Người trẻ khởi nghiệp, làm gì để tránh “bẫy” kinh doanh đa cấp?

20/06/2020 08:11 GMT+7
Trước tình trạng hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép tràn lan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã có các khuyến cáo, đặc biệt, với người trẻ có mục tiêu khởi nghiệp nhằm tránh rủi ro.

Theo đại diện Cục CT&BVNTD, thời gian qua, trên các trang thông tin điện tử, Youtube các nhóm mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) xuất hiện nhiều mô hình, dự án kinh doanh được giới thiệu là "kinh doanh hệ thống", "kinh doanh mạng" hay "kinh doanh thời đại 4.0"…

Những hoạt động này thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua mô hình tiếp thị liên kết. Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Winvest.io …

Theo đó, những dự án này được ví như là "sân chơi" của những "bạn trẻ khởi nghiệp", của những "doanh nhân" muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử.

Tuy nhiên, theo nhận định từ phía Cục CT&BVNTD, mô hình hoạt động của các dự án nêu trên có dấu hiệu là hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm theo quy định hiện hành.

Người trẻ khởi nghiệp, làm gì để tránh “bẫy” kinh doanh đa cấp? - Ảnh 1.

Hoạt động đa cấp vi phạm pháp luật có nhiều biến tướng khó lường

Do đó, để hạn chế những thiệt hại không đáng có, trước khi tham gia vào bất cứ hình thức kinh doanh nào người dân cần kiểm tra doanh nghiệp đang tuyển dụng đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh theo phương thức đa cấp hay chưa?

"Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP). Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Danh sách các doanh nghiệp BHĐC luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn.

Các tổ chức hay doanh nghiệp khác (không có tên trong 22 doanh nghiệp nêu trên) có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý", đại diện Cục CT&BVNTD cho hay.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng có lưu ý trong các giao dịch ngay đối với các doanh nghiệp BHĐC đã được cấp giấy chứng nhận. Theo đó, nếu tham gia, người dân cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp BHĐC và lưu giữ 01 bản chính. Qua đó, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình hoạt động BHĐC.

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý các biểu hiện về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

"Các hành vi cấm đối với doanh nghiệp đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó phổ biến nhất là các hành vi có biểu hiện như: Doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định (như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…) hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia BHĐC", đại diện Cục CT&BVNTD thông tin.

Ngoài ra, cũng theo khuyến cáo từ phía Cục CT&BVNTD, trong trường hợp người dân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC cần kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền.

"Các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017)", Cục CT&BVNTD thông tin thêm.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục