dd/mm/yyyy

Người giữ lửa nghề rèn truyền thống ở Chiềng Kheo

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đang có nguy cơ bị mai một. Bằng lòng yêu nghề, anh Sồng A Di ở bản Nà Viền (xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vẫn giữ lửa nghề rèn nhiều năm nay, góp phần giữ gìn truyền thống của gia đình và có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Đến bản Nà Viền hỏi về nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, chúng tôi được bà con chỉ đến nhà anh Sồng A Di. Theo những lời chỉ dẫn thì anh Di là người duy nhất trong bản bám trụ với nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông nơi đây.

Khi chúng tôi đến, A Di và mấy người thợ vẫn đang miệt mài, bận rộn với công việc rèn dũa. Xưởng rèn của anh Di nằm sát bên đường, rộng khoảng 40 m2. Trò chuyện với chúng tôi, A Di cho biết: Không biết nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết khi ông nội tôi sinh ra đã có nghề này và truyền lại cho bố, các anh và giờ là đến tôi. Trước đây, người Mông chủ yếu canh tác, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên công cụ lao động rất quan trọng. Việc tạo ra công cụ tốt sẽ quyết định đến hiệu quả lao động. 

Người giữ lửa nghề rèn truyền thống ở Chiềng Kheo - Ảnh 1.

Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Đối với người Mông công cụ lao động có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đối xử như với con người.  Vì thế, nghề rèn tuy vất vả nhưng là một trong những nghề cao quý nhất của người Mông.

Theo anh Di, làm nghề rèn rất vất vả, không phải ai cũng làm được nếu không có lòng đam mê và sức khỏe tốt. Để tạo ra được một sản phẩm thì người thợ rèn phải qua nhiều công đoạn như: Chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu, thổi bể khí, cặp sắt tôi, quai búa đập. Khi sản phẩm hình thành phải làm chuôi, tra cán, mài, gọt, giũa…

Người giữ lửa nghề rèn truyền thống ở Chiềng Kheo - Ảnh 2.

Anh Sồng A Di là người duy nhất ở bản Nà Viền, xã Chiềng Kheo gắn bó với nghề rèn truyền thống.

"Để làm ra những con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc ngọt và có độ bền cao thì người thợ rèn phải có kinh nghiệm lâu năm. Đầu tiên, người thợ rèn phải lựa chọn được loại thép tốt. Loại thép thường được người Mông sử dụng đó là nhíp ô tô, nhất là nhíp của ô tô sản xuất cách đây vài chục năm như nhíp ô tô Liên Xô cũ. Kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng, thép nung phải đủ độ nóng, không non quá cũng không được già lửa quá. Kỹ thuật này quyết định độ bền của sản phẩm" – anh Di chia sẻ.

Người giữ lửa nghề rèn truyền thống ở Chiềng Kheo - Ảnh 3.

Các sản phẩm: Dao, lưỡi cuốc, lưới xẻng... do người Mông rèn được nhiều người ưa chuộng.

Cũng theo A Di, than đốt lò của người Mông khá đặc biệt. Người Mông không dùng than đá hay than tổ ong mà dùng than củi cây trong rừng hay than củi từ cành tre già. Trong khi nung phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ của lò, nhiệt nóng đều sẽ cho ra sản phẩm tốt. Trước đây, các công đoạn đều thủ công nhưng ngày nay với sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng quạt điện thổi lò, máy mài, máy dập. Tuy nhiên các công đoạn quan trọng nhất từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, tay cầm… vẫn làm bằng tay. Vì vậy, đồ rèn của người Mông làm ra có độ tinh xảo riêng, sắc bén và bền lâu với thời gian.

Nhờ duy trì nghề rèn truyền thống mà gia đình anh Sồng A Di cũng khá giả lên, có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi, đến chốn. Mỗi tháng, xưởng rèn của gia đình anh Di sản xuất được hàng trăm các loại vật dụng khác nhau. Mỗi sản phẩm dao động ở mức từ 200.000 - 500.000 đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Người giữ lửa nghề rèn truyền thống ở Chiềng Kheo - Ảnh 4.

A Di tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong bản.

Hiện tại xưởng rèn của gia đình anh Di đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập từ 8 triệu đồng đến 13 triệu đồng/tháng. Từ những sản phẩm thân thuộc với người nông dân, đến nay xưởng đã có hàng chục sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và công năng sử dụng. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, phổ biến sản phẩm trên thị trường trong nước, gia đình anh Di đã và đang tìm cách nâng giá trị, từng bước đưa sản phẩm rèn truyền thống của người Mông ra thị trường nước ngoài.

Qua câu chuyện với anh Di, được biết, điều khiến anh trăn trở nhất hiện nay là nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, anh đang cố gắng truyền lại nghề cho các con, các cháu trong dòng họ.

"Nghề rèn là một nghề vất vả, khó nhọc nhưng nếu ai có sức khỏe và có lòng đam mê với nghề rèn truyền thống thì tôi cũng sẵn sàng chỉ bảo và truyền lại nghề cho họ. Bởi đối với tôi, việc bảo tồn và phát triển nghề rèn truyền thống chính là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Đồng thời, đó cũng là một nghề để kiếm thêm thu nhập cho gia đình" - anh Di bảo vậy.

Trung Hải - Thanh Văn