Nông dân trồng tiêu và thương lái đều đứng ngồi không yên trước tình hình giá tiêu giảm sâu, ít có cơ hội phục hồi. Ảnh: T.L
Tiến thoái lưỡng nan
Hiện giá tiêu tại một số vùng nguyên liệu đang giao dịch quanh mức 72.000 – 75.000 đồng/kg. So với thời điểm mới thu hoạch, giá hồ tiêu đã giảm hơn 40.000 đồng/kg, khiến người trữ tiêu sắp lên… tăng xông.
Ông Trần Minh Chánh (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) – một nông dân đang trồng 6ha hồ tiêu cho biết, hiện ông đang trữ trong nhà gần 8 tấn tiêu để chờ giá lên. Theo ông Chánh, hiện giá hồ tiêu đã “lọt sàn”. Ông tính, công cán chăm bón, thuốc phân… mỗi kg hồ tiêu chí phí gần 100.000 đồng. “Với giá hiện nay, nếu bán hồ tiêu ra sẽ lỗ nặng, vì thế tôi trữ lại chờ giá”, ông Chánh cho biết.
Thậm chí, sau khi nghe thông tin Ấn Độ đã chính thức cho phép nhập lại hạt tiêu từ Việt Nam, ông đã thu mua thêm hồ tiêu của các hộ khác để chờ giá lên sẽ bán ra. Tuy nhiên, sau khi thu mua thêm 2 tấn tiêu, thấy giá không nhích lên ông đã kịp thời dừng mua.
Ông Chánh cho biết, không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ trồng tiêu trong vùng cũng đang như “ngồi trên lửa” khi giá tiêu liên tục xuống thấp như hiện nay. Bởi nhiều hộ cũng như ông, đều mua thêm hồ tiêu để chờ giá. Có hộ trữ trong kho cả chục tấn tiêu.
Trong khi đó, với gần 10 tấn hồ tiêu đang nằm trong kho, ông Hoàng Văn Lập (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng đang đứng ngồi không yên. Trước đó, sau khi thu hoạch tiêu được khoảng 8 tấn, thấy giá tiêu xuống thấp, ông Lập quyết định… ém hàng, thậm chí còn mua thêm 2 tấn tiêu chờ giá. Tuy nhiên, thay vì tăng, giá tiêu lại liên tục hạ thấp. “Chưa tính tiêu nhà thu hoạch, riêng 2 tấn tiêu mua thêm tôi đã lỗ khoảng 100 triệu đồng”, ông Lập thổ lộ.
Xả hàng?
Hiện ở Bình Phước đang có tình trạng bán xả hàng tiêu dạt (tiêu đạt chất lượng thấp). Tuy nhiên, với những thương lái, nông dân găm hàng hồ tiêu chất lượng tốt, tâm lý là vẫn… chờ giá.
Nông dân Bù Đăng (Bình Phước) thu hoạch tiêu. Ảnh: Trần Đáng
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu trong nước có xu hướng sụt giảm từ năm 2016 khi diện tích trồng hồ tiêu có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Các nước nhập khẩu tiêu của Việt Nam nắm bắt được điều này nên đang hạn chế nhập khẩu để gây sức ép về giá. Ngoài ra, việc hồ tiêu Việt Nam nhiều lần bị “trả hàng” về do phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu cũng là lý do khiến các đối tác lợi dụng ép giá.
Tuy nhiên, cũng theo VPA, Việt Nam đang chiếm gần 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu nên có nhiều lợi thế để điều tiết thị trường. Vì vậy, tổ chức này khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, không nên “bán tháo” để tránh làm giá tiêu tiếp tục hạ do nguồn cung tăng. Đồng thời, cần tranh thủ bán ra khi giá tiêu có dấu hiệu hồi phục trở lại chứ không nên chờ đến khi giá tiêu quay lại ngưỡng trên 200.000 đồng/kg như kỳ vọng.
Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng khuyến cáo người dân trồng tiêu bình tĩnh trước việc giá tiêu đang lao dốc. Sở cũng vận động nông dân ngưng mở rộng diện tích hồ tiêu, cũng như triển khai các dự án cánh đồng lớn trồng tiêu liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Theo ông Chánh, do giá tiêu đã xuống quá thấp nên giờ vẫn sẽ tiếp tục trữ hàng chứ không thể bán ra. “Giờ tôi xác định là đã trữ là trữ tới cùng, chứ giờ bán ra lỗ nặng quá”, ông Chánh quả quyết. Thậm chí, ông còn cho rằng những ai đã lỡ thu mua tiêu để găm hàng chờ giá, nhân lúc giá tiêu đang thấp nên mua thêm (!) vì… kiểu gì thì giá tiêu cũng nhích lên sẽ gỡ gạc được thua lỗ trước đó.
Chị Lê Thị Hải - Chủ Doanh nghiệp thu mua nông sản Kim Ngân Minh (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, do dư lượng thuốc BVTV trong hạt tiêu Việt Nam cao nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào một số thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ… Các thị trường này đang chuyển hướng sang nhập khẩu tiêu của Campuchia, Indonesia, khiến tiêu Việt Nam ứ đọng, dẫn đến giá lao dốc.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.