Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “27 Tết tôi đến chúc Tết, bác Thái Thị Liên vẫn còn minh mẫn lắm!”
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “27 Tết tôi đến chúc Tết, bác Thái Thị Liên vẫn còn minh mẫn lắm!”
Hà Tùng Long
Thứ tư, ngày 01/02/2023 14:20 PM (GMT+7)
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật chia sẻ với Dân Việt về những kỷ niệm với NSND Thái Thị Liên - người thầy đầu tiên dạy ông học Piano.
Được biết, những ngày đầu theo đuổi đam mê âm nhạc, ông đã được gia đình cho theo học đàn piano từ NGND.NSND Thái Thị Liên. Ông có thể chia sẻ một chút về quãng thời gian ấy?
- Tôi là một người học trò đã được NGND, NSND Thái Thị Liên dạy đàn piano từ khi còn rất ít tuổi. Nguyên cớ là hồi đó, gia đình nhà tôi và gia đình nhà giáo Thái Thị Liên rất thân thiết. Hai gia đình lại ở cạnh nhau.
Nên từ năm 7 tuổi, tôi đã được bố là nhạc sĩ Đỗ Nhuận dắt sang nhà nghệ sĩ Thái Thị Liên để học đàn piano. Những nốt nhạc đầu tiên tôi học được là từ lớp học đàn tại nhà riêng của nghệ sĩ Thái Thị Liên ở phố Tống Duy Tân – Hà Nội. Cũng vì lẽ đó mà khi chưa trở thành học sinh sơ cấp của trường Âm nhạc Việt Nam thì tôi đã biết đánh đàn piano. Thời đó, tôi đã biết đánh những bài tập gam, các bài dân ca Việt Nam.
Phải nói thêm rằng, vì tình thân giữa hai gia đình và sự yêu quý đặc biệt nên thời đó tôi được gọi nghệ sĩ Thái Thị Liên là "bác Liên". Bác Liên không chỉ dạy cho tôi những kiến thức đầu tiên về âm nhạc mà còn chăm chút cho tôi trong từng ngón đàn. Tôi còn nhớ là bác là một cô giáo rất nghiêm khắc với học trò nhưng lại là một người phụ nữ ấm áp, dịu dàng và rất Hà Nội, dù bác sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Mỗi lần đi học, tôi được bố hoặc mẹ dẫn sang và bác Liên rất ân cần đón tiếp cậu học trò nhỏ.
Trong quá trình học, lúc nào tôi cũng có một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những lời bác Liên dạy. Cuốn sổ đó cũng ghi lại những lời dặn dò và nhận xét của bác Liên sau một buổi học hoặc tuần học. Thường thì bác sẽ nhận xét tôi học bài này, bài kia đã tốt chưa và về nhà cần luyện thêm những bài gì. Đấy là những kỷ niệm đầu tiên khi tôi bước chân vào lĩnh vực âm nhạc.
Vậy sau này khi theo học ở trường Âm nhạc Việt Nam, ông còn tiếp tục được NGND.NSND Thái Thị Liên dìu dắt và đào tạo?
- Sau này, rất nhiều năm, rất nhiều lần tôi được bác Liên tiếp tục dìu dắt, chỉ bảo. Thời tôi đang theo học âm nhạc ở Nga, lúc đó nghệ sĩ Đặng Thái Sơn – con trai của bác Liên đoạt giải Nhất Concours Chopin năm 1980 và bác sang Nga cùng với anh Sơn thì bác cháu có gặp nhau. Trước đó, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trường Âm nhạc Việt Nam phải sơ tán về Bắc Giang thì bác cháu cũng gặp nhau ở trên đó. Bác luôn dặn rằng: "Với bác, quý nhất là thời gian và công việc. Vì thế, các cháu phải chú tâm rèn luyện và quý trọng thời gian".
Tôi còn nhớ, bác Liên là người có công rất lớn trong việc thành lập nên trường Âm nhạc Việt Nam và khoa piano của trường. Và năm 1973, khi Việt Nam ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình… thì bác vẫn là cán bộ - giảng viên chủ chốt của trường Âm nhạc Việt Nam. Bao nhiêu thế hệ các thầy, cô… sau này trở thành Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên âm nhạc đều là học trò của bác Thái Thị Liên.
Bác Liên còn là một trong những nghệ sĩ biểu diễn tài danh từ rất sớm. Những năm 1957, bác Liên là nghệ sĩ Piano đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam được đào tạo bài bản về trình độ đại học ở Tiệp Khắc cũ, nay là Cộng hòa Séc. Bác đã đem những kiến thức đó về xây dựng khoa Piano của trường Âm nhạc Việt Nam và xây dựng Hội Âm nhạc Biểu diễn. Việc đóng góp của bác Liên đối với nền âm nhạc Việt Nam không chỉ gói gọn ở vai trò đào tạo, giảng dạy mà còn có công sáng lập trường Âm nhạc Việt Nam, sáng lập Hội Âm nhạc Biểu diễn. Với những đóng góp và cống hiến đó nên bác Thái Thị Liên đã được Đảng, Nhà nước phong tặng là Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân.
Trong mắt ông, NGND.NSND Thái Thị Liên là một người nghệ sĩ như thế nào?
- Các thế hệ học trò, trong đó có tôi, đã học tập được rất nhiều điều từ bác Thái Thị Liên. Ngoài dạy về kiến thức âm nhạc, bác Liên còn luôn khuyên chúng tôi phải chịu khó tham khảo kiến thức âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của nước ngoài. Chính nhờ có sự khuyến khích của bác trong việc tham khảo các tác phẩm âm nhạc phương Tây mà chúng tôi đã có những bước tiến rất nhanh.
Những năm chiến tranh, kể cả những năm 80, 90 của sau này, việc tiếp cận với âm nhạc nước ngoài rất khó khăn nhưng bác Liên luôn động viên chúng tôi phải mua đĩa than về để nghe nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới biểu diễn. Từ đó, mình rút ra kinh nghiệm và khi lắng nghe các nghệ sĩ thế giới biểu diễn mình sẽ biết nghệ thuật của mình đang ở tầng nấc nào.
Bác Liên luôn nói với chúng tôi rằng, đàn Piano là một đàn rất khó. Bác cũng là một tấm gương về sự nỗ lực và kiên trì trong việc tự học, đào tạo sinh viên. Những năm tháng cuối đời, bác Liên cũng lấy cây đàn Piano làm bầu bạn sớm hôm. Ở ngoài tuổi 100, bác vẫn luyện đàn mỗi ngày như một nghệ sĩ biểu diễn đích thực. Với tôi, bác là một tấm gương vô cùng quý giá và đáng trân trọng.
Vậy lần cuối, ông gặp lại cô giáo Thái Thị Liên là lúc nào?
- Tôi rất may mắn là trong dịp Tết Quý Mão, cụ thể là ngày 27 Tết, tôi cùng một vài người bạn cùng khóa đã đến nhà thăm hỏi và chúc Tết bác. Thời điểm chúng tôi đến thăm, bác Liên vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và nhớ hết mọi chuyện. Bác vẫn gọi tên tôi, tên chị Minh Châu khi chúng tôi ngồi bên cạnh bác. Chúng tôi cảm giác như được lan tỏa tình yêu thương của người cô giáo hiền hậu đã dạy dỗ chúng tôi xuyên qua hai thế kỷ.
Khi nghe tin bác Liên ra đi trong những ngày đầu Xuân Quý Mão, chúng tôi vô cùng thương tiếc. Đó là một mất mát lớn, không gì bù đắp nổi. Có điều an ủi là trước khi bác mất, chúng tôi đã kịp gặp bác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.