Nhà giáo, bác sĩ nông học Lương Định Của - người tận tâm với nông dân

Út Tẻo Thứ năm, ngày 20/11/2014 07:00 AM (GMT+7)
Nhà giáo, bác sĩ nông học Lương Định Của: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới thấu hiểu nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ có tính ứng dụng. Học nông nghiệp mà không phân biệt được cỏ lồng vực với cây lúa (hai loại cây có ngoại hình rất giống nhau khi còn nhỏ) là vứt!”
Bình luận 0

Theo sưu tầm của tôi, đến nay có nhiều bài viết cũng như các ý kiến nhận xét đánh giá về thân thế, sự nghiệp Anh hùng Lao động Lương Định Của.

Các bài viết tiêu biểu là: Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của phần 1 , phần 2 , phần 3 (Phan Quang); Nobuko Nakanura & luồng gió từ Hà Nội (Nguyễn Thị Ngọc Hải); Thông tin về một người đàn anh (Đặng Lương Mô); Thầy Lương Định Của và tính tình Người Nam Bộ (Nguyễn Văn Luật); Người phụ nữ Nhật trong đời cố Giáo sư Lương Định Của (Như Trang – Thanh Niên); Nhà bác học của nông dân (Lê Hưng Quốc); Hình ảnh nơi an nghỉ của cố giáo sư Lương Định Của (Cao Nguyên); Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của (Hoàng Kim).

Dưới đây, tôi xin được góp một bài viết, xem như lời thành kính tri ân về con người của nông dân, hết lòng hết sức vì đất nước, vì nhân dân.

Lương Định Của - cuộc đời và sự nghiệp

Giáo sư Lương Định Của sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920 (có tài liệu khác ghi là 16.7. 1919?)   tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Theo tài liệu của gia đình thì ông nội của giáo sư Lương Định Của là Lương Đức Ngãi, bà nội là Trịnh Thị Xuân, cha là Lương An Hùng và mẹ là Huỳnh Thị Có.  Ông lên Sài Gòn học xong tú tài, rồi đi du học ở Hương Cảng (y học), Thượng Hải (kinh tế) trước khi được học bổng của chính phủ Nhật Bản. Ông sang Nhật năm 1942, được nhập ngang vào học năm thứ ba tại Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới thuộc Trường Đại học Quốc gia Kyushu.

Năm 1945 ông cưới vợ là bà Nobuko Nakamura (中村信子) người Nhật.  Năm 1946, ông chuyển sang Trường Đại học Quốc gia Kyoto và được cấp bằng tiến sĩ nông học  ở Nhật  Bản. Năm 1954, ông cùng gia đình về Sài Gòn. Sau đó tập kết ra Bắc, làm Phó Giám Đốc Học Viện Nông Lâm Hà Nội, giảng dạy di truyền giống ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện trưởng Viện Cây Lương thực, Cây thực phẩm. 

Giáo sư Lương Định Của được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá 2 và ba khoá tiếp theo cho đến lúc mất, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1967; được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

img

Gia đình bác sĩ nông học Lương Định Của (Nguồn Internet).

Nhà khoa học Lương Định Của - ấp ủ hoài bão lớn cho quê hương

Lương Định Của xuất thân trong một gia đình điền chủ theo đạo Thiên chúa. Cha mẹ mất sớm, lúc ông mới mười hai tuổi. Hồi nhỏ học Trường tiểu học Taberd (Sóc Trăng), rồi chuyển lên Sài Gòn theo bậc trung học cũng tại Trường Taberd. Trong suốt thời gian du học tại Hồng Kông, Thượng Hải, Nhật Bản, với niềm đam mê cháy bỏng về khoa học, chàng trai Việt Nam cần cù, ít nói, đã giành được lòng yêu mến của các thầy.

Tại Nhật, Lương Định Của quyết định chuyển ngành học thương mại sang học ngành nông nghiệp với hoài bão rõ rệt mang vốn kiến thức về quê hương thiết thực phục vụ đất nước. Trường Đại học Kyoto chính thức cấp cho ông học bổng nghiên cứu sinh. Một thời gian sau, trường bổ nhiệm ông làm tập sự trợ lý (sub-assistant), trong khi chờ đợi hội đủ điều kiện thi lấy bằng tiến sĩ. Một số tạp chí khoa học Nhật Bản và ở nước ngoài bắt đầu đăng tải các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lương Định Của. Bài báo đầu tiên ông được công bố trên một tạp chí khoa học tên tuổi ở nước ngoài là Thư mục về các công trình nghiên cứu di truyền học xuất bản ở Nhật Bản, thời gian 1941-1948 (tạp chí Heredity, London, số 4 năm 1950, trang 121-133). Trong khoảng thời gian trên dưới hai năm (1950 - 1952), các tạp chí khoa học lớn công bố mười hai công trình của nhà nghiên cứu trẻ Lương Định Của.

Mùa hè năm 1951, Lương Định Của hoàn thành luận văn: Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới. Hội đồng khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kyoto nhận xét, với kết quả nghiên cứu đó, Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho nền nông học trong việc cải thiện giống lúa, và bỏ phiếu nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học cho ông.

Học vị này được nhà khoa học trân trọng và luôn gìn giữ nó. Chuyện kể rằng, khi về Việt Nam, có tòa soạn nhiều lần mời ông viết bài cho báo. Ông nhận lời. Các bài do ông viết ngắn gọn, bản thảo được ghi lại bằng bút mực xanh. Một lần, anh biên tập viên có sửa đổi vài từ, còn tiện tay xóa từ bác trong bác sĩ đi, thay vào từ tiến – “gọi chung là tiến sĩ cho nó nhất quán trên mặt báo”, lý lẽ của anh chỉ giản đơn như vậy. Lương Định Của từ tốn nói: “Bác sĩ là học vị cao nhất bên Nhật Bản. Nói xong, Ông nhúng ngón tay vào cốc nước, viết hai từ bác sĩ bằng chữ Hán ra bàn ăn rồi nói tiếp: "Nhà nước người ta phong cho tôi như vậy thì suốt đời tôi muốn giữ như vậy”.

img

Vợ chồng bác sĩ nông học Lương Định Của (Nguồn Internet).

Đạt được học vị cao, có công ăn việc làm, Lương Định Của vẫn nghĩ tới việc về nước phục vụ, để trực tiếp tham gia cùng toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hồi còn là sinh viên, ông đã cùng nhiều lưu học sinh Nhật và các nước, trong đó có Đặng Văn Ngữ, tham gia các cuộc biểu tình tuần hành phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.

Qua sự giới thiệu của một người bạn, một mặt Lương Định Của tiếp xúc với các nghị sĩ tiến bộ trong Quốc hội Nhật, nhờ giúp đỡ tạo điều kiện cho ông sớm được trở về vùng tự do nước Việt Nam. Thượng Nghị sĩ Kazami được các bạn Nhật cử đứng ra lo liệu việc này. Mặt khác, Lương viết thư gửi Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh bày tỏ mong muốn của mình.

Sau biết bao gian truân, ông mới về tới Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn nồng nhiệt đón bác sĩ nông học Lương Định Của, nhưng ông khiêm tốn nói mình xa đất nước đã lâu, xin cho làm việc hợp đồng một thời gian để quen thêm thung thổ và bạn bè, rồi mới dám chính thức nhận nhiệm vụ.

Sau đó, nhờ em gái ông có chồng đi kháng chiến, ông đã liên lạc và được đón ra bưng biền. Lương Định Của được nhà lãnh đạo Phạm Hùng tiếp đón ngay. Ra Bắc, ông làm Phó Giám Đốc Học Viện Nông Lâm Hà Nội, giảng dạy di truyền giống ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện trưởng Viện Cây Lương thực, Cây thực phẩm.

Thành tựu lớn nhất của giáo sư Lương Định Của là giáo dục đào tạo, đặt nền móng cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nghề lúa Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò do giáo sư đào tạo đã trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc.

Thành tựu lớn thứ hai của giáo sư Lương Định Của là tạo giống cây trồng mang những thương hiệu Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng một thời: Giống lúa Nông nghiệp I do Giáo sư Lương Định Của lai tạo từ giống Ba Thắc (Sóc Trăng – Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa Việt Nam đi vào sản xuất trên đồng ruộng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên  “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314, NN75-1, NN8-388, lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo…  cùng với những ứng dụng kỹ thuật di truyền và tiến bộ kĩ thuật mới: kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng v.v…

Thành tựu lớn thứ ba của giáo sư Lương Định Của là kỹ thuật thâm canh lúa. Giáo sư đã đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” được hàng chục triệu nông dân áp dụng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.

Nhà nông học tận tâm với nông dân

Bước vào thập niên 1960, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc vừa hoàn thành, Lương Định Của là chuyên gia về giống, được phân công chỉ đạo huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, lấy hợp tác xã Đông Phương Hồng làm thí điểm. Từ đấy, trên cánh đồng ruộng Thọ Xuân hầu như ngày nào bà con nông dân cũng thấy một người trạc tuổi trung niên dong dỏng cao, đầu đội nón lá, mình mặc sơmi mầu cỏ úa, quần xắn ống thấp ống cao quẩn quanh từ sáng đến xế chiều. Nông dân đã quên đi hoặc chẳng buồn quan tâm đến học vị cũng như các chức danh khác của ông trưởng đoàn chỉ đạo do Trung ương phái về mà chỉ biết đấy là Bác Của – một tiếng gọi thân mật, chân tình của người dân vùng này.

Anh em khóa IX của Đại học Nông nghiệp về công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, thường thắc mắc: “Chúng tôi là cán bộ đại học hay là công nhân mà bắt đi cày, đi bừa, gánh phân, nhổ mạ?” Ông Của ôn tồn: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới thấu hiểu nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ có tính ứng dụng. Học nông nghiệp mà không phân biệt được cỏ lồng vực với cây lúa (hai loại cây có ngoại hình rất giống nhau khi còn nhỏ) là vứt!”

Quan điểm của ông phải từ đồng ruộng trở vào phòng thí nghiệm rồi từ phòng thí nghiệm quay trở lại phục vụ ruộng đồng. Và cũng chính từ đó đã góp phần quan trọng làm nên sự gắn bó mật thiết của nhà giáo, bác sĩ nông học Lương Định Của với bà con nông dân Việt Nam.

Người chồng, người cha tận tình với vợ con trong một cuộc sống giản dị

Bà Của – tên thật là Nakamura Nobuto, người bạn đời chung thủy biết bao lần cùng ông vượt khó khăn để về nước. Rồi lại giúp việc ông trong việc lai tạo giống, và công việc khoa học. Ông bà có bốn người con, cả nhà sáu miệng ăn, trông vào lương ông Viện phó. Với sự chuẩn xác của nhà khoa học, bác sĩ Của ghi vào tờ khai thu nhập bình quân gia đình: Hai mươi sáu phẩy sáu đồng.

Sau này, Phó Thủ tướng Phạm Hùng chỉ thị chuyển bà Nakabura Nobuto, mà từ lâu rồi mọi người chỉ biết gọi là bà Của về làm việc ở Ban tiếng Nhật Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Dù bộn bề công việc, nhưng ông Của luôn sắp xếp, dành trọn tình cảm cho vợ, con. Chuyện kể rằng, có lần đê sông Đuống bị vỡ, trận lũ lụt chia cắt thời gian về. Ngay khi nước rút, nhà nông học quần xắn móng lợn ống thấp ống cao, mình vận chiếc sơ mi ngắn tay màu dưa cải muối, trên đầu vẫn chiếc nón lá rộng vành tất tả trở về Hà Nội, bạn bè ông có người ái ngại, ông chỉ mỉm cười: Thì cũng phải tạt về nhà xem bả với sắp nhỏ sống thế nào chứ!

Cuộc đời Ông, vượt quan biết bao thử thách. Nhà khoa học Lương Định Của đã sống và làm việc bằng sự tận tâm, tận lực, tận trí và tận tình của mình. Điều đó làm cho tên tuổi của ông sáng mãi cùng đất nước và nhân dân Việt Nam. Giáo sư qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1975, sau một cơn bạo bệnh đột ngột. Ông được phong tặng Anh hùng Lao động năm 1967 và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1995.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem