Ngoài ra, Trang còn tham gia các vụ điều tra ngầm khét tiếng, với chiến công là những vụ phối hợp bắt giữ các đường dây tàn sát và buôn bán ngà voi, sừng tê giác… ở khắp châu Phi và châu Á. Nhiều vụ bị các đối tượng chụp ảnh đưa lên hội nhóm giang hồ, rồi chúng nhận diện, đóng cửa "nhốt" Trang và cả ê-kíp điều tra trong không gian tăm tối.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 1.

Tôi biết Trang Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Trang, SN 1990) thông qua một chi tiết tình cờ. Tôi có nhóm học trò bằng tuổi con mình, để ý, thấy đi điền dã mấy đứa đều mang sách của Trang Nguyễn đi đọc, mà tít sách cũng gợi: "Trở về nơi hoang dã". "Thó" của một cậu bé về đọc, tôi bị hút bởi giọng văn trong sáng và các chi tiết mộc mạc của một nhà bảo tồn trẻ, đi bảo vệ các loài hoang thú ở Madagascar thuộc châu Phi - vùng đất bị các cuộc trôi dt lục địa biến thành vùng đảo tách biệt từ thượng cổ, với đa dạng sinh học đáng ngạc nhiên nhất toàn cầu. Tôi từng đến châu Phi nhiều lần và xem không ít phim tài liệu trác tuyệt về xứ ấy. Trang Nguyễn sang đó với tư cách nghiên cứu sinh (rồi phải lòng) sau khi nhận học bổng toàn phần của Đại học Cambridge - Vương quốc Anh. Cô gái gầy gò, đen giòn, hồn nhiên đã có "hành hoang dã" rất huyền thoại.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 2.

Sau này, tôi lại tình cờ nghe câu chuyện của Trang Nguyễn ở một diễn đàn quốc tế dành cho những người danh tiếng diễn thuyết bằng tiếng Anh. Những câu chuyện của Trang làm hàng triệu người thổn thức. Trang được giới bảo tồn và giới yêu văn hóa đọc biết nhiều hơn bởi các thành tích đặc biệt: Viết sách về những trải nghiệm bảo vệ rừng và hoang thú khắp thế giới; Truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên hoang dã.

Giờ gặp lại, Trang Nguyễn đã là Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã (ĐVHD) - Wildact, hoạt động ở Việt Nam từ năm 2013. Trang được Đài BBC bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2019; hai lần được tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ xếp vào Top 30 gương mặt dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất châu Á (các năm 2018 và 2020). Đặc biệt, Trang nhận giải thưởng lớn về môi trường mang tên Future For Nature trị giá 50.000 Euro (hơn 1,24 tỷ đồng), cô gái đem "hiến" tất cả cho công tác bảo tồn. Từ những "tút" dễ thương trên mạng xã hội, được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ và các nhà xuất bản trong nước, cuốn sách "Trở về nơi hoang dã" (Back to the Wilderness) của Trang đã tạo nên một cơn sốt trong đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, năm 2021, cuốn sách nổi tiếng: "Chang Hoang Dã – Gấu" (Chang is the Wild about Bears) đã đoạt giải A, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam, cuốn sách được mua bản quyền bởi một nhà xuất bản lớn và lâu đời bậc nhất nước Anh, phát hành rộng khắp ở Anh, Mỹ, Úc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trang bảo, em lấy nhuận bút đó phục vụ cứu hộ loài gấu, rồi cười lỏn lẻn khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 3.

Trang thấy mình là kiểu người nên được mô tả như thế nào nhỉ?

- Em thích gì sẽ làm bằng được. Hồi đầu, mục tiêu là được đến Nam Phi, được tham quan động vật hoang dã (ĐVHD), hoặc tổ chức một khóa học giúp các học viên có kiến thức và hoạt động hiệu quả về bảo tồn thiên nhiên. Em không nghĩ mình sẽ trở thành Giám đốc trung tâm bảo tồn như bây giờ. Càng không nghĩ sẽ làm điều tra chống lại nạn buôn bán ĐVHD trái phép với các điệp vụ tận châu lục khác và mỗi lần bắt hàng tấn… vảy tê tê, rồi bao nhiêu ngà voi, sừng tê giác như lâu nay.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 4.

Tiếng Anh thạo như… tiếng Việt từ rất sớm, có lẽ đó là một bệ phóng để Trang đạt được ước mơ. Trang đã học như thế nào?

- Em từng học dốt Tiếng Anh đến mức bị mất danh hiệu học sinh giỏi vì môn này. Mẹ bắt em đi học thêm tiếng Anh nhưng em cãi. Thế rồi sau này phát hiện ra mình nói câu ấy là quá "ngu" (cười).

Muốn làm bảo tồn, cần phải đọc được tài liệu bằng tiếng Anh. Mới hiểu được người nước ngoài nói gì, phim tài liệu chiếu gì.

Lúc đầu cũng khá khó khăn. Em xin mẹ đi học ở Trung tâm tiếng Anh với học phí khá đắt. Mẹ đưa đến nơi, hỏi giá tiền, rồi… đi về. Vì nhà em nghèo. Thế là em mua đĩa DVD, học chủ đề thích nhất: thiên nhiên. Quan trọng khi học ngoại ngữ, khi nói đừng xấu hổ, cứ nói, nói sai người khác sẽ sửa cho. Nghe nhiều thì quen tai.

Ít ai ngờ, một chuyên gia bảo tồn "sống ở rừng" như Trang lại "gặt hái" những thành công không hề nhỏ liên quan đến viết và xuất bản sách với nhiều "kỷ lục" khiến người ta ngưỡng mộ. Năm 2021, sách của Trang còn được một NXB lừng danh của Anh mua bản quyền và xuất bản ở nhiều quốc gia.

- Thực ra, viết sách và truyền thông về bảo tồn thiên nhiên nằm ngoài dự định của em. Em vẫn nhớ, một số bạn trẻ quan tâm đến em vào khoảng năm 2011, 2012. Luận văn thạc sĩ em làm về các loài linh trưởng ở Madagascar. Em đến đó khoảng 3 tháng, ở trong rừng. Ngày đấy, nhiều người đã dùng Facebook. Em lưu giữ ảnh, viết nhật ký về chuyến đi, kể về chuyện đi châu Phi, vào rừng thế nào, làm nghiên cứu ra sao. Rồi đăng ảnh. Thế là mọi người thích.

Và sau một nhà xuất bản ở Việt Nam liên hệ và bảo em viết thành sách. Lúc đấy em rất ngạc nhiên: "Uầy mình viết sách á?". Phía nhà xuất bản nói rằng "câu chuyện của chị rất truyền cảm hứng. Nếu chị chia sẻ, các bạn trẻ khác sẽ quan tâm đến môi trường hơn, sẽ ít người vứt rác ra rừng hơn".

Cuốn sách đầu tiên có tên là "Trở về nơi hoang dã". Em rất ngỡ ngàng, ngạc nhiên là hôm ra mắt sách, có rất nhiều bạn quan tâm. Hôm ấy trời còn mưa rất to nhưng các bạn tới đông chật kín cả phòng, có người phải đứng bên ngoài. Sau lần ấy em phát hiện ra "chân lý": một câu chuyện nếu kể thật tâm, từ trải nghiệm, cảm xúc của mình thì mọi người sẽ cảm thấy xúc động hơn là nói kiểu… khoa học.

Ví dụ, người ta sẽ chẳng nhớ rõ có mấy nghìn con tê giác bị giết. Nhưng, nếu kể các câu chuyện đã trải nghiệm trực tiếp ở các chiến dịch bảo tồn tê giác bên châu Phi, cuộc chiến chống lại nạn săn trộm, chân dung các chiến binh giữ sừng cho tê giác… thì người ta rất thích.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 5.

Sau hàng loạt thành công về xuất bản sách, Trang có nghĩ là mình cần tiếp tục theo nghề viết nhiều hơn không?

- Trước đó, NXB Kim Đồng không thông báo là họ đem sách của em đi dự giải. Hôm ấy em còn đang vào trong VQG Pù Mát (tỉnh Nghệ An) để chuẩn bị đi thực nghiệm điều tra bảo vệ ĐVHD. Có một nhà báo gọi điện thoại nói sách được giải A quốc gia, em đã rất bất ngờ.

Lúc ra sách, em không nghĩ mọi người quan tâm đến nó. Vì lúc đó đúng đợt tháng 3, mọi người đang bị lockdown (giãn cách xã hội) vì Covid-19. Cuốn sách ấy không hề có lễ ra mắt sách hay một buổi trò chuyện nào của tác giả. Khi buổi lễ trao giải diễn ra, em vẫn đi bảo tồn chim hoang dã, chim di cư ở trong… rừng.

Hỏi thật, Trang có thấy mình và cộng sự ít nhiều đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên không?

- Thực ra em không cảm thấy chúng em đơn độc lắm. Các đơn vị làm về bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 20 đơn vị, tổ chức. Mỗi đơn vị sẽ có những mảng mạnh riêng. Mừng nhất là bây giờ có "Wildlife Supporting Network", đại ý là mạng lưới bảo tồn thiên nhiên hoang dã nói chung. Nếu có chuyện gì cấp bách, mọi người sẽ ký tên và đệ đơn chung, nhằm đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Em thấy những lúc như thế, mọi người như đang cùng nhìn về một hướng, chung một tấm lòng. Ví dụ tiêu biểu là vụ 14 tổ chức bảo tồn cùng ký thư ngỏ lên cơ quan cấp cao, đề nghị bảo tồn các loài chim di cư, chim hoang dã, bảo tồn hổ hồi năm 2021.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 6.

Trang đi học, đi làm bảo tồn thiên nhiên ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ từ châu Phi sang châu Âu, châu Á... Tại sao em lại lựa "bay nhảy" thế, mà không phải là "bắt rễ" ở một vùng đất cụ thể nào đó, ví dụ như Việt Nam?

- Em đi cũng nhiều nơi. Từ Nam Phi, Madagascar, Mozambique,... tới Tây Ban Nha rồi Lào, Campuchia... Lĩnh vực bảo tồn rất rộng lớn, mình làm bảo tồn ở nước này không có nghĩa là nó không có sức ảnh hưởng, liên quan đến các nước khác. Thành ra, em thấy nếu có cơ hội em sẽ đi nhiều nơi. Tương tự như thế, mặc dù có tổ chức WildAct ở đây (mà em làm giám đốc) nhưng nếu có cơ hội cộng tác với các đơn vị nước ngoài là em triển khai ngay. Sắp tới, em có cơ hội cộng tác với tổ chức The People Network, chuyên làm về điều tra buôn bán ĐVHD trên nhiều quốc gia. Hoặc có đợt em điều tra ở Campuchia, em làm 2-3 năm thì ở bên đấy luôn, thỉnh thoảng mới về Việt Nam.

Ở Madagascar, em cùng thầy hướng dẫn là một trong số ít chuyên gia nghiên cứu về vượn cáo má nâu, sau khi nghiên cứu khảo sát, em và thầy đã nâng được mức độ bảo tồn lên cao hơn để Chính phủ Madagascar có thêm những "cây gậy vàng" nhằm bảo tồn tốt hơn cho loài động vật quý này. Rồi những lúc làm undercover (điều tra bí mật), bắt được tội phạm, tịch thu nhiều tang vật (liên quan đến buôn bán các động vật hoang dã), rồi tiến tới phá vỡ mạng lưới hoạt động nguy hiểm của chúng. Có một số vụ, chúng em phối hợp với cảnh sát địa phương "xử lý" nhiều đối tượng quan trọng tới mức tưởng như họ đã được "miễn trừ" điều tra.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 7.

Nhiều ý kiến cho rằng, thiên nhiên đang bị tàn phá với tốc độ đau lòng suốt nhiều năm qua mà ít có dấu hiệu thuyên giảm?

- Có nhiều người hỏi em thành công trong hoạt động bảo tồn là gì? Cứu được bao nhiêu con vật, bao nhiêu cánh rừng. Nếu trả lời ngay thì thật khó. Bởi vì bảo tồn là cả quá trình rất lâu dài. Nhưng em nghĩ từ những cái nhỏ nhỏ như thế gộp lại mới thành cái lớn hơn để "đong đếm", "ước lượng" được.

Em rất hy vọng vì các bạn trẻ hiện nay đã được nâng cao ý thức, có nhận thức về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Ví dụ vụ bắt các đường dây buôn bán và nuôi nhốt hổ trái phép vào tháng 8/ 2021, giải cứu 24 cá thể hổ ở tỉnh Nghệ An mà Dân Việt điều tra tố cáo đầu tiên. Khi 9 cá thể hổ trưởng thành cùng bị chết, các bạn trẻ đã rất bức xúc. Ở góc độ nào đó, có thể thấy, các bạn ấy đã rất quan tâm đến số phận các chúa sơn lâm và góp tiếng nói để công tác cứu hộ được tốt hơn!

Em muốn làm sao để "lôi kéo", giữ chân được các bạn ấy ở lại với ngành bảo tồn.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 8.

Một phụ nữ Việt Nam còn quá trẻ, say mê học thuật; mảnh khảnh, có gì đó rụt rè, ngoài đời cũng vậy và trong các trang sách tinh tế Trang đã viết cũng vậy. Nhưng, thật khó hình dung: Trang tham gia vào hoạt động điều tra chống tội phạm,  phục vụ bảo tồn với các điệp vụ, các phim tài liệu "khét tiếng" trên nhiều quốc gia.

- Em chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm điều tra. Suốt thời gian dài em chỉ chú tâm vào thực hiện các nghiên cứu khoa học. Đến khi bị ốm nặng (bệnh hiểm nghèo), em mới cảm nhận sâu sắc hơn rằng, cuộc đời rất mong manh. Có rất nhiều thứ tâm huyết, cần phải làm ngay trước khi quá muộn. Em không đi rừng nghiên cứu báo gấm như kế hoạch nữa (vì bác sĩ bảo không được ở rừng sau khi điều trị), em chuyển sang làm về sinh kế người dân ở Kenya (châu Phi) và bảo tồn tê giác. Sang đó, em nhận ra: nếu thực sự muốn làm về bảo tồn thì phải làm việc với con người, phải làm những cái liên quan trực tiếp để bảo vệ các loài ĐVHD bị giết hại, ngăn chặn các đường dây bán buôn chúng.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 9.

Tại Kenya, em làm việc với lực lượng cảnh sát. Bấy giờ, họ cần người hỗ trợ để làm chuyên án điều tra ngầm, là người châu Á thì càng dễ hoạt động hơn khi "giao dịch" với người Việt hay Trung Quốc.

Sau các điệp vụ thành công, họ bảo: "Cô này có khiếu làm undercover (điều tra bí mật, hóa trang điều tra) ra phết!". Thế là em bắt đầu tham gia điều tra từ những vụ nhỏ, rồi dần đi sâu hơn với các vụ lớn, bắt "hàng" với số lượng "khủng". Tất nhiên, chuyện cụ thể, em không được phép kể ra trên mặt báo vì đang tiếp tục điều tra ở bên đó. Có vụ em làm điều tra ngầm kéo dài hơn một năm ròng.

Xông pha mạo hiểm điều tra bí mật như thế, chắc nhiều tình huống hú vía lắm nhỉ?

- Một "tai nạn" bất ngờ đã diễn ra ở Nam Phi. Lúc ấy, em đóng vai "bạn hàng" của các đối tượng buôn sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê. Em ngồi ghế phụ phía trước, phía sau là cảnh sát và các trùm buôn đang nói chuyện. Xe đang di chuyển bỗng dưng máy quay lén cài ở khuy áo của em nháy đèn liên tục, ánh sáng đanh và sắc lóe mãi không dừng vì báo hết pin. Em tái mặt sợ hãi, chỉ kịp che bớt ánh sáng, tim như đứng lại. Cũng may họ đang ngã giá, căng thẳng, lại thêm em ngồi phía trước nên không bị phát hiện. Đó là bài học xương máu em không bao giờ quên.

Em từng ghi hình bí mật bằng nhiều loại camera ngụy trang, dưới dạng bút, kính, rồi nút cúc áo. Nói chung rất nhiều loại thiết bị. Song, phải làm sao để những mình phải thoải mái, tự tin.

Lại nhớ, có một vụ ở Campuchia, trong đội cảnh sát em tham gia điều tra vài bạn non nghề quá. Đợt đấy em hỗ trợ làm xét nghiệm AND với vật chứng là kho ngà voi vừa bị bắt từ tay các trùm buôn lậu Trung Quốc.

Lúc tới nơi, em đã rất cẩn thận, ngụy trang khá kĩ. Nhưng khi đi vào trong khu tạm giữ để tiếp xúc với nghi phạm thì lại hơi chủ quan. Cả nhóm tháo khẩu trang vì tưởng chỉ toàn cảnh sát và nghi phạm đã bị khống chế. Không ngờ, gia đình những đối tượng bị bắt đứng ở ngay gần đó cầm điện thoại quay video mọi thứ. Chẳng bao lâu, tất cả nhóm điều tra bị lộ mặt, bị đưa hết lên mạng xã hội trong các hội nhóm của chúng.

Quả nhiên, sau đấy vài tháng, khi thực hiện vài vụ bắt giữ ở một số tỉnh khác gần thủ đô Phnompenh thì bắt đầu có chuyện. Em và các anh đồng nghiệp vừa bước chân vào đặt vấn đề giao dịch, họ đóng sập luôn và hét loạn lên. Chúng em phải bám nhau dò dẫm trong bóng tối, tìm cách thoát ra bằng cửa khác.

Em mới càng thấm thía: phải biết từ chối những cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, hở sườn, nguy hiểm.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 10.

Thấy lối sống tai hại đến môi trường, thấy thiên nhiên bị hủy hoại như một điều không thể tránh khỏi ở xung quanh mình, suốt bao năm qua vẫn thế và thiên nhiên ngày càng tàn lụi, là nhà bảo tồn đầy đam mê, Trang có tuyệt vọng không?

- Đôi khi cảm thấy nản vì có những thứ rất đơn giản như không sử dụng đồ dùng một lần mà người ta (kể cả người làm bảo tồn) cũng không thực hiện được. Ngay cả trong khi tổ chức các hội thảo về ô nhiễm rác thải nhựa, người ta thậm chí vẫn sử dụng toàn cốc nhựa và chai nhựa. Hoặc có những chương trình, dự án điều tra vận động người dân không sử dụng vẩy tê tê làm thuốc thì ngay những người thực hiện dự án vẫn không hiểu việc sử dụng vẩy tê tê góp phần làm cho sự tàn sát động vật hoang dã vẫn tồn tại.

Khi nghe các bạn nói những câu như thế, em cảm thấy như đang bị đấm vào mặt.

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 11.

Trang có quan điểm thế nào về gia đình, con cái, về con đường thường thấy của phụ nữ truyền thống Việt Nam?

- Em không có dự định sinh con vì em yêu công việc đến mức không muốn tập trung cho những thứ khác. Em chỉ hy vọng công tác bảo tồn ở Việt Nam sẽ tốt hơn. Em có ước mơ xây dựng một trung tâm cứu hộ chim di cư, chim biển và sinh vật biển ở Việt Nam. Đó là mục đích gần mà em đang nỗ lực phấn đấu.

Hiện nay, một số trung tâm cứu hộ động vật của nhà nước, động vật bị nuôi nhốt như "địa ngục". Bên em (WildAtc mà Trang Nguyễn là giám đốc-PV) đang xây dựng hàng loạt buổi tập huấn cho kiểm lâm về công tác này.

Thêm nữa là về "cứu hộ" chính bản thân người đi làm bảo tồn. Ví dụ như đi hiện trường mà bị đuối nước, bị rắn cắn, bị tai nạn gẫy chân tay; hoạt động giữa rừng già, núi cao, thác sâu, có khi gặp nhiều loài hoang dã hung dữ có thể tấn công người… thì phải làm gì?

Bên cạnh đó, vấn đề quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn, ép nhau uống rượu rồi sờ soạng, gạ gẫm các kiểu là có. Có bạn nữ đi rừng, đang ngủ trong lều, trong chăn, bỗng nhiên hét lên vì có ai đó vào sờ soạng. Em và cộng sự đang cố gắng có những buổi tập huấn về giới và một trong ba chương trình chính của chúng em là bảo vệ và tôn trọng quyền phụ nữ trong ngành bảo tồn… Rất mừng là khi chúng em lên tiếng, kiến nghị, các cán bộ có trách nhiệm vào cuộc, rất ủng hộ.

Chúng em có một khóa tập huấn về chống lại nạn quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn vào tháng 4/2021, có 78 người tham gia đến từ các vùng lãnh thổ, các quốc gia và các khu bảo tồn. Chị em, anh em, rồi cả các chuyên gia về giới đều tranh luận sôi nổi. Qua đó, mới thấy rõ hơn là: các "góc tối" kia cần sớm phải thay đổi ra làm sao!

Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Cô gái Việt "nằm vùng" phá nhiều đường dây "khủng" buôn bán động vật hoang dã  - Ảnh 12.

Thế giới tội phạm về ĐVHD gần đây có thay đổi gì, có xu hướng gì mới - trong mắt của nhà bảo tồn Trang Nguyễn?

- Hồi ở Malaysia, em làm việc với một số nhóm chuyên điều tra về thợ săn ĐVHD bất hợp pháp từ Việt Nam sang. Vừa rồi họ nhờ em tìm một người Việt Nam để tham gia hỗ trợ điều tra, vì tội phạm người Việt ở đó không nói được tiếng Anh. Em thấy họ làm rất hay, ví dụ lần theo rác của thợ săn vứt ra như vỏ mì tôm, vỏ bao thuốc lá... Cứ đi theo rác ấy sẽ tìm ra được lều trại của thợ săn của người Việt. Họ sang đó săn thú lớn và bị bắt giữ rất nhiều.

Em thấy việc chỉ làm bảo tồn ở một quốc gia, khu vực thôi chưa đủ, mà các tổ chức, hoạt động trên thế giới phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Tội phạm săn bắt buôn bán ĐVHD giờ không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà đã lan sang rất nhiều nước. Ở châu Phi khi chúng em điều tra, cũng có những vụ liên quan đến tội phạm thuộc hai quốc gia khét tiếng của châu Á. Trước, họ hoạt động riêng lẻ, nhưng trong khoảng vài năm gần đây hai mạng lưới này đã bắt tay với nhau. Như vậy độ nguy hiểm và mức độ đa dạng về sản phẩm phi pháp mà chúng cung cấp ngày càng tăng.

Bên Campuchia em có gặp một anh hay đi với kiểm lâm để điều tra về đa dạng sinh học. Trong một chuyến đi rừng, anh ấy đã gặp một nhóm tội phạm phá rừng, bẫy bắt thú xuyên qua biên giới. Khi bị truy đuổi, chúng nổ súng bắn lại cơ quan chức năng. Anh ấy bị thương nặng còn bạn đồng nghiệp và một kiểm lâm khác đều bị bắn chết. Em thấy, tội phạm ngày càng manh động hơn nhiều.

Cảm ơn Trang Nguyễn và WildAct!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem