Người dành nửa đời tự xây bảo tàng lưu giữ cổ vật Mường

Bùi Việt Phương Thứ hai, ngày 13/04/2015 15:47 PM (GMT+7)
Lâu nay, mỗi dịp lên với những bản Mường ở Hòa Bình, chúng tôi cứ bị hút hồn bởi nét văn hóa bình dị và sâu sắc được làm nên bởi chính con người và hồn đất nơi đây.
Bình luận 0
Bỏ lại sau lưng những ồn ào phố xá của con đường An Dương Vương (TP.Hòa Bình), chúng tôi cuốc bộ theo con dốc lên với bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông Bùi Thanh Bình. Bảo tàng ra đời từ khuôn viên của gia đình với năm, sáu ngôi nhà sàn được bài trí khác nhau. Nghe ông Bình kể, vào khoảng những năm tám mươi của thế kỉ trước, lúc còn làm bên công ty du lịch, thấy khách tham quan khi đó (đến từ các nước XHCN) mỗi khi lên đây chỉ ham đến với các làng bản còn nguyên sơ cối gạo, nhà sàn, viếng đồng (ninh đồ xôi)… cộng thêm tình yêu với các giá trị di sản, anh thanh niên đất Mường đã quyết bước chân vào hành trình sưu tầm và gìn giữ.
img
Góc trưng bày các di sản gốm sứ (ảnh Bùi Việt Phương)

Giữa thời mà đồ nhôm Liên Xô, Hải Phòng, đồ nhựa của xí nghiệp lên ngôi và phải khó khăn lắm mới có được nhưng anh quyết đánh đổi lấy những thứ đem về chỉ để trưng bày trong tủ kính. Ngay cả đến những nông cụ đơn sơ nhất như cái nỏ, cái bình vôi, cái mâm gỗ, xương thú… cho đến viếng đồng, mâm đồng, chậu đồng… đều được anh sưu tập và giữ như báu vật trong nhà.

Nhiều người thấy lạ nhưng dần hiểu ra cái tâm của người con đất Mường muốn giữ để sau này thế hệ trẻ của mọi nhà, mọi vùng Mường, của các dân tộc đều được xem chung, đều được biết tới đời sống vật chất của người Mường trên mảnh đất Hòa Bình.  Đặc biệt trong số đó có các hiện vật gắn với đời sống nhà lang như kiếm lệnh của các vùng Mường, sách vở, ban thờ, đến cả chiếc tẩu hút thuốc công xứ Pháp tặng cho quan lang mường Động…

Bước vào những ngôi nhà sàn chứa đứng cả ngàn hiện vật gốm qua các thời Lí, Trần, Lê, các di sản đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, nhà chiêng với những chiếc chiêng quý nhất của vùng Mường Hòa Bình. Hay đơn giản hơn là góc nhà đơn sơ với những nông cụ của người nông dân với cối xay lúa, cối giã gạo, cái giỏ, cái mẹt… cũng đủ khiến ta có cảm giác như được trở về quá khứ và thêm yêu các giá trị văn hóa vật chất của mảnh đất được ví như cái nôi của nền văn minh lúa nước.
 
Trước khi tạm biệt người con đất Mường say sưa giữ gìn vốn cổ và trở lại với nhịp sống hiện đại sôi động ngoài kia, chúng tôi còn được nghe ông tâm sự: Với hơn 5000 hiện vật vẫn chỉ là con số khiêm tốn, ông mong muốn trong tương lai sẽ sưu tầm được thêm các hiện vật, bút tích của các nhân sĩ, trí thức để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Đồng thời sẽ giúp khách du lịch được thực hành và học hỏi các giá trị văn hóa đậm đà của dân tộc Mường.

Đất Mường hôm nay mênh mông với những vườn cam chịu quả của Mường Thàng, Mường Động, mía tím, bưởi ngọt Mường Bi, ngút ngát rừng dổi thơm đất mường Vang… và bao vùng mường khác của tỉnh Hòa Bình đang thay thay da, đổi thịt từng ngày. Bên cạnh đó còn có trị văn hóa âm thầm như ngọn lửa nuôi tâm hồn ta trong những bảo tàng tư nhân của những con người yêu văn hóa truyền thống nơi đây.
img
Một góc trưng bày chiêng (ảnh Bùi Việt Phương)
img
Những thanh kiếm lệnh của quan lang các vùng Mường (ảnh Bùi Việt Phương)
img
Những vật dụng bình dị của người nông dân (ảnh Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem