Nhà đàm phán kỳ tài thời Chiến tranh Lạnh (Kỳ cuối): Dấu ấn cuộc đời

Thứ năm, ngày 03/05/2018 12:34 PM (GMT+7)
Cả Powers và Pryor đều được thả tự do và Donovan đã để lại tiền lệ tốt cho việc thương thuyết sau này với Makinen được thả vào năm 1963. Donovan đã nhận được vô số giải thưởng ghi nhận công lao của ông, trong đó có huân chương tình báo xuất chúng của CIA.
Bình luận 0

DẤU ẤN Ở ĐÔNG ĐỨC VÀ CUBA

Không lâu sau khi viên phi công Mỹ Francis Gary Powers bị bắt tại Liên Xô, cha anh ta viết thư cho Rudolf Ivanovich Abel gợi ý về việc trao đổi. Còn luật sư James B. Donovan đã liên lạc với bà Hellen Abel - vợ của Abel và Wolfgang Vogel, một luật sư Đông Đức tự nhận là người đại diện cho gia đình Abel cũng có chung ý tưởng này.

Với sự đồng ý của CIA và Bộ Ngoại giao, Donovan yêu cầu được gặp đại diện gia đình Abel tại Đại sứ quán Liên Xô ở Đông Đức vào ngày 3.2.1962.

Trước khi rời đi, ông có gặp gỡ trợ lý tổng cố vấn CIA, họ bàn về hai sinh viên đại học người Mỹ là Frederic L. Pryor bị bắt giữ ở Đông Đức và Marvin Makinen đang ở trong một nhà tù ở Kiev. Donovan muốn tráo đổi cả 3 tù nhân người Mỹ nhưng chính phủ nước này lại nhắc nhở rằng nhiệm vụ chính của ông là tráo đổi Abel lấy Powers. Ngoài ra, một khi Donovan đã bước chân vào lãnh thổ Đông Đức thì ông sẽ phải tự lập và không nhận được sự giúp đỡ chính thức từ Bộ Ngoại giao hay CIA bởi nếu có bất cứ biến động sai lầm nào thì chính phủ Mỹ không muốn có mối liên hệ với sự kiện này.

img

Tổng thống John F. Kennedy cảm ơn Donovan sau thành công trong vụ trao đổi Abel lấy Powers và Pryor

Donovan thông báo với vợ rằng ông đến thăm một người bạn ở Scotland, rồi ông rời đi đến Berlin lạnh lẽo tuyết trắng. Ông vượt qua bức tường Berlin bằng chuyến tàu S-Bahn một điểm dừng từ Tây Berlin tới Đông Berlin. Tại Đại sứ quán Liên Xô, ông gặp một vài người tự xưng là người thân của Abel và Ivan Schischkin là bí thư thứ hai của Đại sứ quán Liên Xô. Vào buổi tối, Donovan đến Berlin Hilton và tóm tắt lại các trao đổi trong ngày hôm đó cho nhân viên CIA, những người sẽ chuyển bản báo cáo của Donovan tới Washington.

Cuộc thương thuyết diễn ra trong vài ngày được Donovan gọi là “cuộc chiến cân não”. Khi ông gợi ý về việc đổi 3 lấy một, Schischkin chần chừ rồi nói rằng ông chưa bao giờ nghe về Makinen và Pryor. Hai ngày sau, Schischkin thông báo chính phủ Liên Xô sẽ chỉ trao đổi Powers hoặc Makinen cho Abel nhưng không phải cả hai. Ở một thời điểm nhất định, Donovan đe dọa dừng tất cả mọi chuyện và trở về Mỹ nếu các sinh viên không được đưa vào bản thỏa thuận với Powers. Đó là một bước đi liều lĩnh nhưng lại gặt hái được thành quả.

8 giờ 20 phút sáng ngày 10.2, Donovan đi bộ đến giữa chiếc cầu không được sử dụng có tên Glienicke, bắc ngang qua sông Havel, nối Tây Đức với thành phố Potsdam của Đông Đức. Đó là một địa điểm mang tính biểu tượng, một nơi chia cắt giữa Đông và Tây Đức. Cùng với Donovan còn có vài người khác, bao gồm một phi công Mỹ có nhiệm vụ xác nhận Powers, Abel và một người quản tù; Schischkin cùng những người khác đi từ hướng ngược lại cùng với Powers theo sau.

img

Donovan trong một cuộc gặp với lãnh tụ Fidel Castro tại Cuba năm 1963

Trong khi đó, cách cây cầu khoảng 32 km, ở trạm kiểm soát Charlie, Pryor sắp được trả về với cha mẹ và một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Chỉ đến khi Donovan nhận được thông báo rằng Pryor được thả thì ông mới ra tín hiệu để Abel và Powers bước qua vạch trung tâm. Trước khi trao đổi, Abel dừng lại và nói: “Tạm biệt, Jim” còn Donovan trả lời: “Chúc may mắn Rudolf”. Đó là lần cuối cùng Donovan nhìn thấy Abel nhưng sau đó ông vẫn biết được thông tin về vị thân chủ đặc biệt này.

Cả Powers và Pryor đều được thả tự do và Donovan đã để lại tiền lệ tốt cho việc thương thuyết sau này với Makinen được thả vào năm 1963. Donovan đã nhận được vô số giải thưởng ghi nhận công lao của ông, trong đó có huân chương tình báo xuất chúng của CIA. Năm 1964, cuốn sách “Người lạ mặt trên cầu: Trường hợp của Colonel Abel và Francis Gary Powers” của ông trở thành cuốn sách bạn chạy nhất thậm chí còn được chuyển ngữ sang 9 thứ tiếng.

Sau khi trở về từ Đông Đức, Donovan mệt nhoài, nhưng ông không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi bởi chỉ vài tháng sau đó, ông lại nhận được một nhiệm vụ ngoại giao quan trọng và được đánh giá khá khó khăn ở Cuba.

Tháng 4.1961, Mỹ đã sử dụng khoảng 1.400 người Cuba lưu vong được Mỹ đào tạo, huấn luyện để thực hiện cuộc xâm lược Cuba ở Vịnh Con lợn. Tuy nhiên không như hình dung của chính phủ Mỹ, kế hoạch xâm lược này bị dập tắt trong chưa đầy 24 tiếng bởi quân đội Cuba, đã có 114 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị bắt giam. Sự kiện Vịnh Con lợn trở thành một ký ức mà chính phủ Mỹ muốn quên đi.

Vào tháng 6.1962, Bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy gặp gỡ với đại diện nhóm yêu cầu trả tự do cho các tù binh trong vụ xâm lược Vịnh Con lợn. Robert Kennedy ủng hộ ý định này nhưng lại không đành lòng để chính phủ Mỹ trực tiếp dính dáng đến cuộc đàm phán, chính vì vậy ông ta đã liên lạc với Donovan.

Donovan chấp nhận lời đề nghị và thực hiện các chuyến đi tới Cuba vào năm 1962 và 1963, trước và sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Và với những cuộc trao đổi chỉ có 2 người, Donovan đã nhận được sự tin tưởng của lãnh tụ Fidel Castro, cuối cùng thuyết phục được nhà lãnh đạo Cuba chấp nhận thả tự do cho hơn 1.100 tù nhân để đổi lấy gói trợ giúp thực phẩm và thuốc men trị giá 48 triệu USD (tương đương 442 triệu USD ngày nay).

Một chi tiết gây bất ngờ là mới đây, Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ công bố thông tin rằng Washington đã cố gắng đầu độc lãnh tụ Fidel Castro qua Donovan. Theo đó các quan chức Mỹ lên kế hoạch nhờ Donovan tặng lãnh tụ Cuba một bộ đồ lặn và bình dưỡng khí có chứa khuẩn lao. Tuy nhiên kế hoạch đã đổ vỡ do một luật sư CIA tên Milan Miskovsky, người thường liên lạc với Donovan, cảnh báo ông về sự can thiệp của CIA. Năm 1963, Donovan gặp lãnh tụ Fidel Castro và tặng ông món quà là bộ đồ lặn không độc cùng một chiếc đồng hồ.

Hà Linh (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem