dd/mm/yyyy

Nguy cơ rau muống VietGAP “vỡ trận" giữa lòng Sài thành

Do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, hàng loạt nông dân TP.HCM đang bỏ trồng rau muống VietGAP, khiến dự án này có nguy cơ “vỡ trận”.

Báo cáo tình hình đánh giá chứng nhận và kết nối tiêu thụ rau muống nước VietGAP tại 2 xã Nhị Bình và Bình Mỹ của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông dân thuộc Sở NN&PTNT TP.HCM cho thấy, tính đến tháng 4.2017, tại xã Bình Mỹ, trong số 90 hồ sơ được cấp chứng nhận VietGAP với tổng diện tích hơn 78ha, thì có 32 hồ sơ sản xuất không đáp ứng nhu cầu VietGAP do không ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất. Tại xã Nhị Bình, có 28/39 cơ sở sản xuất rau muống nước VietGAP, trong đó 21 cơ sở không đảm bảo duy trì theo yêu cầu VietGAP.

“10 tổ kinh tế hợp tác với 90 thành viên mới thành lập của dự án rau muống VietGAP giờ chỉ còn hoạt động trên danh nghĩa. Chúng tôi rất lo lắng làm sao để duy trì dự án này”, ông Nguyễn Văn Tủi – Trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM) thổ lộ.

Thu hoạch rau muống VietGAP tại xã Bình Mỹ (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: T.Đ
Thu hoạch rau muống VietGAP tại xã Bình Mỹ (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: T.Đ

“Rút lui có trật tự”

Tại ấp 6B (xã Bình Mỹ, Củ Chi) – nơi thực hiện mô hình cánh đồng rau muống nước VietGAP rộng 37ha với khoảng 20 hộ tham gia, mấy tháng nay gần như “chết lâm sàng”. Anh Trần Văn Khuyến – một thành viên tham gia mô hình cho biết: “Tôi tham gia mô hình này hơn 1 năm nay nhưng thi thoảng HTX Thỏ Ngọc mới cho người đến thu mua, số lượng mỗi lần vài ba chục bó rau muống. 2 tháng nay tôi không còn tham gia làm rau VietGAP nữa”, anh Khuyến cho biết. Một số thành viên tham gia mô hình cho rằng, họ không thiết tha tham gia mô hình nữa vì HTX mua “gối đầu” với nông dân, tiền nợ có lúc cả tháng mới thanh toán, hoặc khi thị trường hút hàng thì mua ồ ạt, khi ế lại bỏ mặc nông dân…

Trung tâm cũng đang vận động đơn vị thu mua và nông dân sản xuất rau muống VietGAP cần thống nhất phương án thu mua sản phẩm theo giá cố định hoặc biến động theo giá thị trường, đảm bảo giá cao hơn thị trường ít nhất 15%”. Ông Bùi Văn My – quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông dân TP.HCM

Cánh đồng rau muống nước VietGAP rộng 45ha tại ấp 1 (xã Nhị Bình, Hóc Môn), với vài chục thành viên tham gia, giờ cũng chẳng còn ai mặn mà chuyện làm rau muống VietGAP. Theo chị Nguyễn Thị Thuận – một nông dân đang trồng rau muống tại đây: “Lúc đầu nghe nói trồng rau muống VietGAP sẽ có đầu ra ổn định, giá tốt nên ai cũng hồ hởi tham gia. Thực tế, đến giờ chỉ có 2 người là bán được sản phẩm cho HTX, còn lại vẫn phải tự mang rau ra chợ bán”. Bản thân chị Thuận, sau khóa học kỹ thuật chăm sóc và trồng rau VietGAP, thấy rau này "bí" đầu ra, giờ chị lại quay về làm rau thường để bán chợ!

Chạy lo đầu ra…

Hiện TP.HCM có khoảng 1.000ha rau muống nước, trong đó, huyện Củ Chi chiếm 708ha, tập trung nhiều nhất tại xã Bình Mỹ. Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thành phố, việc sản xuất rau muống nước đạt chuẩn VietGAP đang được thành phố tổ chức, trước mắt tại 2 xã Bình Mỹ và Nhị Bình, với dự kiến 200 - 300ha.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tủi, việc duy trì nông dân tham gia mô hình trồng rau muống VietGAP nhằm cung cấp cho thị trường thành phố và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang gặp vấn đề lớn từ đầu ra.

Mặc dù HTX Thỏ Việt cam kết bao tiêu hết sản phẩm rau muống nước VietGAP tại xã Bình Mỹ, nhưng do giá thu mua thấp nên không ký được với nhiều hộ. Hiện, HTX chỉ thu mua được cho 2 hộ nông dân trồng rau muống VietGAP với khoảng 300kg/ngày.

Trong khi đó, HTX Phú Lộc mặc dù cam kết thu mua rau muống nước VietGAP cho nông dân xã Nhị Bình, nhưng việc này chỉ thực hiện được… 2 tháng rồi dừng hẳn. Ông Lê Đình Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thông tin: Huyện đang vận động, kết nối, giới thiệu các đơn vị thu mua với nông dân trồng rau muống VietGAP nhằm giải quyết đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất… 

Trần Đán