Người lao động nghỉ việc do phải cách ly sẽ được hưởng chế độ gì?

14/09/2020 14:26 GMT+7
Trong thời gian cách ly, người lao động sẽ được hưởng BHXH nếu thuộc 1 trong 05 chế độ mà Luật BHXH năm 2014 quy định.

Điều kiện người lao động được hưởng chế độ BHXH

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 và Khoản 1, Điều 4 của Luật BHXH năm 2014, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

Trong đó, có 2 chế độ BHXH là:

BHXH bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Loại BHXH này sẽ gồm 05 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. hưu trí, tử tuất.

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Loại BHXH này tự nguyện sẽ gồm 02 chế độ: hữu trí, tử tuất.

Như vậy, đối với trường hợp người lao động bị cách ly theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà không thuộc đối tượng có đủ điều kiện để hưởng 1 trong 05 chế độ trên theo quy định của pháp luật sẽ không được hưởng chế độ BHXH.

Người lao động nghỉ việc do phải cách ly sẽ được hưởng chế độ gì? - Ảnh 1.

Người lao động sẽ được hưởng BHXH nếu thuộc 1 trong 05 trường hợp mà Luật BHXH năm 2014 quy định.

Tiền lương người lao động đang cách ly được tính ra sao?

Việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19 được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động 2012, hướng dẫn tại Văn bản số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo đó, trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;

- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động.

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động.

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục