Hội sim bắt đầu khi ánh trăng bàng bạc phủ khắp núi rừng, những đôi nam thanh, nữ tú cùng nhau tụ tập ở nhà Xu (nhà cộng đồng của bản làng). Họ tìm hiểu nhau, chọn người tâm đầu ý hợp rồi trao nhau lời ước hẹn bằng những làn điệu dân ca truyền thống. Khi đôi trai gái đã phải lòng nhau cả 2 cùng báo với gia đình để chuẩn bị lễ cưới.
|
Cô dâu và chú rể nâng chén rượu thề hẹn trăm năm kết tóc xe duyên. |
Sau khi hai gia đình thống nhất, quyết định và hẹn ngày để tổ chức đám cưới, nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật theo yêu cầu của nhà gái. Khi nào lễ vật chuẩn bị xong, nhà trai thông báo cho nhà gái và chọn ngày để tổ chức đám cưới.
Với người Vân Kiều, các đôi uyên ương không chỉ trải qua một mà ba lần cưới. Lần cưới thứ nhất, sau khi đôi bên gia đình thống nhất, họ nhà trai sẽ đến đón dâu. Tại đây, họ sẽ chung vui cùng nhà gái suốt đêm và sau khi được nhà gái tiếp đãi ăn uống xong hôm sau mới chính thức trao lễ vật thách cưới cho nhà gái.
Lần cưới thứ nhất, đoàn đón dâu sẽ ở lại nhà gái một đêm. Tại đây, họ hát hò chúc mừng suốt cả đêm. Hôm sau, các bậc cao niên hai dòng họ làm lễ báo với ông bà tổ tiên họ nhà gái để chuẩn bị đón dâu. Đến nhà chồng, khi hai bên thông gia cùng nâng chén rượu chúc mừng hạnh phúc, cô dâu lặng lẽ ra suối xúc cá để báo với mẹ chồng từ đây cô chính thức trở thành thành viên của gia đình.
Lần cưới thứ hai thường được tổ chức cách lần đầu khoảng 1-3 tháng. Gia đình cô gái mở tiệc để mời nhà trai sang chơi. Khi đôi vợ chồng sinh con cái thì hai gia đình tiến hành bàn bạc về chuyện cưới lần ba. Tùy thời điểm và điều kiện mà gia đình nhà trai đồng ý hoặc khất lại, tuy nhiên không khất quá 3 năm.
Lần cưới này, nhà trai phải đưa lễ vật sang nhà gái để hàng xóm, họ hàng của cô dâu đến chung vui. Trong đám cưới, nhà gái tiếp tục xin thêm lễ vật cho họ hàng hoặc yêu cầu nhà trai bổ sung thêm số lễ vật mà lần cưới thứ nhất còn thiếu... Vượt qua "cửa ải" thứ 3 này, đôi uyên ương mới được chính thức công nhận là vợ chồng.
Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.