img img
 
img
img img
img
img

Bỗng tôi nhìn thấy mái tóc dựng ngược quen thuộc nhô ra từ một căn phòng. Bác sĩ Cấp nở nụ cười hiền lành quen thuộc rồi mời vào “đại bản doanh” của anh suốt từ Tết đến giờ. Đại bản doanh ấy chỉ có một bộ bàn ghế salon, một chiếc bàn làm việc đơn sơ chỉ có mỗi một chiếc máy tính.

Bác sĩ Cấp làm việc, tiếp khách, ăn ngủ ngay tại căn phòng rộng chừng 10m2 đó. Mỗi bữa, cơm cũng được chuyển ngay vào phòng cho anh để anh vừa ăn vừa kịp tiếp những cuộc điện thoại về bệnh dịch. Còn tối tối anh ngủ trên ghế salon.

Bác sĩ Cấp cho biết, anh vừa kết thúc một cuộc họp giao ban với các nhân viên y tế của mình để nghe báo cáo về tình hình bệnh nhân và sức khỏe của những người ở khu cách ly. Buổi sáng nay, Khoa của anh vừa đón 25 người cách ly được chuyển đến. Do họ đều có dấu hiệu ho, sốt nhẹ và đi từ vùng Trung Quốc về nên đều phải cách ly và xét nghiệm để xem họ có mắc virus Corona hay không?

img img

Anh có thể chia sẻ về một ngày của mình trong mùa “đại dịch Corona này?

- Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Lịch làm việc dày đặc nên tôi cũng không chắc phải kể với bạn như thế nào. Thường sẽ là 6h dậy, chuẩn bị giao ban buổi sáng để nắm tình hình bệnh nhân, chỉ đạo chuyên môn, rồi các cuộc họp với các chuyên gia y tế về tình hình dịch, trả lời hàng trăm các cuộc điện thoại, zalo, viber, email... với nhiều đồng nghiệp để tư vấn về hình hình dịch bệnh, cách điều trị...

img

Sáng hôm qua (5/2), 6h tôi đi Vĩnh Phúc với Bộ Y tế để cùng tìm hiểu về tình hình dịch tễ, bệnh tật của bệnh nhân ở “điểm nóng” dịch Corona này. Chiều 13h về đến Bệnh viện, trao đổi chuyên môn với anh em rồi 14h30 sang họp báo về tình hình dịch ở Bộ Y tế. Sau đó tôi lại quay về Bệnh viện cùng trực với anh em... Hôm nay thì như các bạn thấy, tôi quay cuồng với công việc ở Bệnh viện, còn chiều thì có thể lại đi đến bất cứ đâu họ cần đến chuyên môn chống dịch của mình...

30 Tết Bộ Y tế họp tôi cũng gặp anh, chiều mùng 2 Tết cũng đã thấy anh ở một cuộc họp khác. Anh chia sẻ thế nào về một năm “không có Tết” của mình?

- Nghề bác sĩ là vậy. Không chỉ năm nay đâu mà nhiều năm tôi đón Giao thừa ở Bệnh viện, sáng mùng 1 cũng trong Bệnh viện chúc Tết bệnh nhân. Còn năm nay có dịch thì tôi hầu như chẳng có lúc nào dành cho gia đình. Chiều 30 Tết vẫn bàn về các phương án chống dịch đến chiều tối. Sáng mùng 1 Tết như thường lệ tôi vào Bệnh viện chúc Tết anh em trực và bệnh nhân. Đến chiều rảnh tôi mới cùng vợ con về quê ở Bắc Giang để chúc Tết.

Sáng mùng 2 Tết, tôi đã tưởng có được một ngày dành cho gia đình nên rất tỏ vẻ “bố đảm” đã hướng dẫn con trai thịt gà. Cậu con trai lóng ngóng dù đã được bố hướng dẫn từng li từng tí nhưng thịt con gà từ 9h sáng đến 11h mới tạm sạch. Nhưng khi vừa bỏ gà vào nồi thì tôi nhận được điện thoại, yêu cầu lên Hà Nội họp về dịch gấp.

Vậy là cả nhà lại khăn gói lên Hà Nội, còn chưa kịp thưởng thức thành quả lao động của con trai. Nhìn mặt vợ kém vui, nhìn con trai tiu nghỉu, tôi cũng thấy mình thật có lỗi. Nhưng là một bác sĩ, tôi không thể từ chối việc điều trị cứu người hay việc lao vào nơi có dịch bệnh.

Cũng từ mùng 2 Tết, tôi đã vào chuyển thẳng đến Bệnh viện cơ sở Đông Anh để “thường trú”. Quần áo, đồ dùng cá nhân cũng chỉ nhờ người về lấy hộ hoặc vợ con chuyển đến cho.

img img

Công việc của anh và các nhân viên y tế khi điều trị, thăm khám cho các bệnh nhân nhiễm nCoV và các bệnh nhân nghi mắc hiện nay ra sao?

- Tôi thì không thường xuyên vào khu cách ly của bệnh nhân mà các bác sĩ khác và các điều dưỡng sẽ làm. Công việc của các bạn ấy rất vất vả.

Đã mặc bộ đồ đó thì không được cởi ra cho tận khi được phép và phải cởi một cách có “quy trình” để tránh lây nhiễm virus. Bạn cứ tưởng tượng mình phải mặc vào một bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt 6-8 tiếng đồng hồ và chỉ được “nghỉ giải lao” một lần thì sẽ khó chịu đến mức nào. Cứ 3-4 tiếng “đóng hộp”, nhân viên y tế mới được phép nghỉ “giữa hiệp”, cởi bộ đồ bảo hộ. Sau khi vào phòng cách ly lại mặc bộ mới vào.

Không nói đến việc khó thở, bí bách mà còn nghiêm ngặt đến mức không được gãi mũi, không được sờ mặt, hạn chế nói chuyện, không được đi vệ sinh suốt 4 tiếng. Ở bên Trung Quốc đã có nhân viên y tế phải đóng bỉm vì không thể... nhịn được.

Đã thế còn trực ngày này qua ngày khác và chưa biết dịch đến lúc nào kết thúc. Các bạn ấy cũng được cách ly ngay trong viện, không được về nhà. Chúng tôi chỉ có thể lo cho các bạn ấy một ký túc xá tạm, đương nhiều điều kiện sinh hoạt không thể thoải mái, tiện nghi được.

Hiện Bệnh viện chúng tôi có hơn 60 nhân viên y tế đang trực dịch Corona. Khi lựa chọn, chúng tôi không chỉ lựa chọn người có chuyên môn cao, có kinh nghiệm phòng dịch mà còn phải lựa nhân viên khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính, không có thai để có sức khỏe làm việc. Trong hoàn cảnh như hiện nay, các cán bộ y tế khỏe về thân thể, mạnh về tinh thần mới có thể bám trụ được.

img img

Còn các bệnh nhân và người bị cách ly được chăm sóc hàng ngày ra sao, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân mắc nCoV được cách ly hai lớp ở phòng đặc biệt mà chỉ nhân viên y tế có bảo hộ đặc biệt mới được vào. Hàng ngày chúng tôi thăm khám, đo nhiệt độ và phát thuốc cho bệnh nhân mỗi ngày vài lần. Để tạo điều kiện cho bệnh nhân, chúng tôi phải kéo riêng đường Internet để cho họ “giải khuây”. Hàng ngày, các bữa cơm đủ dinh dưỡng sẽ được các điều dưỡng phục vụ tận phòng.

Đối với người ở khu cách ly cũng vậy. Chúng tôi bố trí phòng bệnh, kê giường với khoảng cách an toàn 2m để đảm bảo các bệnh nhân không “lây chéo” bệnh sang nhau (nếu có). Phòng bệnh rộng 800m2, mọi khi chúng tôi kê 80-90 giường bệnh, giờ chỉ kê 50 giường. Hàng ngày, nhân viên y tế cũng sẽ vào đo nhiệt độ, hỏi về sức khỏe của mỗi người.

Do họ bị cách ly, sinh hoạt hạn chế nên chúng tôi đã tạo điều kiện hết sức bằng cách lắp tivi, wifi để mọi người xem ti vi, lướt web “giao lưu” với thế giới bên ngoài. Các bữa ăn cũng được thu xếp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho mọi người.

Hiện khoa Cấp cứu đang có 4 bệnh nhân mắc nCoV và mỗi ngày đón khoảng 25-30 người nghi nhiễm vào khu cách ly.

img img

Việc cách ly, còn lo lắng bị bệnh có thể khiến bệnh nhân căng thẳng, có hành vi chống đối hoặc bất hợp tác với nhân viên y tế?

- Cũng có trường hợp như vậy, đặc biệt là nhóm người nghi nhiễm bị cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Họ bị cách ly trong phòng kín nên tâm lý cũng khó chịu. Những người cách ly vào đây nhiều quốc tịch, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Việt đều có. Những người Châu Âu, Châu Mỹ thì khá hợp tác, họ chỉ ngồi trên giường của mình, không đi lung tung để tránh nhiễm chéo. Họ rất khó chịu khi nhìn thấy một số người Trung Quốc lượn vè vè, giao lưu khắp nơi. Nhưng người Trung lại không rành tiếng Anh, nhân viên y tế Việt Nam lại không biết tiếng Trung, vì thế việc giải thích cho họ vô cùng khó khăn.

Với một số người có điều kiện kinh tế, đang đi du lịch ở khách sạn 4-5 sao, đương nhiên vào một phòng tập thể nhiều người thì họ rất khó chịu. Nhiều người cũng lo lắng nên cứ đòi kết quả xét nghiệm nhanh hoặc chê đồ ăn không hợp khẩu vị.

Đa số các bệnh nhân hay người cách ly đều có triệu chứng ho, sốt nhẹ nên việc điều trị triệu chứng đơn giản, chỉ cho thuốc giảm ho, giảm sốt. Do căn bệnh này đặc thù nên nhân viên y tế hạn chế nói chuyện, hạn chế tiếp xúc, làm các thủ thuật trên cơ thể người bệnh để hạn chế lây nhiễm. Nhưng người cách ly thấy mình ít được bác sĩ hỏi han cũng khó chịu.

Rất nhiều loại ý kiến khiến các nhân viên y tế rất “đau đầu”. Mỗi lần có kiến nghị gọi đến đường dây nóng là chúng tôi lại mất thời gian làm văn bản giải trình, thêm việc, thêm mệt mỏi.

Tuy nhiên, vài ngày nay, sau khi thời gian xét nghiệm được rút ngắn từ 3-5 ngày xuống còn 24h thì chúng tôi đã bớt vất vả. Vì người cách ly được giải phóng nhanh, họ cũng bớt ồn ào, có ý kiến.

img img
img img

Tôi chỉ nghe bác sĩ chia sẻ rất “nhẹ nhàng” thôi mà cũng cảm thấy phình mạch máu não. Như vậy thì anh và nhân viên của mình chắc chắn áp lực lắm?

- Đương nhiên, trong điều kiện bệnh dịch như này, nhân viên y tế đều có gia đình, có nhiều người có bố mẹ già, con nhỏ nên việc phải “thường trú” trong bệnh viện nên mọi người cũng nhiều tâm tư. Hơn nữa, bệnh nói là nhẹ nhưng lỡ như mắc virus thì cũng phải điều trị, nghỉ việc dài ngày, có khi vợ (chồng) hay con cái họ hàng ở nhà còn phải bị cách ly, cuộc sống xáo trộn, sẽ nhiều mệt mỏi.

Còn trong công việc tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày cũng phải luôn căng mình để đảm bảo các hành động an toàn từ việc cởi găng tay đến mặc đồ bảo hộ. Vì một hành vi sai quy trình đều có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus Corona. Thầy thuốc mà không an toàn thì cả thầy thuốc và bệnh nhân đều chết.

img

Việc cách ly với bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc cũng là một “đòn tâm lý” với mọi người. Không chỉ như vậy, nhiều điều dưỡng, y tá đã chia sẻ với tôi về việc họ bị bạn bè, bị hàng xóm kỳ thị khi biết họ là nhân viên y tế đang ở tâm dịch. Có bạn điều dưỡng còn không dám về nhà lấy quần áo vì hàng xóm nhắn tin đe dọa: “Không được về, thấy là đuổi đánh” vì cho rằng bạn ấy mắc virus Corona, sẽ lây bệnh cho mọi người.

Trong lúc vất vả, chịu đựng khó khăn, vượt qua sợ hãi để cứu trị cho mọi người mà lại bị đối xử như vậy, nhiều bạn y tá, điều dưỡng trẻ rất là tủi thân, khổ sở. Nhưng chúng tôi khi đã chọn nghề y đều đã lường trước khó khăn như vậy. Bệnh nhân có thể chọn bác sĩ, nhưng bác sĩ không được lựa chọn bệnh nhân. Càng khi người ta đau ốm, khó khăn, “xấu xí” nhất thì lại càng cần chúng tôi.

Khó khăn nữa của chúng tôi là đang phải vừa điều trị cho bệnh nhân vừa phải đảm đương công việc vệ sinh khoa phòng. Vì khi dịch xảy ra, những người làm vệ sinh thông thường mà bệnh viện thuê không được đào tạo về chuyên môn phòng dịch, sẽ không có kỹ năng để vệ sinh, tẩy rửa đảm bảo khử trùng và an toàn, không mang virus từ nơi nọ qua nơi kia, thậm chí mang ra khỏi bệnh viện.

Do đó, các nhân viên y tá, điều dưỡng lại phải đảm đương cả công việc lau chùi, quét dọn vệ sinh phòng bệnh, nhà vệ sinh ở những nơi có nguy cơ cao. Phòng cách ly thì đông, không phải ai cũng có ý thức. Vì thế, công việc vệ sinh cũng là một gánh nặng khá lớn.

img img

Thủ tướng có nói “chống dịch như chống giặc”, trước kia chúng ta đã thành công chống “giặc” SARs. Còn nay khi đối với “giặc” nCoV anh còn những nỗi lo lắng nào?

- Hồi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona năm 2003 (SARs), tôi chưa trực tiếp tham gia chống dịch nhưng rõ ràng với nCoV chúng ta có lợi thế hơn hồi dịch SARs vì chúng ta đã biết mình phải đối mặt với loại virus nào, triệu chứng ra sao, điều trị cần gì, công tác dự phòng cũng phải làm gì.

img

Hiện nay, từ mặt phòng dịch đến điều trị chúng ta đều có kịch bản tương đối hoàn chỉnh. Tôi nói tương đối vì nCoV cũng còn nhiều điều cần phải nghiên cứu thêm, nếu có sự thay đổi về dịch tễ, lâm sàng chúng ta lại cần điều chỉnh tiếp. Nhưng rõ ràng chúng ta biết phải làm gì và đã đang làm tốt, đang đi đúng hướng, phòng ngừa hợp lý, cách ly hiệu quả, hạn chế lây nhiễm, điều trị bệnh thành công.

Tuy nhiên, hiện nay những người làm ngành y phải đối mặt với một áp lực khác, áp lực không đến từ virus hay bệnh tật. Áp lực từ mạng xã hội.

Hồi SARs, chúng ta không có mạng xã hội, do đó bác sĩ chuyên tâm điều trị, người dân tuân thủ khuyến cáo của y tế dự phòng, bệnh dịch cũng chỉ diễn ra trong bệnh viện. Nhưng hiện nay, các loại tin giả, tin nhảm (fake newws), tin đồn thổi vô căn cứ lan nhanh hơn cả virus Corona.

Những tin nhảm nhí về ca bệnh tử vong, về bệnh viện “quá tải”, “vỡ trận”, xui người ta uống nước tiểu, ăn trứng gà để phòng virus Corona... khiến tôi phải nghe thêm không biết bao cuộc điện thoại, giải thích mỏi miệng... Tin nhảm khiến người dân hoang mang, mẳng chửi, kỳ thị cả những cán bộ y tế đang còng lưng chống dịch...

Có cả người dân lao xổ vào bệnh viện đòi được xét nghiệm xem có nhiễm virus Corona hay không dù đang khỏe như vâm và chỉ đi loanh quanh trong xóm. Có cả đoàn 30 người người cùng kéo đến, sừng sổ. Lại có người chỉ hỏi vớ vẩn để quay clip, câu view, câu like...

Tin nhảm đó chính là lý do khiến một số nhân viên của tôi bị kỳ thị, bạn bè xa lánh, bị hàng xóm xua đuổi, có nhà không dám về...

Và chúng tôi, thay vì phòng dịch, điều trị bệnh lại phải tốn thời gian, công sức, nguồn lực để “điều trị” những thông tin “nan y” như vậy.

img img

Ở Việt Nam mới có 14 ca, chưa có tử vong và mừng là các ca bệnh đều nhẹ. Nhưng cho đến khi “hàng xóm” của chúng ta phải hết dịch thì Việt Nam mới có thể báo bình yên. Trong khi đó, số ca mắc và tử vong ở Trung Quốc vẫn gia tăng rất nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Vậy bác sĩ có lời khuyên nào để người dân có thể cùng chống “giặc” dài hơi cùng ngành y tế?

img

- Trong thời buổi hiện nay, khi dân số đông, môi trường ô nhiễm, giao thương dày đặc và nhanh chóng thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là rất lớn. Chúng ta đã từng đi qua dịch SARs, H1N1, dịch sởi, sốt xuất huyết,... và giờ là dịch nCoV. Tuy quy mô có khác nhau nhưng bệnh nào cũng dễ lây và nguy hiểm.

Do đó, người dân đừng vì dịch nCoV chững lại mà mất cảnh giác với việc phòng chống dịch bệnh cho mình và người thân, cộng đồng.

Các phòng ngừa như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người lạ, đến bệnh viện, hạn chế tiếp xúc với người ốm, rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi... như ngành y tế đang khuyến cáo để phòng nCoV như hiện nay, không bao giờ lỗi thời.

Đừng sống chủ quan, uống rượu thật lực, hút thuốc thả phanh rồi đến khi bị ốm lại đổ tại “số”. Những hành vi của chúng ta sẽ quyết định sức khỏe của chúng ta. Như hiện nay, người khỏe có mắc virus Corona cũng nhanh chóng phục hồi.

Nếu bạn khỏe, bạn sẽ có sức đề kháng chống lại bệnh tật, bạn không sợ bất cứ con virus nào. Nhưng bạn chỉ có SỨC KHỎE, nếu như bạn SỐNG KHỎE.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.

img img
img img
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem