Nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông đang sử dụng ra sao?

20/07/2022 12:30 GMT+7
Trong năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 50.328 tỷ đồng, trong đó, có 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài (vốn ODA). Đến nay, nguồn vốn ODA đang được Bộ GTVT thực hiện đầu tư xây dựng một số hạ tầng khu vực Tây Nguyên.

Nguồn vốn ODA giải ngân ra sao?

Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn ODA này. Đến hết tháng 6/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tính riêng nguồn vốn ODA giải ngân được 1.843 tỷ đồng, đạt 37,8%.

Xác định khối lượng phải giải ngân trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022.

Nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông đang sử dựng ra sao? - Ảnh 1.

Tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đắk Pơ (Gia Lai) bị xuống cấp, nhiều "ổ gà" tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Hồng Điệp

Trong đó có các dự án ODA giao thông như: Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, kết nối giao thông Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mặc dù, Bộ GTVT rất quyết tâm đầu tư xây dựng các dự án theo đúng kế hoạch, thế nhưng, các dự án hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ODA đang gặp nhiều khó khăn. Các dự án ODA giao thông đang vượt khó, chạy đua với thời gian và thời tiết để tăng tốc giải ngân đúng kế hoạch…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc điều hành dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên chia sử, thời gian vừa qua khu vực Tây Nguyên có những cơn mưa đêm liên tiếp xuất hiện tại khu vực công trường dự án giao thông thi công tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên đoạn qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Việc mưa nhiều đã làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án, hiện, ngoài gói thầu XL8 mới khởi công đầu tháng 6/2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định có thời tiết ổn định, hầu hết các gói thầu còn lại đều đang trong tình trạng thi công cầm chừng.

Tại các gói thầu XL2, XL4A, XL4B, XL5 và XL7, hiện hơn 30 đầu máy, thiết bị và 5 trạm trộn bê tông nhựa đã được huy động tăng cường, sẵn sàng chạy đua với thời tiết.

Chia sẻ thêm, ông Tân cho biết, năm 2022, dự án được giao kế hoạch vốn 626 tỷ đồng. Trong đó, 10 tỷ đồng là vốn đối ứng, 616 tỷ đồng là vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, kết quả giải ngân dự án đã vượt kế hoạch được giao hơn 50%. Riêng vốn GPMB giao đầu năm (150 tỷ đồng) đã giải ngân xong và tiếp tục xin bổ sung thêm 88 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành giải ngân trong tháng 9/2022.

Riêng tháng 7/2022, khối lượng giải ngân dự kiến đạt khoảng 50 tỷ đồng, vượt từ 5 - 6% so với kế hoạch yêu cầu.

Tương tự, dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên cũng đang tận dụng tối đa thời gian "trời quang mây tạnh" để gia tăng sản lượng trên công trường. Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính đến ngày 14/7, sản lượng thi công dự án đạt 11,57% giá trị hợp đồng, vượt 0,21% so với kế hoạch.

Kết quả thi công tích cực giúp cho khối lượng giải ngân tại dự án đến nay đạt hơn 243 tỷ đồng trong tổng số gần 466 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao trong năm 2022...

Thế Anh
Cùng chuyên mục