Nhà ở xã hội chậm phát triển: Doanh nghiệp “hờ hững”, địa phương “thờ ơ”

22/12/2022 07:57 GMT+7
Một số chuyên gia nhận định rào cản về thủ tục hành chính xây dựng nhà ở xã hội khiến doanh nghiệp bất động sản “nản lòng”. Cùng với đó, sự thiếu quyết liệt ở một số địa phương có thể làm chậm lại mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030 mà Chính phủ đề ra.

Thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp "hờ hững" với nhà ở xã hội

Dù nhà ở xã hội là lĩnh vực được ưu tiên nhưng về mặt thủ tục hành chính đã có nhiều doanh nghiệp từng phải "than thở" không khác gì với dự án nhà ở thương mại. Thậm chí, một thủ tục, mất 3 năm vẫn chưa làm xong.

Hay với quy định nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng thay vì cấn trừ luôn để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì cơ quan chức năng vẫn thẩm định như dự án nhà ở thương mại. Sau khi ra quyết định số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng, nhà nước mới ra quyết định miễn. Có lẽ, đây là nguyên nhân vì sao doanh nghiệp nản lòng không muốn làm nhà ở xã hội vì lợi nhuận quá thấp trong khi thủ tục hành chính kéo dài.

Tình trạng thị trường đang bị lệch pha về phân khúc nhà ở. Điều đó được thể hiện rất rõ trong 2 năm gần đây khi nhà ở phân khúc giá bình dân chỉ chiếm 1% trong nguồn cung nhà ở mới năm 2020.

Nhà ở xã hội chậm phát triển: Doanh nghiệp “hờ hững”, địa phương “thờ ơ” - Ảnh 1.

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cấp phép cho dự án nhà ở xã hội (Ảnh: QH)

Đến năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nhà ở bình dân đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường trong khi nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỉ lệ áp đảo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhà ở cao cấp chiếm 80% thị trường, tăng hơn 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc trung cấp chiếm gần 20% nguồn cung, giảm hơn 34% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết quỹ đất tại các thành phố lớn chưa có nhiều. Các doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội, đặc biệt là những khu vực cận Hà Nội, không nhận được hướng dẫn về những chính sách ưu tiên. Đặc biệt, khi xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp đều không nhận về nhiều lợi nhuận vì đã bị khống chế giá bán, mức chi phí. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn làm để thực hiện trách nhiệm xã hội, xây dựng thương hiệu và giải quyết nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, hiện nay doanh nghiệp bất động sản vướng nhiều quy định, thủ tục như thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án... khiến khó khăn trong việc xây dựng dự án nhà ở xã hội.

"Bộ Xây dựng nên nghiên cứu đề xuất xây dựng quy trình phê duyệt nhà ở xã hội đơn giản hơn thành 3 bước: Chấp thuận đầu tư, duyệt quy hoạch 1/500 và cấp phép xây dựng", ông Châu kiến nghị.

Địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội vì không mang lại nguồn thu?

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội thời gian qua.

Cụ thể, nhiều địa phương, đặc biệt người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc.

Nhà ở xã hội chậm phát triển: Doanh nghiệp “hờ hững”, địa phương “thờ ơ” - Ảnh 2.

Cần nâng cao vai trò của người đứng đầu địa phương để phát triển xây dựng nhà ở xã hội (Ảnh: TN)

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng các địa phương có thể không quá "mặn mà" với nhà ở xã hội vì loại hình này không mang lại nguồn thu cho ngân sách khi bị giảm trừ nhiều loại thuế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chính quyền địa phương không nên "quên" rằng Chính phủ đang thúc đẩy rất mạnh mẽ việc phát triển nhà ở xã hội.

"Các địa phương nghĩ phát triển nhà ở thương mại cao cấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, thị trường nhà ở cao cấp đang đóng băng. Nhà ở xã hội mới có lực hấp thụ mạnh. Khi các dự án được triển khai, công nhân viên sẽ có việc làm, guồng quay sản xuất của xã hội sẽ được kích hoạt", ông Đính chia sẻ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết chưa có trường hợp lãnh đạo của UBND cấp tỉnh, thành phố bị khiển trách hay kỷ luật về vấn đề chậm triển khai nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông hy vọng câu chuyện "trách nhiệm" sẽ sớm được nhìn nhận nghiêm túc trong thời gian tới.

"Điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ chế về thủ tục đất đai. Tất cả nên số hóa, thủ tục ra sao, thời hạn như nào, nếu không được thì khởi kiện ở đâu? Hãy hướng dẫn doanh nghiệp về tất cả các khâu trên hệ thống số", ông Thịnh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất nhóm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn mới, trong đó có việc nâng cao vai trò của người đứng đầu các địa phương trong quá trình này.

"Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân; lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư dự án nhà ở xã hội theo từng năm, từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương. Đồng thời phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng những dự án đang triển khai thực hiện, dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục