Nhà Trần trừng trị những kẻ Việt gian, phản quốc như thế nào?

Thứ tư, ngày 05/06/2019 16:35 PM (GMT+7)
Trong đám loạn quân, gia tướng của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô dùng cung tên bắn trúng Trần Kiện, kết liễu cuộc đời tên quý tộc phản trắc này. Thuộc hạ của Kiện là Lê Trắc ôm xác chủ chạy đến Khâu Ôn mà chôn cất ở đó.
Bình luận 0

Số phận những kẻ phản quốc

Đối lập với khí thế chống giặc của tuyệt đại đa số nhân dân, một số quý tộc, quan lại nhà Trần trước đã theo hàng quân Nguyên. Những kẻ đầu hàng có nhiều lý do khác nhau. Đa phần là do sợ hãi trước thế mạnh của giặc. Trong số đó có hai trường hợp đáng chê trách hơn cả là Trần Kiện và Trần Ích Tắc. Trần Kiện vì tư thù và bất mãn triều đình mà hàng giặc, nhiều lần chỉ điểm cho Toa Đô khiến quân Đại Việt bị tổn thất lớn. Trần Ích Tắc thì luôn nuôi mộng làm “An Nam Quốc Vương”, nên đem gia quyến đầu hàng Thoát Hoan nhân lúc vua Trần rút quân khỏi Thiên Trường. Điểm chung của đám hàng thần này là chúng đều đã sai lầm, và phải trả giá cho sai lầm đó.

img

Tháng 5/1285, Thoát Hoan sai tướng Minh Lý Tích Ban (Manglai Siban) dẫn một đoàn quân hộ tống đám hàng thần về nước Nguyên. Trong đám này có cả Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Trần Tú Hoãn, Trần Văn Lộng, Phạm Cự Địa… Đoàn quân Nguyên đến trại Ma Lục (thuộc Chi Lăng, Lạng Sơn ngày nay) thì phục binh nổi lên đánh giết dữ dội. Chỉ huy đội phục binh này không ai khác chính là Quản quân Nguyễn Thế Lộc cùng tù trưởng Nguyễn Lĩnh, hai vị tù trưởng đã nhiều phen làm quân địch khiếp vía ở vùng Lạng Giang, cướp phá rất nhiều quân lương của địch.

Trong quân của Nguyễn Thế Lộc gồm cả quân người thiểu số và thân binh của Hưng Đạo vương gửi lên sát cánh cùng chiến đấu với quân dân vùng biên giới. Quân Nguyên bị đánh tan tác, bị giết đến gần một nửa lực lượng. Từ quân lính đến những tên Việt gian phản quốc đều cắm đầu bỏ chạy về phương bắc. Quân ta thu được rất nhiều quân lương, vật dụng. Trong đám loạn quân, gia tướng của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô dùng cung tên bắn trúng Trần Kiện, kết liễu cuộc đời tên quý tộc phản trắc này. Thuộc hạ của Kiện là Lê Trắc ôm xác chủ chạy đến Khâu Ôn mà chôn cất ở đó. Kết cục của một quý tộc cao cấp của nhà Trần thê thảm không chỉ ở việc bỏ xác nơi hoang địa, mà đời đời còn bị sử sách nguyền rủa.

Lê Trắc sau làm quan cho nước Nguyên, soạn cuốn sử An Nam Chí Lược, tự coi mình là người Nguyên. Cuốn sách này được các sử gia Việt Nam dùng với thái độ thận trọng và xếp vào loại sách của “học giả nước ngoài”. Trần Ích Tắc tuy không phải chịu số phận như Trần Kiện, lại được cất nhắc làm quan lớn trong triều đình nước Nguyên nhưng trong lòng luôn chịu nhục. Trần Ích Tắc làm quan ở vùng Hồ Quảng, nhiều lần chạm mặt sứ giả Đại Việt và có lần bị sứ giả Đại Việt làm cho bẽ mặt khi nhắc lại hành động đầu hàng giặc. Vì thế, về sau khi sứ giả Đại Việt sang Ích Tắc thường tránh mặt.

Trần Ích Tắc đã làm quan cho Nguyên triều thăng đến chức Hồ Quảng Bình chương chính sự, khi chết được truy phong tước Trung Ý vương. Tuy vậy những danh vị này cũng không là gì so với danh vị của Trần Ích Tắc khi còn ở Đại Việt, vốn là một thân vương uy vọng, môn khách, học trò đầy nhà.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về Trần Ích Tắc với sự mỉa mai: “… người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc”.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã bình rằng: “Từng nghe nói đến chết trận, chết bệnh, chết già, chết đói, hoặc giả là chết vì uất ức, đến đây lại có thêm cái chết vì hổ thẹn…”

Chờ đợi thiên thời

Trong chiến lược chung mà vị Quốc công tiết chế - Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng triều đình đã định sẵn từ trước cuộc chiến tranh, quân dân Đại Việt sẵn sàng cùng kẻ xâm lược bước vào một cuộc chiến dài hơi. Mỗi trận chiến đều liệu sẵn đường tiến thoát, giúp bảo toàn lực lượng nếu không thể thủ thắng trước sức mạnh của địch. Chờ cho quân địch mệt mỏi, suy yếu rồi mới liệu đường phản công. Quân dân Đại Việt đã không chiến đấu theo những cách thông thường mà quân Mông Nguyên từng gặp. Cuộc chiến tiêu hao, đa chiến tuyến đã tạo nên một sức mạnh phi thường. Đó là một chiến lược khôn ngoan.

Để hiểu được giá trị của chiến lược này, chúng ta thử so sánh sơ lược với những cuộc chiến của Mông Nguyên với các đế chế hùng mạnh ở Trung Á và Đông Á. Đế chế Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm ), đế chế Tây Hạ, Kim, Tống… đều là những nước có lực lượng quân đội đông đảo hơn Đại Việt nhưng đều chịu thất bại bởi sa vào chiến lược dàn quân quy mô lớn, dốc túi đánh những trận một mất một còn với quân Mông Nguyên. Đến khi không địch nổi kỵ binh Mông Nguyên trong các trận dàn quân quy mô lớn, các đội quân chuyển sang chiến thuật thủ thành một cách bị động, thiếu các phương án dự phòng. Thành cao hào sâu tưởng là lợi thế, hóa ra trở thành những nơi gom quân lại cho vó ngựa Nguyên Mông thi hành chiến thuật Vây Thành Diệt Viện.

Cũng cần nói rằng, quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt lần này có lẽ hùng mạnh ngoài cả dự kiến của triều đình nhà Trần. Không chỉ vượt trội với kỵ binh người Mông Cổ, Thoát Hoan và Toa Đô còn có trong tay những lực lượng lục quân người Kim, người Tống đông và thiện chiến. Trong khi kỵ binh du mục dũng mãnh trên những nơi đất bằng trống trải, thì Hán quân (quân người nước Kim cũ) và quân Tân phụ (quân người Tống cũ) lại có ưu điểm là thích nghi tốt với điều kiện chiến trường phương nam. Vì vậy, kể cả với việc phải đụng độ với quân Đại Việt trong các trận thủy chiến hoặc các trận chiến thủy bộ kết hợp là sở trường của người Việt, quân Nguyên cũng thể hiện một sức mạnh kinh hồn.

Điều đó đã gây cho quân Đại Việt không ít khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng tài trí của các bậc tướng soái đầu não triều đình, bằng sự đồng lòng chung sức của đại đa số quân dân cả nước, quân ta đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến. Sau cuộc phản công thất bại của vua Trần, quân Đại Việt càng cẩn trọng hơn trong hành động. Quân ta thực hiện triệt để hơn chiến lược kéo dài thời gian, chờ cho thời cơ thật chín muồi, khi mà quân địch suy yếu đến tột độ rồi mới tung đòn quyết định.

Bấy giờ đại quân nhà Trần đóng ở Thanh Hóa, có quân của Thượng tướng – Chiêu Minh vương Trần Quang Khải chắn giữ đường như một tấm khiên không thể công phá. Toàn quân Đại Việt an tâm nghỉ ngơi dưỡng sức. Trái lại, quân Nguyên càng ở lâu ngày trên đất Đại Việt, càng chịu khổ sở do thiếu thốn hậu cần và không hợp thủy thổ. Nắng mưa mùa hè đổ xuống khiến cho những quân Nguyên ngã bệnh hàng loạt. Thêm vào đó là những trận lụt tràn vào doanh trại, làm cho chiến cụ quân Nguyên bị hư hại và làm lây lan dịch bệnh. Tình trạng này kéo dài đến cuối tháng 4, đầu tháng 5.1285, khiến cho đạo hùng binh của Thoát Hoan trở thành một đám quân sĩ ốm đói bệnh hoạn.

Chẳng cần phải đánh lớn, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã mượn sức trời để làm suy yếu quân địch. Thừa thế quân địch xuống sức, các toán dân quân làng xã, các đạo quân người thiểu số càng ra sức ngày đêm tập kích quân Nguyên. Địch hầu như mất đi khả năng tổ chức những cuộc hành quân tấn công quy mô lớn như thời gian đầu cuộc chiến mà phải căng sức kiểm soát vùng chiếm đóng, bảo vệ tuyến hậu cần, liên lạc.

Xét thấy thời cơ đã đến, triều đình nhà Trần bàn nhau tổ chức một cuộc tổng tấn công quyết định. Vua Trần Nhân Tông triệu tập quần thần bàn rằng: “Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hết hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

(Còn tiếp...)

Quốc Huy (Một Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem