Nguy cơ biến mất dòng cà phê moka ở Đà Lạt

Võ Khắc Dũng Thứ tư, ngày 04/03/2015 14:57 PM (GMT+7)
Một dòng cà phê từng phục vụ cho giới quý tộc của thế giới được trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng đang có nguy cơ biến mất nếu không có giải pháp phục hồi.
Bình luận 0

Moka là dòng cà phê thuộc giống arabica được người Pháp đưa sang Việt Nam và trồng tại Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) vào năm 1875. Với điều kiện về thổ nhưỡng, độ cao (1.600m, cao hơn độ cao bình quân của Đà Lạt 100m), sương mù... rất lý tưởng nên Cầu Đất của Đà Lạt là vùng đất gần như duy nhất ở Việt Nam cho ra sản phẩm cà phê moka nổi tiếng khắp thế giới từ hơn 100 năm trước.

img

Xay xát, chế biến cà phê ở xã Xuân Trường (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng). 
Những cụ già ở Cầu Đất kể rằng ngay sau khi cà phê moka được trồng ở Cầu Đất và cho thu hoạch, người Pháp đã mang ra chế biến rồi “tung” trở lại Pháp với nhãn hiệu “Arabica du Tonkin” để phục vụ cho giới thượng lưu, quý tộc; còn với người bình thường, hầu như chẳng mấy ai được biết đến hương vị moka Cầu Đất.

Ngày nay, người ta thường nghe nói đến cà phê arabica Cầu Đất nổi tiếng là cà phê “số một thế giới”. Điều này không sai! Bởi lẽ, trên thế giới hiện nay, arabica là thứ cà phê được ưa chuộng nhất, có giá cao nhất (thường gấp 3 lần so với các loại cà phê khác)... Hiện tại, cà phê arabica được trồng nhiều nhất ở Brazil, sau đó là Colombia. Ở Việt Nam, arabica được trồng ở nhiều tỉnh; tuy nhiên, diện tích của giống cà phê này không đáng kể vì sự “kén chọn” đất sống của nó. Theo phân tích của các nhà chuyên môn thì loại cà phê này nổi tiếng nhất vẫn là arabica Cầu Đất, sau đó là arabica Quảng Trị và arabica Tây Bắc. Song, điều đáng lưu ý ở đây là giống arabica có đến 4 dòng; trong đó, phổ biến ở Việt Nam (trong đó có Lâm Đồng) hiện nay là dòng catimo. Ở Lâm Đồng, dòng catimo được trồng phổ biến tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh... với diện tích hiện chiếm khoảng hơn 10% trong tổng diện tích hơn 144.000ha cà phê của toàn tỉnh. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ ổn định khoảng 150.000ha cà phê; trong đó, diện tích cà phê arabica (dòng catimo là chính) chiếm khoảng 20%.

Tại Đà Lạt, phổ biến hiện nay vẫn là giống cà phê arabica nhưng chủ yếu là dòng catimo như một số địa phương khác trong tỉnh. Trong khi đó, cà phê moka hiện đã bị thoái hóa, nhiễm nhiều loại sâu bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao... nên không được người dân ưa chuộng. Ngay như Cầu Đất - vùng đất đứng chân đầu tiên và gần như duy nhất của cây cà phê moka, loại cây trồng này cũng gần như không còn.

Đành rằng catimo của giống arabica đã và đang làm nên một thương hiệu cà phê Cầu Đất “số một thế giới” nhưng chuyện phục tráng dòng moka của giống arabica “vang bóng một thời” tại sao lại không được nghĩ đến? Nếu để vĩnh viễn biến mất một loại cà phê “làm nên lịch sử” - cà phê moka - chắc hẳn có điều gì đó thật đáng tiếc!

 Ngay sau khi cà phê moka được trồng ở Cầu Đất và cho thu hoạch, người Pháp đã mang ra chế biến rồi “tung” trở lại Pháp với nhãn hiệu “Arabica du Tonkin” để phục vụ cho giới thượng lưu, quý tộc...  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem