"Yêu gì trăm bận nhả tơ
Bỏ đi nhặt lại
Cơn mơ nát đời "
(Xin ngoảnh mặt tình ơi)
Đọc 38 thi phẩm trong tập Tơ Trời, không có những ngôn từ hàn lâm sáo rỗng, không có những câu thơ hóc búa đánh đố người đọc. Lại càng không lên gân kiểu mang ''Sông núi trên vai'' như ở đâu đó hô hào. Thơ Huệ Thi cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng, dung dị như lời thủ thỉ của cô gái dành cho người thương:
Về đi em đợi cuối đường
Hoa tàn đành vậy nhụy hương hãy còn
(Anh về trả nốt yêu thương)
Lại có những lúc rất dữ dội, mạnh mẽ:
"Đem bão giông xếp vào tận cùng tâm can cất giữ"
"Giăng giăng băm nát, xóa sạch niềm riêng"
(Lặng im xéo quằn)
Hay:
"Ước hóa khùng, ước nhớ nhớ quên quên
Chẳng muốn biết sớm mai còn được sống
Cạn một ngày chắt chiu bằng tất thảy
Là yêu thương, là dâng hiến tột cùng"
(Đêm là đêm)
Lại có những lúc như độc thoại với chính mình:
"Đời đàn bà được nhiêu lần đóng nữa?
Chẳng buồn vui, mặc kệ cả tháng ngày
Ngầm xếp lại yêu thương vào góc tối
Đốt một lần và uống cạn tỉnh cơn say"
(Xóa sạch niềm riêng)
Hoặc có lúc cắn môi cố giấu nỗi buồn:
"Một lần lỡ bước sang ngang
Ngàn trăm mũi đạn treo tang nụ cười"
(Còn gì cho ta)
Cụm từ "treo tang nụ cười" thật chua xót, bẽ bàng làm sao. Tác giả đã khéo lồng ghép vào câu thơ một hình ảnh gợi, góp phần tạo nên điểm sáng cho bài thơ.
Chiếm đa số trong tập thơ là hai phần ba thể lục bát, một thể thơ quen thuộc với bạn đọc, nhưng dưới ngòi bút của Huệ Thi, thỉnh thoảng tác giả lại rút gọn một từ ở câu bát như tạo một điểm nhấn cho bài thơ:
"Ngã ba, ngã bảy làm thinh
Em thôi khóc, chỉ mình mình ên"
(Đừng bỏ rơi em)
"Ướp đôi tay chéo tang bồng
Ướp hờn dỗi, ướp đông chóng tàn"
(Anh về trả nốt yêu thương)
"Hay là bán hết nợ trần
Không duyên nợ lần khân chi người"
(Chữ tình một kiếp bán mua)
"Yêu chi vướng mãi đêm sầu
Hôn hương gối, cắn đau nát bầm"
...
"Ngập ngừng trăm mối lo toan
Chợt buông bỏ, thôi than thở gì"
(Yêu sai)
Có một lần Huệ Thi tiết lộ rằng, hằng ngày cô rất bận rộn với công việc, tối đến còn lo bổn phận của người vợ, người mẹ chăm sóc gia đình. Nhưng, bất cứ khi nào cô có thời gian là thơ tìm đến như một điều tự nhiên và chân thật nhất. Có lẽ vì vội lấy bút ra ghi lại những cảm xúc vừa nhen nhóm trong lòng hay vô tình bắt gặp một tứ thơ như ánh sao băng vừa xẹt qua ý tưởng, khiến cho tác giả không có thời gian để hoàn thiện ngôn từ, mà thơ là những gì thuần khiết về cảm xúc, cảm xúc đã hình thành ngôn ngữ rồi thì khó có thể đập đi xây lại. Nếu càng khiên cưỡng chỉ khiến cho câu thơ mất vẻ tự nhiên.
Bỏ qua vài yếu tố như gieo vần và lặp lại cảm xúc hơi có chút bế tắc thì ở Huệ Thi cho ta thấy việc từng bước khẳng định mình qua tần suất xuất hiện liên tục trên các tờ báo văn nghệ từ trung ương đến địa phương. Và có mặt trong Sân thơ trẻ của Ngày thơ Việt Nam bên cạnh các gương mặt như Lữ Mai, Hoàng Anh Tuấn, Phan Tú Anh, Lương Kim Phương, Đoàn Văn Mật...điều đó như một minh chứng cho thơ Huệ Thi đã có chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc.
Khép lại 38 bài thơ, như 38 xuân xanh vừa đến với người đàn bà ngồi dệt Tơ Trời. Có thể thấy tác giả đã viết những bài thơ này một cách tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập cảm xúc từ con tim. Huệ Thi để mặc trái tim làm chủ, để cảm xúc dẫn dắt ngôn ngữ, theo những gì bản năng nhất, nghĩ sao viết vậy, không màu mè, không tô vẽ, không gò ép cảm xúc, tuy có đôi lúc cảm xúc chưa vào độ chín.
Xuyên suốt tập thơ là dòng tâm trạng liền mạch, nồng nàn, da diết của người đàn bà lấy đa đoan ngồi dệt Tơ Trời, chắt chiu từng đường kim mũi chỉ, như dệt những lời yêu thương, dẫu cho nhiều lần cố giấu những niềm riêng, riêng mình. Qua tập thơ này cho thấy độ chín trong thơ Huệ Thi đã và đang dần kết mật, như độ chín của quý bà tuổi bốn mươi đã thành công trong sự nghiệp, có vị trí trong xã hội và hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu, trong thơ và trong gia đình.
Xin kết thúc bài viết này bằng hai câu của nữ sĩ Đoàn Thị Tảo:
"Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.