dd/mm/yyyy

Người dân vùng cao Hoà Bình mong mỏi một con đường

"Mong con đường tốt để học sinh yên tâm đến lớp, để bà con vận chuyển hàng hóa nông sản thuận tiện..." Đó là tâm sự củangười dân xóm Ban - Mai Châu, Hoà Bình...


Clip: Con đường duy nhất về xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu (Hòa Bình).

Con đường về trung tâm xã đầy hiểm nguy ở vùng cao Hoà Bình

Rẽ từ quốc lộ 6 về xã Tân Thành vượt hơn 40km đi theo con đường tỉnh lộ 432, chúng tôi tìm về xóm Ban một trong những xóm nằm biệt lập của xã Tân Thành.

Khi chúng tôi đến trung tâm xã Tân Thành, hỏi đường về xóm Ban, người dân ở xã Tân Thành bảo con đường duy nhất để vào xóm này không còn con đường nào khác ngoài đi qua thuyền. Mất khoảng 15 phút di chuyển bằng thuyền chúng tôi đến xóm Ban, được bà con nơi đây kể về những khó khăn, nhọc nhằn vì không có con đường từ xóm về trung tâm xã.

Người dân vùng cao Hòa Bình mong mỏi một con đường - Ảnh 2.

Con đường duy nhất từ trung tâm xã Tân Thành vào xóm Ban phải đi qua thuyền. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lường Văn Phong, xóm Ban, xã Tân Thành, năm nay đã gần 70 tuổi, ông từng có hơn 30 năm công tác tại xã Tân Dân (nay là xã Tân Thành sau sáp nhập), kể: Xóm Ban cách đây 40 năm trở về trước khi nước sông Đà chưa ngập bà con trong xóm có con đường mòn dân sinh lên trung tâm xã để hội họp và làm thủ tục giấy tờ… Nhưng khi nhường đất cho dòng điện vì ngày mai của Tổ quốc, các hộ dân phải di vén lên vùng đất cao hơn từ đó con đường vào xã cũng bị ngập, người dân muốn lên UBND xã thì không còn con đường nào khác là đi thuyền.

Ông Nguyễn Văn Mười, xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu (Hòa Bình), năm nay cũng đã hơn 60 tuổi, than thở: Người dân chúng tôi chờ đợi để có một con đường dân sinh như các xóm khác từ hàng chục năm nay rồi. Không có con đường làm việc gì cũng khó, đặc biệt là nông sản, vật nuôi do người dân làm ra khó bán. Muốn xây một căn nhà đẹp không có xe ô tô chở vật liệu xây dựng vào được, còn chở bằng thuyền thì phải là thuyền lớn mới đảm bảo an toàn. Xóm Ban này giống như một cái ngõ cụt không đi đâu được ngoài đi theo đường thuyền.

Người dân vùng cao Hòa Bình mong mỏi một con đường - Ảnh 3.

Để mưu sinh, vận chuyển hàng hóa nông sản... người dân xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu (Hòa Bình) phải sử dụng thuyền. Ảnh: Mùa Xuân.

Hôm chúng tôi (PV) vào xóm Ban là một buổi chiều chủ nhật đầy nắng và gió, như để minh chứng chúng tôi đã xin nghỉ lại tại một hộ dân nuôi cá lồng hồ ở xóm Ban để sáng thứ hai được tận mắt chứng kiến các bậc phụ huynh đưa con đến trường sau những ngày nghỉ cuối tuần. 

6 giờ sáng của ngày đầu tuần chúng tôi chứng kiến các em lên chiếc thuyền của người thân mình với chiếc cặp sách sau lưng nhưng không có một áo phao mặc trên người từ xóm đến trường của các em học sinh xóm Ban đầy hiểm nguy.

Theo người dân nơi, trước đây các em học sinh cũng đã được một số nhà hảo tâm cấp phát áo phao để bảo vệ bản thân khi đi thuyền nhưng lâu năm áo cũng hỏng nên từ đó cũng ít khi trang bị áo phao cho các em. Đối với những ngày thời tiết ổn định thì cũng yên tâm còn những ngày mưa to, gió lớn các em học sinh cũng phải nghỉ học ở nhà.

Người dân vùng cao Hòa Bình mong mỏi một con đường - Ảnh 4.

Hàng ngày phụ huynh phải đưa các em học sinh đến trung tâm xã Tân Thành để học bằng thuyền không có trang bị áo phao nên không đảm bảo an toàn. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Đinh Văn Dũng, Trưởng xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu, cho biết: Xóm Ban có 32 hộ dân, với hơn 100 nhân khẩu, gồm dân tộc Mường và Tày cùng sinh sống. Do xóm nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nên năm 2018, tất cả các hộ dân của xóm đã được di chuyển lên khu tái định cư mới, người dân được đầu tư xây dựng điện, đường nội bản, nhà văn hóa…

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn là con đường từ xóm vào trung tâm xã Tân Thành chưa được đầu tư mở mới, muốn đưa các cháu đi học hoặc đi ra xã để mua mắm muối… phải đi qua thuyền nên rất tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Nỗi ám ảnh mỗi lần đi thuyền đến lớp ở vùng cao Hoà Bình

Mỗi lần nhắc đến việc đi thuyền để tới trung tâm xã Tân Thành, có lẽ chị Bùi Thị Thảo, xóm Ban vẫn không ngờ rằng chị và con trai chị đã may mắn thoát khỏi cửa tử khi chiếc thuyền chở con trai (sinh năm 2015) đi lên trường học bị lật.

Nhắc lại chị Thảo vẫn còn ám ảnh, người run run không nói nên lời, chị Thảo, bảo: Đó là một buổi sáng tháng 4/2022, khi đó con tôi đang học lớp 1 Trường TH&THCS Tân Dân. Vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên chồng tôi phải đi lao động ngoài tỉnh để tìm kiếm việc làm có thêm thu nhập cho gia đình. Con tôi thì còn nhỏ lớp 1 chưa được ở bán trú tại trường nên mỗi lần đi học tôi phải đưa đón con bằng chiếc thuyền bé của gia đình.

Người dân vùng cao Hòa Bình mong mỏi một con đường - Ảnh 5.

Chị Bùi Thị Thảo cùng đứa con trai bé bỏng bàng hoàng kể lại giây phút thoát nạn khi thuyền bị lật vào tháng 4/2022. Ảnh: Tuệ Linh.

“Hôm đấy trong lúc đang di chuyển đến giữa dòng của lòng hồ thủy điện Hòa Bình từ xóm Ban về trường học của con tôi thì bất ngờ có một thuyền to đi nhanh qua và quẹt phải thuyền nhỏ của 2 mẹ con tôi, khiến chiếc thuyền bị lật, may mắn tôi cầm được thuyền và với được con nên ngay sau đó được người dân nhanh tay giúp đỡ thoát nạn. Sau lần đó, con tôi không dám đi lên trường phải nghỉ hơn 1 tháng vì ám ảnh, sợ hãi”. Chị Thảo tâm sự.

Anh Đinh Văn Nội (chồng chị Thảo), giọng trầm lắng: Vì miếng cơm manh áo tôi phải đi làm xa nhà tận tỉnh Hà Nam, thế nhưng khi mới đến nơi làm việc được 2 tháng thì tôi nghe tin 2 mẹ con bị lật thuyền. Biết vậy tôi liền tức tốc xin nghỉ việc và gói đồ đạc trở về với gia đình.

Hiện nay, xóm Ban có 29 học sinh từ mầm non cho đến THPT, trong đó, có 5 em học tại điểm trường của xóm, còn lại các em phải ra trung tâm xã, ngoài huyện học. Đối với các em học sinh học từ lớp 3 trở lên mới được ở bán trú tại trường còn những em học mầm non, lớp 1,2 phụ huynh phải đi đón hàng ngày.

Khi nào người dân mới có đường?

Tìm hiểuđược biết, tháng 5/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 459/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đâu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư cho nhân dân các xã vùng hồ sông Đà, huyện Mai Châu.

Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư, sửa chữa, nâng cấp một số công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, văn hóa nhằm cải thiện điều kiện sống, ổn định dân cư cho nhân dân các xã vùng hồ sông Đà của huyện Mai Châu. Góp phần hoàn thiện một số tiêu chí về hạ tầng giao thông cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Người dân vùng cao Hòa Bình mong mỏi một con đường - Ảnh 6.

Một chiếc thuyền của người dân xóm Ban chở các em học sinh đến lớp học ở trung tâm xã Tân Thành mà không được trang bị áo phao. Ảnh: Tuệ Linh.

Quy mô đầu tư, đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa 10 công trình phục vụ mục tiêu ổn định dân cư cho nhân dân. Trong số này, xã Tân Thành có công trình xây dựng mới tuyến đường xóm Diềm 2 đi xóm Ban, với tổng chiều dài khoảng 4,3km, tiêu chuẩn đường giao thông loại C và các công trình phụ trợ phục vụ cho nhu cầu đi lại của 32 hộ dân xóm Ban.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Mai Châu thông tin: Tuyến đường từ xóm Diềm đến xóm Ban đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện tuyến đường này cũng đã khảo sát xong và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023.

Người dân vùng cao Hòa Bình mong mỏi một con đường - Ảnh 7.

Người dân xóm Ban, xã Tân Thành mong mỏi có một con đường từ hàng chục năm nay. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho hay: Việc người dân xóm Ban, xã Tân Thành ý kiến về đầu tư xây dựng đường mới là ý kiến thường xuyên của cử tri. Huyện cũng đã tiếp thu và có kiến nghị đề xuất lên các cấp có thẩm quyền để sớm phân bổ nguồn lực hỗ trợ đầu tư.

Thiết nghĩ, bà con xóm vùng cao nơi đây vẫn ngày ngày tích cực tăng gia lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, việc người dân mong muốn có con đường mới đi lại thuận tiện hơn là nhu cầu chính đáng cần được các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình quan tâm.

Mùa Xuân - Tuệ Linh - Nguyễn Vinh