Nguy cơ lớn từ xã hội già

Mỵ Lương Thứ tư, ngày 30/03/2016 10:31 AM (GMT+7)
Số lượng người già gia tăng, sức lao động giảm, ngân sách y tế dành cho người già phình to, quỹ hưu trí bội chi… là những vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt. Các chuyên gia nhận định, chính sách cần thay đổi để biến già thành giàu, thành có ích.
Bình luận 0

1 người trẻ “cõng” 2 người già

Trong một báo cáo mới nhất về “Sống lâu và giàu có” do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% dân số. Việt Nam sẽ bước từ nước có “dân số vàng” sang “dân số già” chỉ trong 30 năm. Sự sụt giảm dân số ở độ tuổi lao động - là “đòn bẩy” tốc độ tăng trưởng nhanh chóng theo đầu người tại Việt Nam - bị giảm xuống. Một người lao động sẽ phải “gánh” 2-3 người già.

 Theo báo cáo “Sống lâu và thịnh vượng hơn: Già hóa dân số khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”, 36% dân số độ tuổi trên 65 của thế giới, tức khoảng 211 triệu người, đang sống trong khu vực Đông Á. Đến năm 2040 hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc và trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Riêng Trung Quốc, con số đó tương đương với con số giảm sút trên 90 triệu lao động. 

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, già hóa dân số sẽ tác động nội lực của quốc gia, trong đó gồm có yêu cầu về chi tiêu ngân sách, phát triển các hệ thống dịch vụ đáp ứng số lượng người cao tuổi ngày cành gia tăng. Vấn đề đặt ra là sự thiếu hụt về nguồn lực quốc gia.

“Bài toán đặt ra là làm sao để tăng năng suất lao động bù cho số lượng những người cao tuổi đã ngừng làm việc trong xã hội. Hơn nữa, phải tính việc phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) như thế nào để người trẻ có thể tích lũy ngay từ bây giờ để trang trải các nhu cầu của mình đến khi về già” – ông Đàm nói

Lý giải về hiện tượng già hóa dân số, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến tốc độ già hoá diễn ra nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á là do kinh tế phát triển quá nhanh. “Thu nhập tăng lên, trình độ giáo dục cao hơn khiến tuổi thọ tăng, đồng thời tỷ lệ sinh giảm sút mạnh khiến cho người trẻ ngày càng khan hiếm” – bà V.Kwakwa nói.

Thách thức: vừa già vừa yếu

Bà Đào Thị Quy (80 tuổi, trú tại thôn Chiềng, xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà, Thái Bình) bị đau ốm đã nhiều năm. Nhưng hoàn cảnh khó khăn nên bà ít khi đi khám bệnh. Chỉ đến khi tham gia Câu lạc bộ "Người cao tuổi giúp người cao tuổi" trong thôn, bà mới biết mình “nhan nhản” bệnh, từ huyết áp cao, thấp khớp, loãng xương…

“Cũng may mà được khám kịp thời chứ nhiều ông bà, không đi khám kịp thời, bị bệnh nằm liệt một chỗ, con cái phải chăm sóc khổ lắm” – bà Quy cho biết.

imgTheo dự báo, dân số già sẽ tăng lên trong khoảng thời gian đến năm 2035. Ảnh: L.H.T

Theo ông Giang Thanh Long - Giám đốc Viện Chính sách công và quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), người già bệnh nặng, sức yếu, chi phí y tế lớn là một trong nhiều vấn đề mà Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt, tạo nhiều áp lực kinh tế và rủi ro xã hội. Nếu không cải cách thì chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070. Đồng thời, hệ thống y tế của các nước chưa được chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh.

“Cần có những chính sách phù hợp để kích thích sự đóng góp, sức lao động của người già hơn là nhìn họ như những người lệ thuộc, phải chăm sóc. Theo dự báo, dân số già sẽ tăng lên trong khoảng thời gian đến năm 2035, sau đó sẽ giảm dần, không thể giảm ngay. Căn cứ vào đó, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội rất tốt bắt kịp với xu thế dân số già trong vòng 3-4 thập kỷ tới” – ông Long nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia nhận định để “đối phó” với già hóa đòi hỏi có sự ứng phó rộng rãi của toàn xã hội, trong đó có chính sách y tế, lương hưu, lao động và dịch vụ xã hội…

“Không nên nhìn nhận sự già hóa một cách bi quan, vì người già có kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống, điều này giúp ích, dạy bảo cho con cháu sống tốt hơn. Càng không nên đem GDP để đo sự đóng góp của người già mà cần xem xét đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau như văn hóa, kinh nghiệm, vốn sống” – ông Nguyên Anh (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho hay.

Theo ông Giang Thanh Long, hệ thống an sinh xã hội cần tập trung vào người cao tuổi nông thôn vì tỷ lệ người có bảo hiểm, hưu trí thấp, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, tích luỹ thấp. Ngoài ra, tình hình di dân khiến tình trạng người già ở nông thôn cô đơn, không người chăm sóc…

Ông Giang Thanh Long - Giám đốc Viện chính sách công và quản lý:

Quỹ hưu trí  không đủ đáp ứng

img

Tôi cho rằng việc di cư nội địa tác động rất nhiều đến đời sống của người cao tuổi. Theo tôi, những người trong độ tuổi từ 60-69, khoảng hơn 50% trong số đó vẫn đang tham gia lao động, làm việc và có thu nhập. Tôi đồng ý việc duy trì người cao tuổi trong thị trường lao động vì đảm bảo được công việc và thu nhập cho họ. Trong khi, vấn đề nghỉ hưu ở Việt Nam không bền vững, lý do tỷ lệ đóng thấp hơn tỷ lệ được hưởng. Tổng cộng chúng ta đóng 22% lương, trong đó chỉ có 8% dành cho hưu trí. Mức hưởng đến 75% tiền lương dẫn đến thực tế “đầu vào ít, đầu ra nhiều”, đương nhiên Quỹ Bảo hiểm xã hội không đáp ứng nổi. Việc già hóa dân số không phải là nhân tố làm cho cuộc sống chúng ta đi xuống mà do những chính sách chưa kịp thích ứng với tình trạng già hóa dân số dẫn đến tình trạng mất cân đối trong quỹ hưu trí. Cần phải có sự cải tổ trong hệ thống hưu trí về cơ chế đóng và hưởng đối với người già.

Bà Phạm Tuyết Nhung - Phó trưởng ban đối ngoại, Hội người cao tuổi Việt Nam:

Vào CLB để giúp nhau xóa đói giảm nghèo

img

Hội Người cao tuổi Việt Nam hiện nay triển khai  nhiều mô hình giúp người già nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần. Trong đó nổi bật là mô hình xây dựng các câu lạc bộ (CLB) người cao tuổi như: CLB Dưỡng sinh, CLB Tình nguyện. Theo tôi được biết, có khoảng 1.000 CLB trên cả nước và được đưa thành chỉ tiêu trong chương trình hành động quốc gia vì người cao tuổi. Phần lớn, CLB được thành lập khoảng 50 người, trong đó 70% là người cao tuổi, 30% là các thế hệ trung niên hoặc trẻ hơn. Đặc biệt, CLB có quỹ chung và các thành viên có thể vay quỹ để giảm nghèo, người muốn vay cần có bản kế hoạch cụ thể cho hoạt động kinh tế của mình, từ đó tập thể sẽ thông qua đồng ý cho vay vốn hay không. Nếu được thông qua, tập thể sẽ chung sức giúp đỡ thành viên vay vốn tổ chức các hoạt động kinh tế như kinh doanh, chăn nuôi. Hiện nay, 100% các hội viên vay vốn đều hoàn trả được vốn và thoát nghèo. Đây có thể xem là hình thức xóa đói giảm nghèo hữu hiệu cho người cao tuổi và cần được nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, khó khăn của CLB là khi thành lập cần một nguồn tài chính.

Việt Phương (thực hiện) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem