Nhà máy nhiệt điện than gây hại sức khỏe con người

Mai Hương Thứ tư, ngày 30/09/2015 08:16 AM (GMT+7)
Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo “Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết” diễn ra sáng 29.9. Hội thảo do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID - thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức.
Bình luận 0

Ông Trần Đình Sính - Phó Giám đốc GreenID cho biết: “Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Harvard (Mỹ), số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người/năm (chủ yếu liên quan đến các vấn đề sức khỏe). Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người chết yểu mỗi năm”.

img

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.  Ảnh:  I.T

Ông Sính cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng phát triển như hiện nay, số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao. Đi kèm với đó là chi phí y tế khổng lồ.

Trên toàn thế giới đến năm 2010 đã có 3,2 triệu người chết liên quan đến nhiệt điện than. Ở Việt Nam con số này cũng không hề nhỏ. Theo ông Sính, bước chuyển mình của năng lượng thế giới đang từ việc tập trung khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Nhưng Việt Nam lại đang có những bước đi trái chiều khi đặt mục tiêu tỷ trọng  nhiệt điện than đạt hơn 50% vào năm 2030.

Theo tính toán của GreenID, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ước tính lượng tro thải từ nhiệt điện than trong nước sẽ khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020, và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm đến năm 2030.

Theo số liệu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, năm 2010, tổng phát thải nhà kính là 246 triệu tấn CO2, trong đó nhiệt điện than chiếm tới 41 triệu tấn, chiếm 20%. Tới năm 2030, tổng phát thải dự kiến tăng tới 515 triệu tấn CO2, trong đó 90% từ các nhà máy nhiệt điện than.

TS Đào Trọng Tứ - chuyên gia nghiên cứu tài nguyên nhấn mạnh, việc khai thác than để phát triển nguồn năng lượng đang phải có sự đánh đổi với việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường sống. Không có cách nào không khai thác than, nhưng cần phải đi kèm phát triển xanh.

Có 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành. Theo kế hoạch, hơn 50 nhà máy nhiệt điện than nữa sẽ được xây dựng. 

Theo quy hoạch điện VII, nhiệt điện than chiếm 54% vào năm 2020 về tổng lượng điện sản xuất; đến 2030, nhiệt điện than chiếm 56% công suất, 62% về điện lượng. GS-VS Trần Đình Long- Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, nếu để một nhà máy nhiệt điện than không gây ô nhiễm thì họ phải đầu tư các thiết bị xử lý ô nhiễm rất tốn kém, làm đội giá thành đầu tư của một nhà máy từ 40-60%...

Giải pháp cho vấn đề này, theo các chuyên gia là Quy hoạch điện VII cần cân nhắc giảm ít nhất 30.000-35.0000 MW nhiệt điện than vào năm 2030 trên cơ sở đầu tư và sử dụng tiết kiệm, tính toán lại nhu cầu. Đồng thời, cần rà soát và loại bỏ nhà máy nhiệt điện than có khả năng gây tác động lớn và tiêu cực tới môi trường, xã hội và có hiệu quả kinh tế thấp. Bởi theo ông Hồ Minh Phước- Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Thuận thì quy trình xử lý xỉ than và tro bay hiện nay của ta vô cùng lúng túng. Mỗi ngày đêm, một nhà máy nhiệt điện than phát ra 4.400 tấn xỉ than, nếu không có giải pháp xử lý thì đây là vấn đề lớn với môi trường. Gánh nặng bệnh tật sẽ còn tăng do tăng khí thải từ nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem