Nhà đầu tư “nặng túi” nhờ cổ phiếu ngân hàng

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 15/04/2018 07:30 AM (GMT+7)
Trở lại ngôi “vua” với vai trò dẫn dắt thị trường trong những ngày gần đây, cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tạo sóng cả trên sàn chứng khoán lẫn trên các bàn đàm phán tìm kiếm cổ đông chiến lược...
Bình luận 0

img

Cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank cũng tăng 64% trong hơn 1 năm qua, từ giá 9.400 đồng/CP lên mức giá 15.450 đồng/CP (Ảnh: IT)

Trong top 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện tại, có không ít tên tuổi các ngân hàng. Ngoài những cái tên “thường trực” như VCB, CTG, BID; thời gian gần đây còn có thêm VPB, HDB cũng gia nhập nhóm “blue chips” giúp tạo thêm uy thế rõ nét của nhóm cổ phiếu “vua” trong vai trò dẫn dắt thị trường.

Nhà đầu tư “nặng túi” nhờ cổ phiếu ngân hàng

Từ đầu năm 2018 đến nay, đa số các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá từ 17% đến 70%. Chẳng hạn, EIB của Eximbank tăng từ mức giá 12.650 đồng/CP lên mức 14.850 đồng/CP (+17,3%). Tương tự, cổ phiếu STB của Sacombank cũng tăng từ 12.850 đồng/CP lên mức 15.450 đồng/CP (+20,2%)... Một số các ngân hàng khác cũng tăng mạnh như: ACB (+26%); LPB (+29%); VCB (+31%); CTG (+33%); MBB (+35%); VPB (57%)... Tuy nhiên, tăng mạnh nhất là cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam khi tăng từ 23.120 đồng/CP lên mức giá 41.100 đồng/CP (+77,7%).

Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay, đà tăng của nhóm cổ phiếu “vua” mới gọi là... “khủng khiếp”.

Cụ thể, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đã tăng giá mạnh nhất tới 164% trong vòng 1 năm qua, từ mức giá 13.900 đồng/CP và lên mức 36.800 đồng/CP (phiên ngày 9.4), và giảm dần về mức 33.100 đồng/CP ở hiện tại (+138%). Tương tự, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV cũng có sự tăng giá mạnh mẽ tới 162%, từ mức giá 16.000 đồng/CP lên mức 42.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại. Còn cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank tăng giá 91%, từ mức 17.900 đồng/CP lên mức 34.200 đồng/CP.

Hàng loạt các mã cổ phiếu “vua” khác cũng tăng giá gấp đôi trong vòng 1 năm qua, chẳng hạn như SHB, ACB... Cụ thể, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã tăng được 153,8%, từ mức dưới mệnh giá là 5.200 đồng/CP lên 13.200 đồng/CP phiên ngày 14.4.2018. Tương tự, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu cũng có có sự tăng liên tục từ tháng 12.2016, từ mức trên 17.000 đồng/CP lên tới 48.500 đồng/CP (+185%).

Hoặc STB của Ngân hàng Sacombank cũng tăng 64%, từ giá 9.400 đồng/CP lên mức giá 15.450 đồng/CP; Cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân cũng tăng 102%, từ giá 4.800 đồng/CP lên mức 9.700 đồng/CP; EIB của Eximbank cũng tăng 65%, từ giá 9.000 đồng/CP lên mức 14.850 đồng/CP...

Có thể thấy, đà tăng của nhóm cổ phiếu “vua” đã giúp nhà đầu tư trung thành “nặng túi” trong hơn 1 năm trở lại đây.

Khối ngoại - Yếu tố... “sóng thần” của nhóm cổ phiếu “vua”

Lật lại lịch sử giao dịch của nhóm cổ phiếu vua hơn 1 năm trở lại đây, có thể thấy thời điểm tạo “sóng” của nhóm cổ phiếu ngân hàng thường bắt đầu khi khối ngoại đẩy mạnh gom cổ phiếu của một số ngân hàng, nhất là những ngân hàng còn tỷ lệ room ngoại trên 5%.

Chẳng hạn, thời điểm HDBank huy động được 300 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, sau khi chào bán cổ phần từ cổ đông hiện hữu theo phương pháp dựng sổ. Thương vụ 6.800 tỷ đồng này được đánh giá là có quy mô huy động vốn lớn thứ hai của ngành ngân hàng chỉ sau đợt huy động hơn 460 triệu USD của Vietcombank năm 2007, với lượng đặt mua gấp 3 lần chào bán. Những nhà đầu tư tham gia đợt chào bán của HDBank đều là những định chế tài chính lớn trên thị trường quốc tế như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Charlemagne (Anh); Dragon Capital, VinaCapital, Macquarie Bank (Úc)... Ngay lập tức, “sóng” cổ phiếu ngân hàng đã nổi lên với các mã cổ phiếu khác như VCB, ACB, VIB...

Trước đó nữa, thương vụ VPBank huy động 250 triệu USD từ việc chào bán cổ phần cuối tháng 5.2017 cũng góp phần tạo “sóng” lớn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, khối lượng đặt mua cổ phần của VPBank, theo tiết lộ của đơn vị tư vấn, lên tới hơn 1,2 tỷ USD.

Và mới nhất, cổ phiếu TCB của Techcombank đang được chào bán ở mức giá “khủng” lên tới hơn 100.000 đồng/CP cũng được xem là một “ca” khó tin, mặc dù TCB liên tục đưa thông tin sạch nợ, lợi nhuận dự báo tăng đột biến với mục tiêu tới 10.000 tỷ đồng năm nay... Đặc biệt, khi quỹ Warburg Pincus quyết định “rót” tới 370 triệu USD để đầu tư chiến lược đã làm cuộc chạy đua gom cổ phiếu TCB thêm kịch tính hơn.

Đây cũng là yếu tố giúp cổ phiếu TCB dự kiến sẽ được IPO với giá “khủng” tới 120.000 – 128.000 đồng/CP vào đầu tháng 6 tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem