Người từng quản lý tử tù nhiều nhất nước bóc mẽ các chiêu vượt ngục

Anh Thư Thứ ba, ngày 19/09/2017 13:36 PM (GMT+7)
Tử tù có thể mài sắt từ hộp sữa gia đình gửi vào tiếp tế, hay thìa inox thành những vật sắc nhọn, gắn vào bán chải đánh răng để đào tường, khoét ngục. Họ nghe ngóng, căn giờ vào ban đêm lúc cán bộ không đi tuần là khoét ngục, sau đó trộn kem đánh răng cùng những bụi tường đó, trát lại.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ 2 tử tù vượt ngục vừa bị bắt sau hơn 6 ngày lẩn trốn tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an, ngày 19.9, ông Bùi Ngọc Bình, nguyên Giám thị Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội chia sẻ với Dân Việt về những thủ đoạn vượt ngục tinh vi của tử tù.

Kế hoạch đào tẩu của tử tù

Ông Bình nhớ lại, trong suốt nhiều năm công tác, ông từng tiếp xúc với rất nhiều tử tù bởi Trại tạm giam số 1 có lẽ là nơi giam giữ nhiều tử tù nhất cả nước, có lúc lên đến 112 người. Dù hội đồng xét xử nhận định họ "mất hết tính người, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội", nhưng mỗi tử tù khi bị đưa vào đây là một số phận, một con đường sa ngã khác nhau.

Ông bảo, nhiều đồng nghiệp của ông làm quản giáo đã nhiều năm, dường như cũng quen với việc tiếp xúc với tử tù. Có tử tù chờ thi hành án lâu năm, chỉ cần nghe tiếng giày khua trên hành lang phía ngoài buồng giam trong những ca đi tuần là biết của cán bộ quản giáo nào. Quản giáo dường như cũng quen giọng nói của từng tử tù nên chỉ cần nghe tiếng vọng từ trong buồng giam, cách mấy lần cửa sắt vẫn nhận ra mà không cần thấy mặt.

img

Phước “tám ngón”- một tử tù đã vượt Khám Chí Hòa thành công chỉ với một chiếc dao lam.

Nhưng đa phần tử tù vào đây hầu hết là những đối tượng rất nguy hiểm, gian manh và xảo quyệt, phạm những tội ác tày trời. Quản giáo ngày nào cũng phải xuống buồng giam, xem tử tù nào có bất thường về tâm lý, về sức khỏe là biết ngay. Thời gian đầu khi tử tù mới vào trại sẽ có biểu hiện rõ nhất, bởi lúc đó, tử tù xác định chỉ có con đường chết nên tâm lý vô cùng hoảng loạn, họ có thể tự sát bằng bất cứ cách nào. Những cán bộ quản giáo trông coi tử tù phải là những người rất có kinh nghiệm, biết nắm bắt tâm lý.

Ông Bình kể, trong suốt thời gian làm giám thị trại giam, ông nhiều lần chứng kiến những chiêu thức tinh vi của tử tù.

"Họ có thể mài sắt từ hộp sữa gia đình gửi vào tiếp tế, hay thìa inox thành những vật sắc nhọn, gắn vào bán chải đánh răng để đào tường, khoét ngục. Tử tù nghe ngóng, căn giờ vào ban đêm lúc cán bộ không đi tuần là khoét ngục. Sau đó tử tù trộn kem đánh răng cùng những bụi tường đó, trát lại. Nếu cán bộ quản giáo nào không tinh, sẽ không thể phát hiện ra thủ đoạn tinh vi đó" - ông Bình nói.

Theo ông, để đào được một lỗ hổng để có thể co mình chui qua, chúng chỉ mất khoảng 2 tuần nếu làm trong thời gian liên tục. Thường ở biệt giam, mỗi phòng giam giữ 2 tử tù nên khi cán bộ quản giáo kiểm tra, tử tù có thể sử dụng những cách đánh lạc hướng, có khi hắt cả bô nước bẩn hòng để cán bộ lúng túng... Chính vì biết cách chiêu thức như vậy, các phòng biệt giam của Trại tạm giam số 1 đã được đổ bê tông một cách kiên cố.

Ông Bình kể, có những tử tù là những kẻ giang hồ cộm cán, va chạm ngoài xã hội nhiều, việc tháo cùm đối họ không hề khó khăn. 

"Chỉ cần có một vật sắc nhọn, chỉ cần 3 giây, tử tù có thể bẻ được khóa cùm" - ông Bình nói. Chính vì thế, ngoài công tác quản giáo phải rất gắt gao, đi tuần thường xuyên thì tất cả các khóa cùm ở Trại tạm giam số 1 đều phải đầu tư khóa nhập ngoại.

Vị giám thị từng có nhiều năm kinh nghiệm này cũng cho biết, thủ đoạn của tử tù nhiều vô kể và rất tinh vi. Có những tử tù tìm cách phá cùm vào mùa đông. Chúng tập luyện cho bàn chân thẳng, sau đó độn cơm làm thành một bàn chân giả, đi tất vào. Khi cán bộ khóa cùm là khóa vào bàn chân giả, sau đó chúng dễ dàng tháo chân ra khỏi cùm.

Ông Bình cho biết công việc khó khăn nhất đối với cán bộ quản giáo khi trông giữ tử tù là khi tử tù tìm cách tự sát để được thoát ra ngoài. Một số tử tù sau khi đã lên kế hoạch vượt ngục bài bản, chúng âm thầm mài những vật sắc nhọn, móc nối ra với đồng bọn ở bên ngoài để tổ chức kế hoạch trốn thoát. Sau đó chúng nuốt thanh sắt sắc nhọn, nuốt tăm nhọn hay dùng những vật sắc nhọn, tăm nhọn để chọc thủng mạch máu, cắn lưỡi tự tử để được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Từ đó, việc trốn thoát sẽ có cơ hội được thực hiện dễ dàng hơn.

Giang hồ giết vợ tìm cách vượt ngục

Ông Bình nhớ lại trong suốt quãng thời gian mình làm Giám thị trại giam số 1, ông may mắn chưa để từ tù nào "qua mặt". Nhưng cũng có tử tù phải mất rất nhiều thời gian làm "công tác tư tưởng" để tử tù không tìm cách tự sát hay vượt ngục.

"Hà cọ" là một trong những tử tù như vậy. Đây là một tay giang hồ khét tiếng ở đất Hà thành, nổ súng giết vợ vào đúng chiều 30 Tết, gây rúng động dư luận.

img

Trương Văn Hà tại cơ quan công an. Ảnh: Zing

"Hà cọ" tên đầy đủ là Trương Văn Hà (SN 1967, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Hà bị cáo buộc tội Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và Cố ý gây thương tích và bị tòa tuyên phạt tử hình cho 3 tội danh. Theo bản án, khoảng 16h ngày 30.1.2014 (tức này 30 Tết nguyên đán), do mâu thuẫn chuyện gia đình, Hà đánh vợ là chị Trương Thị Lan Phương (37 tuổi).

Bị đánh, chị Phương nhắn tin cho em cầu cứu. Lúc này, Trương Thanh Hùng (32 tuổi, em trai của chị Phương) đến nhà thấy hàng xóm nói Hà đánh chị Phương nên đã gọi điện thoại cho Nguyễn Thanh Hải (36 tuổi), nhờ đến căn ngăn.

Khi anh Hải đến, Hà mở cửa. Thấy thế, chị Phương trèo qua ban công tầng 2 nhảy xuống ngõ bỏ chạy ra ngoài. Hà “cọ” cầm tuýp sắt đuổi đánh và lôi chị Phương về nhà. Anh Hiếu can ngăn và dìu chị Phương vào nhà, Hà đi theo sau. Mọi người đề nghị đưa người phụ nữ này đi cấp cứu nhưng Hà không chấp nhận.

Khi công an gõ cửa yêu cầu Hà mở cổng, anh ta chửi bới rồi chạy ra sân rút khẩu súng K59 giắt sau lưng ra bắn thẳng về phía công an. Viên đạn xuyên qua cánh cửa nhưng may mắn không trúng ai. Hà quay vào nhà bắn tiếp 4 phát trúng ngực, chân làm chị Phương gục ngã dưới chân cầu thang, tử vong sau đó. Lợi dụng lúc hỗn loạn, Hà bỏ trốn. Sau 45 ngày gây án, Hà bị Công an Trung Quốc bắt giữ, di lý về Công an Hà Nội và bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội.

Tại trại tạm giam, khi đội quản giáo số 1 tiến hành kiểm tra buồng giam thì Hà không chấp hành lệnh, đồng thời cầm con dao tự tạo đâm quản giáo 2 nhát nhưng vị cán bộ đỡ được. Tổ công tác đã dùng bình xịt hơi cay khống chế.

"Lúc vào trại, Hà luôn gây gổ, tìm cách tự sát hoặc trốn thoát. Cán bộ quản giáo đã phải rất kiên nhẫn, chốt chặt các ca trực, theo dõi sát sao các diễn biến và dùng rất nhiều biện pháp, cuối cùng Hà mới từ bỏ ý định", ông Bình cho hay.

img

Tử tù Nguyễn Văn Tình bị bắt khi đang trốn trong lán trông nương ở Mai Châu (Hòa Bình).

Vụ 2 tử tù bỏ trốn: Tạm đình chỉ nhiều cán bộ công an

Sáng 18.9, nguồn tin từ Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an cho biết liên quan đến vụ hai tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt, 37 tuổi) trú tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi, trú tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) trốn khỏi trại tạm giam T16, Bộ Công an đã tạm đình chỉ công tác một loạt lãnh đạo và cán bộ trại tạm giam này để xem xét, làm rõ trách nhiệm liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem