Mới đây, anh Hiệp (trú quận 6, TP.HCM) đã lắp đặt dàn điện mặt trời (ĐMT) có công suất 1kW, chi phí khoảng hơn 80 triệu đồng, trên mái nhà của mình. Nhờ đó, khi bị cúp điện, nhà anh không cần phải dùng máy phát điện vừa tốn tiền nhiên liệu, vừa ồn lại thải ra khói ô nhiễm.
Dàn ĐMT của anh Hiệp mỗi ngày cung cấp khoảng 4 - 5 kW, được dùng để thắp sáng 4 bóng đèn huỳnh quang loại 40W, 4 quạt máy và 1 tivi. Những ngày nắng tốt, nhà anh có ĐMT đủ dùng cả ngày, còn nắng yếu thì dùng thêm hệ thống điện lưới quốc gia.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của ông Trịnh Quang Dũng.
Tương tự, ông Trịnh Quang Dũng (trú tại đường Nhất Chi Mai, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết đã trang bị trên mái nhà một hệ thống ĐMT từ 42 tấm solar panel công suất 2kW. Hệ thống này đủ cung cấp điện cho hầu hết thiết bị điện trong nhà như tivi, đèn, quạt... Chỉ có máy lạnh, bình điện đun nước nóng là dùng nguồn điện lưới quốc gia.
Tại huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), ông Đặng Công Hạo cũng đã đầu tư dàn điện mặt trời công suất 4kW cho ngôi nhà lầu làm bằng tre rộng đến 2.000m2. Không chỉ thắp sáng cho toàn bộ đèn trong nhà, hệ thống ĐMT của ông còn dư điện để chạy máy lạnh và bơm nước.
Ở vùng sâu như huyện Cần Giờ (TP.HCM), ĐMT còn là giải pháp tốt nhất cho các hộ dân sống ở khu vực chưa có điện lưới. Từ năm 2012, nhờ giải pháp này, văn phòng của 6 phân khu thuộc rừng ngập mặn Cần Giờ và 165 hộ giữ rừng được đáp ứng nhu cầu sử dụng đèn, quạt, tivi, sạc điện thoại di động.
Ngọc Hà (Ngọc Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.