Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải: Giọt nước trở về nguồn ngày giỗ Tổ

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải Thứ tư, ngày 25/04/2018 07:00 AM (GMT+7)
Trước ngày giỗ Tổ thiêng liêng năm 2018, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải lại có tác phẩm mới đầy chất chứa đầy trầm tích văn hóa lịch sử, hùng thiêng và huyền thoại.
Bình luận 0

Trước ngày giỗ Tổ thiêng liêng năm 2018, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải lại có tác phẩm mới chất chứa đầy trầm tích văn hóa lịch sử, hùng thiêng và huyền thoại. Tôi tin rằng, vào dịp này chỉ Nguyễn Hưng Hải mới có tác phẩm kịp thời và xúc động như thế. Xin trân trọng giới thiệu với đông đảo bạn đọc bài thơ dài "Giọt nước trở về nguồn" của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Đây là giọt nước tinh túy của đất trời, nước mắt đời, nước mắt người dành cho lòng biết ơn tiên tổ và cội nguồn xứ sở.

Nhà thơ Vi Thùy Linh

GIỌT NƯỚC TRỞ VỀ NGUỒN

Thành phố dọc theo đường Hùng Vương

Mọi lối rẽ đều hướng về mộ Tổ

Ngã ba sông gập ghềnh con sóng đỏ

Cứ duềnh lên bao nỗi lở bồi

Trên Nghĩa Cương trầm mặc Điện thờ Trời

Bông lúa trĩu từng tia, từng hạt nắng

Nén hương trầm cúi mình nơi lăng tẩm

Vua Hùng đang đứng giữa muôn dân

Thành phố mọc lên từ những ao đầm

Quả sim chín như còn treo trước ngõ

Trong búi đũm gai cào hoa xước gió

Cúc ai rơi, nói nhỏ cúc ai rơi

Vọng đâu đây thậm thịch tiếng chày đôi

Người quen gọi Thậm Thình xa có nhớ

Cối gạo nếp và những nàng Tiên nữ

Thơm như là Giếng Ngọc tóc ai thơm

Giếng Ngọc chiều nay ai đứng soi gương

Trong bóng nước Tiên Dung cùng chải tóc

Thắng hay thua cũng đều rơi nước mắt

Thủy Tinh về Giếng Ngọc để chia vui

Chìa bàn tay nắm tay bạn bùi ngùi

Ta như thể Sơn Tinh vừa chạy lũ

Quá khứ sau lưng là lịch sử

Làm sao mà gác lại được cha ông ?!

Dọc đại lộ Hùng Vương, thành phố ngã ba sông

Không giống với bất cứ thành phố nào trên Đất Việt

Ba sông chảy về đây hợp một dòng thao thiết

Như trục đường thành phố cánh tay giơ

Đất cội nguồn khởi từ Mẹ Âu Cơ

Trăm giọt máu nở ra từ một bọc

Trên Bến Hạc biển còn phơi con ốc

Thổi ù ù tiếng gió tự ngàn năm

Đó là tiếng gọi về của Lạc Long Quân

Ngày hội mở Tiên Rồng nâng chén rượu

Vợ gặp chồng, anh gặp em có hiểu

Giọt nước trở về nguồn nước mắt vẫn trôi xuôi

Thềm đất cổ ngàn năm, hai hướng mặt trời

Sáng và tối ở hai đầu đại lộ

Đâu Làng Cả, dấu chân người Việt Cổ

Đâu nguy nga cung điện vương triều

Cổ tích và huyền thoại chúng ta yêu

Chúng ta dựng lâu đài trong ngưỡng vọng

Lòng cung kính đã trở thành truyền thống

Từ bọc trứng sinh ra hai tiếng đồng bào

Mọc lên từ nơi ấy trăng sao

Lầu kén rể nơi nào trong thành phố

Làng Cả còn đây mũi tên và ngọn lửa

Dọc hai chiều đại lộ cứ như nêm

Tháng Ba đổ về đây nô nức mọi miền

Ngã ba sông dòng người như biển lớn

Biển ở ngay chân dốc cổng Đền Hùng

Biển ở trong những tiếng trống đồng rung

Trong đôi cánh chim Lạc về đỉnh núi

Biển ở giữa lòng người đang mở hội

Trở về đây là để tìm mình

Tìm trong tro trấu buổi bình minh

Để nhận lửa từ cha ông nhen nhóm

Để tiếp sức, để nhận về năng lượng

Để không còn vơ với với viển vông

Thành phố mọc lên từ những tấm lòng

Buồn - bụi-bực không thể là mãi mãi

Kinh đô xưa không còn gì để lại

Vẫn còn đây dấu tích của một thời

Trong đêm đen rực rỡ ánh mặt trời

Cả dân tộc chung một ngày giỗ Tổ

Nô nức tháng Ba về hội tụ

Có nơi nào như thành phố Ngã ba sông

Đất cội nguồn hào khí của cha ông

Từ lau lách sim mua đã mọc lên thành phố

Trong bom đạn vẫn tháng Ba hội mở

Vẫn tưng bừng xóm thợ mỗi xuân sang

Từ một con đường đã phố xá dọc ngang

Đã không thể nhận ra đâu Bến Gót

Vẫn còn đây dấu chân người mở nước

Vẫn câu Xoan, câu Ghẹo, vẫn Thậm Thình

Cối gạo đầy những nghĩa những tình

Không vơi cạn bao giờ niềm cung kính

Tháng ba ngược đường lên Nghĩa Lĩnh

Trở lại Kinh đô như nước trở về nguồn

Thanh thản cõi lòng khi thắp được nén hương

Đứng trước Tổ tiên thưa cùng trời đất

Dù có ở nơi nào cũng đều từ một bọc

Không thể quay lưng trở mặt đồng bào

Thành phố mọc lên từ những chiến hào

Xương máu ở trong lòng Ao Việt

Góc bể chân trời ta phải biết

Chỉ có một đường lên với Tổ tiên thôi

Hội tụ khí thiêng nguồn cội giống nòi

Có bông lúa tỏa từng tia nắng ấm

Như nén hương cúi đầu bên lăng tẩm

Ta phải biết làm gì cho thành phố ngày mai…?!

Thành phố ngày mai lồng lộng tượng đài

Vua Hùng đứng trước Quảng trường cùng với Bác

Cả Việt Trì vang lên khúc hát:

“THÀNH PHỐ THÔNG MINH” TỤ HỘI BỐN PHƯƠNG TRỜI!

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, sinh năm 1959, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003. Anh hiện là ủy viên Ban Văn học Chuyên đề, Hội Nhà văn Việt Nam.

img

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải (phải) và nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương

Sinh ra và lớn lên tại xã Hùng Đô, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Hưng Hải làm thơ từ thời thanh niên khi đang theo học Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Lịch sử. Nhiều năm công tác tại Đài phát thanh truyền hình tỉnh Phú Thọ, nhưng vì mẹ ốm nên anh đã xin về hưu sớm vài năm trước để chăm sóc mẹ. Là ông nội của bé gái 4 tuổi, Nguyễn Hưng Hải vẫn trẻ trung trong cảm thức sống, anh viết hăng say, đều tay.

Điều đặc biệt mà các đồng nghiệp ghi nhận ở anh là Nguyễn Hưng Hải rất "sát giải", anh đã sở hữu gần trăm giải thưởng ở Trung ương, địa phương, của các ngành. Anh viết được nhiều loại đề tài và ở lĩnh vực nào cũng có tác phẩm khá, ghi dấu ấn. Điều may mắn là anh vẫn sống và làm việc tại quê hương của mình, nơi ngôi nhà trên phố Mai Sơn, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì. Trước ngày giỗ Tổ thiêng liêng năm 2018, Nguyễn Hưng Hải lại có tác phẩm mới đầy chất chứa đầy trầm tích văn hóa lịch sử, hùng thiêng và huyền thoại. Tôi tin rằng, vào dịp này chỉ Nguyễn Hưng Hải mới có tác phẩm kịp thời và xúc động như thế. Xin trân trọng giới thiệu với đông đảo bạn đọc bài thơ dài "Giọt nước trở về nguồn" của Nguyễn Hưng Hải. Đây là giọt nước tinh túy của đất trời, nước mắt đời, nước mắt người dành cho lòng biết ơn tiên tổ và cội nguồn xứ sở.

Nhà thơ VI THUỲ LINH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem