dd/mm/yyyy

Người tiên phong làm rau đạt chuẩn quốc tế Global GAP

Năm 2008, trong lúc tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn vẫn còn xa lạ với mọi người thì nông dân Lê Văn Cường (ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã được Tập đoàn Control Union chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP.

Câu chuyện về "bà trùm" rau sạch trên bãi giữa sông Hồng Hiệu quả mô hình trồng rau sạch công nghệ cao ở vùng ven đô thị Đà Nẵng Trồng rau sạch trên hệ thống IoT thông minh

Năm 1986, tốt nghiệp đại học, ông Lê Văn Cường không trở về quê hương mà ở lại Đà Lạt lập nghiệp. Hơn 10 năm công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên đã giúp ông tích lũy được “cả núi” kiến thức về ngành nông nghiệp. Thế rồi, ông lại về “đầu quân” cho Dalat Hasfarm, một doanh nghiệp được xem là mở đầu cho cuộc cách mạng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam. Được tiếp cận với công nghệ mới đã thôi thúc ông Cường càng thêm quyết tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế cây trồng.

“Thời bấy giờ, ngoài Dalat Hasfarm là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hầu như người dân và các doanh nghiệp còn lại vẫn sản xuất theo lối truyền thống. Tuy nhiên, Dalat Hasfarm chỉ chuyên về cây hoa, còn rau, củ, quả thì chưa có doanh nghiệp nào ứng dụng. Nhận thấy đây là cơ hội lớn nên tôi nghỉ làm ở Dalat Hasfarm về mở cơ sở sản xuất giống cây rau an toàn!..”, ông Cường chia sẻ.

Năm 1997, ông Cường chính thức “tự lập” bằng việc chuyên sản xuất các loại giống cây rau trên giá thể, cũng là người đầu tiên ở Lâm Đồng sản xuất giống rau theo hình thức này để cung cấp cho nhà nông. Thời bấy giờ, hầu hết người sản xuất nông nghiệp tự mua hạt giống về gieo như… gieo mạ, sau đó nhổ lên đem ra trồng. Khi được ông Cường tư vấn, giới thiệu giống cây trên giá thể, nhiều người tỏ ra không mấy mặn mà. Họ cho rằng, giống cây trên giá thể có giá thành cao, sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Người tiên phong làm rau đạt chuẩn quốc tế Global GAP - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Cường bên trang trại cà chua.

Để chứng minh suy nghĩ này của người nông dân sản xuất nông nghiệp theo lối truyền thống là sai, ông Cường tặng cây giống ươm trên giá thể cho nhà vườn trồng để so sánh. Kết quả đã thuyết phục được người nông dân. Đó là trồng rau bằng giống giá thể rút ngắn được thời gian cho thu hoạch gần 2 tuần; cây trồng đồng đều, phát triển nhanh do không bị đứt rễ như cây ươm giống truyền thống; hạn chế được sâu bệnh; cho chất lượng cao và mẫu mã đẹp; hiệu quả kinh tế...

Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc, nông dân đã truyền tai nhau về hiệu quả rõ rệt từ việc trồng rau, củ, quả từ nguồn giống ươm trên giá thể. Chính vì thế, chỉ mất nửa năm, các đơn đặt hàng dồn dập từ nông dân đã khiến ông Cường luôn bận rộn. Công nhân phải làm tăng ca đêm vẫn không đủ nguồn giống cung cấp cho các đơn đặt hàng ngày càng nhiều.

“Những năm 2005, 2006, khi Đà Lạt đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì giống cây trong giá thể gần như trở thành điều kiện bắt buộc. Đây cũng là thời điểm bắt đầu hình thành nhiều phòng nuôi cấy mô phục vụ sản xuất, nhân giống cây trồng trong nông nghiệp ở Đà Lạt. Tôi bắt đầu tính chuyện chuyển sang sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường!...”, ông Cường cho biết.

Năm 2008, khái niệm về sản xuất rau an toàn vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì ông Cường đã nỗ lực sản xuất và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Global GAP về rau quả, trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam vinh dự được Tập đoàn Control Union chứng nhận sản phẩm đưa ra thị trường đạt chuẩn quốc tế.

Global GAP là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice), với mục tiêu tiên quyết tạo nên nền nông nghiệp an toàn và bền vững toàn cầu, các tiêu chuẩn được xây dựng nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất nông nghiệp. Để đạt chứng nhận này, ông Cường đã phải chứng minh các sản phẩm sạch của mình được canh tác tuân thủ bộ tiêu chuẩn Global GAP.

“Chứng nhận Global GAP là sự đảm bảo rằng sản phẩm đã đạt được mức độ an toàn và chất lượng được chấp nhận, đồng thời phải đảm bảo sự canh tác nông nghiệp bền vững nghĩa là tôn trọng sức khỏe, an toàn và phúc lợi cho người sản xuất, môi trường và kể cả vấn đề chăm sóc cho động vật. Nếu không đảm bảo những điều cơ bản trên thì trang trại sẽ không được chứng nhận theo bộ tiêu chuẩn Global GAP”, ông Cường cho biết.

Với những lợi thế tiên phong trong sản xuất nông nghiệp an toàn, ông  Cường đã mở rộng đầu tư, liên kết sản xuất và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Hàng loạt sản phẩm rau, củ, quả chủ lực của Đà Lạt như cà chua, ớt ngọt, lơ, cải thảo, bắp cải, xà lách... đã được ông Cường sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Từ đó đến nay, các sản phẩm rau sạch cao cấp của ông Cường đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, sạch từ quy trình sản xuất đến bàn ăn. Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được lựa chọn và kiểm định chặt chẽ trước khi đến với người tiêu dùng.


Khắc Lịch