cũng thật ngẫu nhiên khi họ của chị trùng với tên con sông quê hương: La Thị Tám.

Anh hùng tuổi 20

Một ngày cuối tháng 3/2021, từ Hà Nội, tôi đi xe khách giường nằm về TP.Hà Tĩnh để tìm gặp Anh hùng La Thị Tám. Năm nay đã 71 tuổi, chị La Thị Tám chính là nguyên mẫu truyền cảm hứng cho nhà thơ Nguyễn Phương Thúy và nhạc sĩ Doãn Nho làm nên bài hát nổi tiếng "Người con gái sông La".

(gop) “Người con gái sông La” bình dị - Ảnh 1.

Anh hùng La Thị Tám hiện nay. Ảnh: T.P

Bà Tám tâm sự, trong bài hát và bài thơ, nhạc sĩ Doãn Nho cũng như nhà thơ Phương Thúy muốn ca ngợi tất cả những cống hiến, việc làm của các cô gái Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bà là người rất may mắn được đại diện cho tập thể ấy...

Bà Tám quê ở xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, hiện gia đình bà sống ở đường Nguyễn Biểu, phường Nam Hà, TP.Hà Tĩnh. Mấy chục năm trước, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Tám làm nhiệm vụ đếm bom, cắm cọc tiêu tại ngã ba Đồng Lộc, để cho từng đoàn xe chở quân và vũ khí, vật tư ra tiền tuyến. trong những năm máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc.

Sau phút tay bắt mặt mừng chào đồng hương xứ Nghệ, nghe tôi thổ lộ lý do vào Hà Tĩnh tìm gặp bà, bà Tám chỉ lên bức tranh trên tường và bảo "Đây là bức tranh Tuổi trẻ Hà Tĩnh ở Đức vừa gửi về tặng tôi". Bức tranh có in hình La Thị Tám trong nhiệm vụ ở ngã ba Đồng Lộc năm xưa, cùng những lời đề tặng trân trọng: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh - Câu ca xưa sức mạnh tinh thần - Người con gái sông La đánh Mỹ - Xứng danh phụ nữ Việt anh hùng.

Bà Tám kể, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12/1969 khi bà tròn 20 tuổi. Bà là con thứ trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em. Năm 1967, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, vừa tròn 18 tuổi, bà đã xếp bút nghiên, gia nhập Đội Thanh niên xung phong thuộc đơn vị chủ lực Đại đội C2-Giao thông vận tải đóng quân tại ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Thời điểm đó, ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông rất quan trọng của mọi tuyến đường ra Bắc vào Nam, đảm nhiệm vận chuyển quân và vũ khí, lương thực... vào Nam nên bị địch ngày đêm đánh phá ác liệt để ngăn chặn. Nơi đây được xem là "tọa độ chết", bởi chỉ trong vòng 8 tháng trời (từ tháng 3 - 10/1968), máy bay Mỹ đã trút xuống 48.600 quả bom các loại.

(gop) “Người con gái sông La” bình dị - Ảnh 3.

Bức ảnh La Thị Tám cầm ống nhòm đứng trên đồi Mòi đếm bom. Ảnh: VĂN BẢO

Ròng rã suốt 200 ngày đêm ở ngã ba Đồng Lộc, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom. Hình ảnh người con gái nhỏ nhắn, dũng cảm, kiên trung khoác chiếc áo dù, miệng cười tinh nghịch, tay cầm ống nhòm luôn thường trực trên đỉnh đồi đếm bom, rồi chạy như con thoi giữa trận địa để cắm tiêu đã lọt vào ống kính của nhiều phóng viên chiến trường...

Lúc đó, nhiệm vụ của La Thị Tám và một số đồng đội là đứng trên quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc ngay những lúc máy bay Mỹ ném bom, dùng ống nhòm quan sát để đếm, xác định xem bao nhiêu bom đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ. Nếu quả nào chưa nổ thì lập tức khi máy bay qua, bà và đồng đội chạy xuống cắm cọc tiêu báo có bom để bộ đội công binh biết và rà phá.

Bà Tám tâm sự, lúc đầu chưa quen việc, bà chỉ dám đến gần quả bom khoảng 5m, nhưng như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu. Rồi sau đó bà nghĩ, thà mình chết một mình mà đảm bảo mạng sống cho bao nhiêu người khác, nên bà tiến sát hơn để cắm tiêu báo vị trí bom. Có lần bom nổ gần, đất đá vùi lấp cả người bà. Có ngày chạy lên xuống cắm tiêu nhiều lần, mệt lử, lại thêm bị say nắng, bà không ăn cơm được...

Ròng rã suốt 200 ngày đêm ở ngã ba Đồng Lộc, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom. Hình ảnh người con gái nhỏ nhắn, dũng cảm, kiên trung khoác chiếc áo dù, miệng cười tinh nghịch, tay cầm ống nhòm luôn thường trực trên đỉnh đồi đếm bom, rồi chạy như con thoi giữa trận địa để cắm tiêu đã lọt vào ống kính của nhiều phóng viên chiến trường. Bao đoàn xe, bao người đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái trẻ tuổi mà gan dạ, dũng cảm ấy: Chị là La Thị Tám.

Đến năm 1974, bà La Thị Tám chuyển ngành, về công tác tại cơ quan Dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh, lấy chồng là bộ đội và sinh được 2 người con đủ "cả nếp lẫn tẻ". Trước năm 1993, gia đình bà sống trong một căn nhà tập thể. Sau một thời gian tiết kiệm, dành dụm được ít tiền, gia đình bà đã làm được một căn nhà nhỏ. "Cuộc sống về hưu của tui cũng bình lặng, thoải mái. Người con gái đầu đã lấy chồng, làm việc ở Hà Nội, cậu trai làm việc tại một cơ quan nhà nước của tỉnh và cháu đang ở cùng cha mẹ".

Dư âm "Người con gái sông La"

(gop) “Người con gái sông La” bình dị - Ảnh 5.

Đồi Mòi (thị trấn Đồng Lộc) nơi bà Tám từng đứng đếm bom. Ảnh: Đức Hùng

Trong một lần đến công tác tại ngã ba Đồng Lộc, nhiếp ảnh gia Văn Bảo đã chụp được khoảnh khắc nữ thanh niên xung phong La Thị Tám đang đứng trên đồi, tay cầm ống nhòm, đôi mắt sáng bừng nhìn ra xa. Bức ảnh sau đó được đăng nhiều trên các báo trong nước và quốc tế. Hình ảnh sống động, chân thực và câu chuyện về công việc anh hùng của La Thị Tám đã khiến nhiều văn nghệ sĩ lay động cảm xúc, trong đó có nhà thơ Nguyễn Phương Thúy (con gái của nhà phê bình văn học Hoài Chân). Thời gian đó, Phương Thúy đang là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội, trong một lần đọc báo viết về La Thị Tám, nhìn vào đôi mắt của nhân vật, chị đã tuôn trào cảm xúc và thức trắng đêm để viết bài thơ "Cô gái sông La".

Năm 1970, trong một chuyến công tác tại Hà Tĩnh, nhạc sĩ Doãn Nho tận mắt thấy quả đồi nơi La Thị Tám ngày đêm đứng đếm bom, và từ cảm xúc về mảnh đất Đồng Lộc, về người con gái trong bài thơ "Cô gái sông La" mà ông được đọc qua sách báo, ông đã phổ nhạc bài thơ và đổi tên thành bài hát "Người con gái sông La".

Người thể hiện bài hát này đầu tiên là NSND Tường Vi, sau này một số nghệ sĩ thể hiện cũng rất thành công như NSND Thu Hiền, NSƯT Phạm Phương Thảo, ca sĩ Anh Thơ, Tân Nhàn... Những lời ca vang lên thật đẹp, xúc động: "Ơ... em vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang. Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn. Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang...

Anh hùng La Thị Tám tâm sự, bà luôn tâm niệm rằng vinh quang ngày xưa là của cả một tập thể chứ không riêng cá nhân nào. Bà bảo, trong bài hát và bài thơ, nhạc sĩ Doãn Nho cũng như nhà thơ Phương Thúy muốn ca ngợi tất cả những cống hiến, việc làm của các cô gái Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. mà bà là người rất may mắn được đại diện cho tập thể ấy. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem