Đầu đạn W76 được dùng trên tên lửa Minuteman III của Mỹ
Công nghệ mới mang tên "đầu đạn siêu ngòi nổ" mà Mỹ áp dụng trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, giúp tăng gấp ba lần sức hủy diệt của tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, có thể gia tăng nguy cơ kích động chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc, theo Bulletin.
Thiết bị này có tên gọi chính thức là "hệ thống vũ trang, tra ngòi và khai hỏa" (AF&F), gồm ngòi nổ, tổ hợp khóa mục tiêu phụ trang bị radar, hệ thống hỏa lực phụ và một pin nhiệt cung cấp năng lượng. AF&F nằm ở đầu chóp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, được phát triển cho đầu đạn W76-1/Mk4A trong chương trình kéo dài tuổi thọ của W76, loại đầu đạn có số lượng lớn nhất trong kho vũ khí hạt nhân Mỹ.
Công nghệ đầu đạn siêu ngòi nổ được triển khai lần đầu trên đầu đạn W88/Mk5 Trident II, sau khi quân đội Mỹ trao hợp đồng cho tập đoàn Lockheed vào đầu thập niên 1980.
Washington nhận ra sức mạnh hủy diệt của W76 có thể tăng lên đáng kể nếu được trang bị đầu đạn mới. Nghiên cứu cho thấy Mỹ sẽ cần rất nhiều đầu đạn W76 kiểu cũ để tấn công các căn cứ Nga nếu thực thi hiệp ước START II.
Ở thời điểm đó, mẫu W76/Mk4 có ngòi cố định để kích nổ tầm cao, không thể điều chỉnh nổ ở vị trí tối ưu nếu đầu đạn rơi quá gần hoặc xa mục tiêu. Do đó tên lửa phóng từ tàu ngầm chỉ được dùng để tấn công vào mục tiêu mềm như căn cứ quân sự.
Đầu đạn siêu ngòi nổ sẽ khiến tên lửa của Mỹ nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ảnh: War is Boring.
Từ năm 2009, thiết bị siêu ngòi nổ AF&F được tích hợp vào đầu đạn W76-1/Mk4A của hải quân Mỹ trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, kéo dài hoạt động của đầu đạn thêm một thập kỷ.
Thiết bị này giúp tăng đáng kể cơ hội đầu đạn hạt nhân phát nổ ở cự ly đủ gần để phá hủy mục tiêu, ngay cả khi độ chính xác của hệ thống tên lửa chưa được cải thiện.
Kết quả là lực lượng tàu ngầm hạn nhân Mỹ hiện nay có năng lực lớn hơn nhiều so với trước đây trong việc tấn công, hủy diệt các mục tiêu kiên cố, chẳng hạn như các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga. Cách đây 10 năm, chỉ có khoảng 20% đầu đạn hạt nhân gắn trên tàu ngầm Mỹ có khả năng tiêu diệt mục tiêu kiên cố, còn hiện nay, tỷ lệ đó là gần 100%.
John Baker, học giả tại Quỹ Ploughshares, khẳng định việc tăng cường khả năng hủy diệt của đầu đạn hạt nhân cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Nga, dù thực tế họ không có kế hoạch này và cũng không đủ tự tin với một cuộc chiến tổng lực.
Nếu Nga nghi ngờ ý định của Mỹ, đặc biệt ở thời điểm khủng hoảng, kết cục sẽ là thảm họa.
Mỹ và Nga đều đang triển khai tên lửa hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao không cần thiết. Khi một vụ phóng hạt nhân được thông báo, dù thông tin chính xác hay không cũng gây ra nguy cơ tấn công trả đũa. Điều này đặc biệt đúng với Nga, nước dựa trên các trạm radar mặt đất để theo dõi, thay vì hệ thống cảnh báo sớm bằng vệ tinh.
Nga chỉ có tối đa 15 phút từ lúc có cảnh báo sớm nhất về cuộc tấn công hạt nhân cho đến khi xảy ra thiệt hại. Một vụ phóng tình cờ có thể ẩn chứa nhiều rủi ro, như các hệ thống radar Nga thông báo sai về vụ phóng tên lửa hạt nhân của Mỹ.
Do đòn tấn công phủ đầu của Mỹ nhắm tới việc loại bỏ khả năng trả đũa, Nga chỉ có vài phút để đưa ra quyết định đáp trả. Trong trường hợp này, họ phải ra đòn trả đũa trước khi các tên lửa Mỹ bay đến. Với việc Mỹ trang bị siêu ngòi nổ cho đầu đạn hạt nhân, các quan chức Nga sẽ có ít thời gian phản ứng hơn, đồng thời rất dễ đưa ra quyết định sai lầm.
Bộ chỉ huy Nga sẽ phải phản ứng nhanh hơn trước một cuộc tấn công phủ đầu nên dễ dẫn tới sai lầm hơn. Ảnh: War is Boring.
Bất chấp những lời tốt đẹp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho nhau, quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Sự xuất hiện của đầu đạn siêu ngòi nổ sẽ đe dọa các thỏa thuận hạt nhân ràng buộc giữa hai nước.
Những rủi ro chiến lược của loại đầu đạn này khiến việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và tái xây dựng lòng tin giữa hai nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, chuyên gia Baker nhấn mạnh.
Duy Sơn (VnEpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.