Ra ở riêng, vợ chồng anh được chia vài yến lúa, vài cái bát, soong nồi. Cuộc sống vốn chật vật, lại thêm khó khăn khi hai đứa con trai lần lượt ra đời. Anh Phúc kể: "Nhà chỉ có 3 sào ruộng, lúa không đủ ăn, mình phải khai hoang, rồi thầu của bà con kiếm thêm cân thóc cho con".
Anh tâm niệm, làm nông phải có đất và muốn làm giàu từ nghề nông thì phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hồi ấy, khi bà con vẫn cấy giống lúa cũ năng suất thấp, anh ra huyện mua giống lúa, ngô cao sản về trồng. Và cây lúa, ngô đã không phụ lòng người, với gần 2 mẫu ruộng, mỗi năm anh Phúc thu hàng tấn lúa, ngô.
|
Mỗi vụ, anh Hoàng Văn Phúc thu từ 25 - 30 triệu đồng từ máy cày và máy vò lúa. |
Thừa lương thực, anh bắt tay vào nuôi lợn, gà, vịt. "Lúc đầu chỉ nuôi 10-15 con, dần dần mình tăng lên 20-30, rồi 40-50 lợn và hàng trăm con vịt, gà. Nuôi lợn, gà vừa khó, vừa dễ, nếu mình chịu khó và tiêm phòng dịch bệnh tốt thì ăn đứt nhiều nghề khác" - anh Phúc cho hay.
Năm 2003, thấy nhu cầu cày, bừa và vò lúa của bà con cao, anh đầu tư gần 160 triệu đồng mua máy vò lúa và máy cày. Ngoài phục vụ gia đình, mỗi vụ anh thu từ 25-30 triệu đồng từ vò lúa, cày, bừa thuê.
Năm 2005, phong trào trồng cây thuốc lá rộ lên, anh tiếp tục thuê đất trồng gần mẫu cây thuốc lá, nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật trên đài, sách báo, nên vườn thuốc lá của anh rất tốt, cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. "Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi có từ 180 - 220 triệu đồng" - anh Phúc cho biết.
Năm 2006, vợ chồng anh xây một ngôi nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi giữa làng, khiến nhiều người trầm trồ, ngợi khen. Những năm gần đây, năm nào anh cũng được công nhận danh hiệu "Nông dân sản xuất giỏi". Ông Tô Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn cho hay: "Anh Phúc không chỉ sản xuất giỏi, việc anh mua máy cày, máy vò lúa còn góp phần cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn".
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.