Ông Hồ Viền Pưa, già làng thôn A Hưa, xã Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) kể: Lúc nhỏ, sau những ngày lên rẫy cùng ba mẹ, tôi được nghe rất nhiều bài dân ca. Từ đó âm nhạc của dân tộc ngấm dần vào máu thịt. Rồi tôi đi tìm những già làng, người lớn tuổi để bổ sung thêm kiến thức âm nhạc dân tộc cho bản thân mình. Bây giờ không còn nhớ rõ mình thuộc bao nhiêu bài dân ca của người Tà Ôi.
Các điệu hát của người Tà Ôi xuất phát từ sinh hoạt thường ngày. Ảnh: S.N
Âm nhạc là một phần cuộc sống đời thường của người Tà Ôi, mỗi ca từ đều bắt nguồn từ đó. Các bài dân ca được lưu truyền từ đời này qua đời khác và thường xuyên được bổ sung, đổi mới bằng sự ứng tác của các nghệ nhân trong các dịp sinh hoạt gia đình, sinh hoạt xã hội. Lời các bài dân ca thường có vần điệu, phù hợp với tiết tấu và giai điệu của từng loại dân ca.
Với người già như già làng Pưa, trong dịp sinh hoạt cộng đồng, các cụ thường hát Ca lơi theo lối đối đáp ứng tác để phê phán những thói hư tật xấu còn tồn tại trong xã hội, và để răn dạy con cháu học và làm theo những người tốt, việc tốt. Còn với những người trẻ như em Nguyễn Thị Thu Phương, ở xã Bắc Sơn lại thích loại dân ca giao duyên Cha chấp. Đây là điệu hát mang nội dung tỏ tình, là tâm tư, tình cảm của những lứa đôi yêu nhau. Không những vậy, nó còn là sự bày tỏ của những tấm lòng giàu yêu thương, khao khát một cuộc sống gia đình no ấm, yên vui; là lời khẩn nguyện thần linh, niềm ước mong về một vụ mùa bội thu. “Ở chúng ta có cái bụng thương nhau/Thương nhau nhiều hơn đá dưới dòng Đakrong/Thương dài hơn hàng cột nhà Konprơnha..” – Phương ngâm nga.
Người Tà Ôi ưa dùng lối so sánh, ví von trong diễn đạt. Các hình tượng nghệ thuật do các nghệ nhân dân gian tạo nên qua các khúc dân ca in rõ dấu ấn của lối tư duy cụ thể, giàu hình ảnh của đồng bào miền núi. Chẳng hạn như: “Chén rượu đầy cùng uống/Cùng múa hát thâu đêm/Chúc làng mới của bạn/Giàu có và no ấm/Vững như ngọn núi cao…”.
“Phần lớn các điệu dân ca của người Tà Ôi không được lưu bằng văn bản, chỉ truyền bá bằng lời từ thế hệ này sang thế hệ khác nên việc truyền dạy mất rất nhiều công sức. Nhưng người già chúng tôi vẫn cố gắng truyền lại cho lớp trẻ để chúng biết, giữ gìn lại cho đời sau” – ông Pưa cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.