Người đàn ông “hóa hổ” tử chiến với chúa sơn lâm

Chủ nhật, ngày 16/11/2014 19:02 PM (GMT+7)
Jamal Mohumad, một người đàn ông ở Ấn Độ, đã gặp hổ liên tiếp trong rừng sâu. Nhưng đến lần thứ ba, ông quyết định không chạy mà đứng tại chỗ và gầm về phía mãnh thú. Sau khi gầm khoảng nửa giờ, cổ họng ông bắt đầu chảy máu khiến mãnh thú cũng phải e dè.
Bình luận 0

500 con hổ Bengal sống trong rừng đước lớn nhất trên trái đất ở biên giới Ấn Độ - Bangladesh. Song hơn một triệu người cũng sống trong khu vực đó. Mỗi năm hổ tấn công tới 60 người và chỉ khoảng một nửa nạn nhân sống sót để kể câu chuyện của họ, AP đưa tin.

img

Hổ là một loài vật ăn thịt có sức mạnh khủng khiếp.

Chẳng thứ gì ám ảnh tâm trí của người dân ở Sundarbans - vùng châu thổ bao la trên bờ phía bắc của Vịnh Bengal - hơn từ "hổ". Chỉ cần ai đó nhắc tới từ "hổ" trong một làng, toàn bộ người dân trong làng sẽ hoảng loạn.

"Nếu anh nói về hổ, chúng sẽ xuất hiện", một ngư dân khẳng định.

Cuộc sống của phần lớn người dân tại vùng châu thổ Sundarbans liên quan tới hổ theo một cách nào đó - trực tiếp hoặc gián tiếp.

Số vụ hổ tấn công người ở vài khu vực cao hơn hẳn so với những khu vực khác. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 tới năm 2008, nhiều người mất mạng vì hổ tại Joymoni, một làng nhỏ bên bờ sông Pashur (tiếp giáp với rừng đước). Trong một vụ tấn công, con hổ đã vượt qua bức tường tre của một ngôi nhà tranh vào giữa đêm và vồ một phụ nữ 83 tuổi. Krisnopodo Mondol, con trai ở độ tuổi lục tuần của bà, nghe thấy tiếng kêu thét của mẹ.

"Tôi mở cửa và chạy tới giường của mẹ. Nhưng bà không còn ở đó. Tôi chạy khắp nơi để tìm mẹ nhưng không thấy. Khi tôi mở cửa ở phía hiên, tôi thấy mẹ trong ánh trăng. Bà bị thương nặng và quần, áo rách tơi tả", Mondol hồi tưởng.

Nước mắt tuôn trên khuôn mặt của Mondol. Thỉnh thoảng ông xúc động đến nỗi không thể nói. Ông lấy một ảnh của mẹ trên tường và nhìn vào đó. Một lúc sau ông kể tiếp.

"Con hổ tấn công phía bên trái hộp sọ của mẹ tôi. Hộp sọ của bà vỡ. Bà vẫn thở nhưng đã nằm bất động. Một lát sau bà qua đời. Chắc chắn tôi sẽ nhớ hình ảnh về mẹ trong đêm ấy tới khi tôi chết. Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng hãi hùng, tôi không thể kìm nước mắt. Bây giờ tôi vẫn có thể nghe rõ tiếng kêu thảm thương của bà", Mondol tâm sự.

img

Jamal Mohumad, người đàn ông dám đối diện với mãnh hổ.

Chỉ một thời gian ngắn sau thảm kịch của mẹ, Mondol và vợ chuyển tới một ngôi nhà bê tông bên ngoài làng Joymoni. Hiện nay ông kiếm sống bằng công việc phơi khô dừa trong vườn và hầu như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Phần lớn người dân ở Sundarbans sống nhờ rừng và sông. Họ lấy mật ong và đánh cá để kiếm tiền. Mặc dù xâm nhập vào những khu vực cấm là hành vi bất hợp pháp, nhiều người vẫn cố tình phạm luật để lấy củi, săn thú. Đó là nguyên nhân khiến họ xung đột trực tiếp với hổ. Vào mùa hè năm nay, hai người mất mạng vì hổ khi bắt cua trong rừng cấm.

Năm 1997, Jamal Mohumad vào rừng để săn thú và bắt cá. Một con hổ to và hung tợn theo dõi ông.

"Mãnh thú lao về phía tôi. Những móng vuốt của nó cắm vào hai chân tôi. Nó lôi tôi xuống nước. Tôi vật lộn với nó dưới song và lặn xuống độ sâu khoảng 3 m. Hành động đó khiến con hổ buộc phải buông tôi. Sau đó tôi tiếp tục lặn sâu xuống nước thật nhanh. Khi tôi ngoi lên, tôi không thấy con hổ. Tôi bơi xuôi dòng và thấy một thuyền nên kêu cứu", Mohumad kể.

Trên thực tế, Mohumad là người duy nhất trong vùng châu thổ Sundarbans từng đối mặt với hổ ba lần nhưng vẫn sống.

Trong vụ tấn công gần đây nhất (vào năm 2007), ông vào rừng để chặt củi. Đột nhiên ông thấy một con hổ nằm trong đám cỏ cao trên bờ sông.

"Con hổ ở bờ phía bắc và tôi ở bờ phía nam. Tôi không thể chạy vì biết con hổ sẽ tấn công nếu nó thấy tôi chạy. Hổ từng vồ tôi hai lần trước đó nên tôi biết rằng tôi không nên tỏ ra sợ hãi", Mohumad nhớ lại.

Thay vì chạy, Mohumad thể hiện bộ mặt hung dữ và la hét.

"Loài hổ cũng sợ người. Chúng ta và hổ tấn công lẫn nhau và là đối thủ đáng gờm của nhau", Mohumad lập luận.

Con hổ di chuyển tới vị trí cách Mohumad khoảng một mét. Nó gầm to và ông cũng gầm.

"Tôi gầm nhiều lần về phía con hổ và cố gắng thể hiện khuôn mặt dữ tợn nhất. Những tiếng gầm vang lên trong khoảng nửa giờ và máu bắt đầu chảy ra từ cổ họng của tôi", ông kể.

Vợ của Mohumad nghe thấy tiếng gầm của chồng. Bà nhờ một đám đông trong làng vào rừng để cứu ông.

"Họ la hét, gây tiếng động ầm ĩ để xua đuổi con hổ. Khi tôi thấy họ, tôi gục xuống", Mohumad nói.

Khác với nhiều người dân trong làng, Mohumad vẫn vào rừng, song ông tỏ ra cẩn thận hơn.

"Tôi luôn thấy hổ trong các giấc mơ. Khi vào rừng, tôi luôn sợ rằng hổ đang rình tôi. Nhưng tôi vẫn phải vào rừng để tìm thức ăn cho lũ con. Vì con mà tôi sẵn sàng đối mặt với hổ nhiều lần nữa", ông khẳng định.

(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem