Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân - nhiều dự định nay đã thành dang dở

N.M.H (Tiền Phong) Thứ năm, ngày 23/07/2020 17:50 PM (GMT+7)
Vũ Nhật Tân - một trong vài cái tên tiên phong trong dòng nhạc đương đại vừa ra đi vì bệnh ung thư khi mới bước vào tuổi 50. Nhưng anh đã kịp để lại những dấu ấn riêng trong dòng nhạc mình theo đuổi và đặt nền móng cho thế hệ tiếp nối.
Bình luận 0

Trong bài trả lời phỏng vấn báo cuối năm ngoái nhân dịp ra mắt tác phẩm Hanoise (viết tắt của “tiếng ồn Hà Nội”) cho nhóm Đương đại Hà Nội trình diễn cùng các nghệ sĩ Đức, anh nói: “Hà Nội đang mở rộng, đang phát triển và khiến nhiều người sống ở đây cảm thấy mệt mỏi. Họ mệt mỏi về giao thông, mệt mỏi về tiếng ồn, về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước... Nhưng bên cạnh tất cả những điều đó, Hà Nội vẫn có những nét đẹp riêng…”. Giữa biển tiếng ồn, anh cho nổi lên tiếng đàn tranh để thể hiện những khoảnh khắc đẹp của Hà Nội. Và rất có thể căn bệnh ung thư trực tràng (được phát hiện khi đã quá muộn) của anh bắt nguồn từ đủ thứ ô nhiễm kia…

Năm 2015, Vũ Nhật Tân thành lập nhóm nhạc đương đại đầu tiên của Việt Nam tên là Đương đại Hà Nội. Anh cũng gắn bó với nhóm Đông Kinh Cổ nhạc sử dụng chất liệu truyền thống. Năm nay anh dự tính cho hai nhóm nhạc thực hiện một vở lớn, diễn ở phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Chương trình dự tính có sự góp mặt của nhóm Nhã nhạc Huế và có thể là cả hai nghệ sĩ bộ gõ từ Trung Quốc. “Tôi sẽ soạn một bản nhạc lớn, phản ánh tinh thần của tôi - một người sống ở Hà Nội - đồng thời thể hiện những yếu tố không chỉ Hà Nội đang có mà Việt Nam đang có,” anh nói. Cũng trong năm nay, anh dự định hoàn thành tác phẩm thứ ba trong loạt Ngũ Hành anh bắt đầu viết từ hai năm trước. Nhưng mọi dự định nay đã thành dang dở.

Vũ Nhật Tân hợp tác với Trung tâm Nghệ thuật Heritage Space từ những ngày đầu tiên ở khâu cố vấn và kết nối nghệ sĩ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc nghệ thuật của Trung tâm nhớ Vũ Nhật Tân luôn nhiệt tình, cởi mở, hào phóng lời khuyên mỗi khi trao đổi các vấn đề nghệ thuật dù “nhiều khi nghệ sĩ bay quá, ý tưởng đưa ra không thực hiện được”. Trước tết năm nay, hai người còn ngồi với nhau để bàn về những hoạt động sắp tới cho trung tâm. Họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Âm nhạc vốn khắt khe, đòi hỏi sự tương tác từ nhiều yếu tố khách quan ngoại cảnh, nhất là âm nhạc thể nghiệm. Anh Tân ra đi đúng ở độ tuổi chín muồi của một nhạc sĩ, tôi cảm giác anh vẫn còn đang tiếp tục định hình để tìm cho mình một cái gì đó riêng biệt trong dòng nhạc mà anh theo đuổi”.

Không lâu trước khi Vũ Nhật Tân qua đời, những người bạn thân thiết đã thu thập bộ sưu tập gốm và tranh của anh để bán gây quỹ kịp thời hỗ trợ anh. Một đêm nhạc tưởng niệm chơi lại những tác phẩm của anh cũng đang được lên kế hoạch. Sinh thời, anh từng khẳng định không bao giờ nản chí trên con đường đã chọn, dù có cảm thấy cô đơn.

Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc viết cho Vũ Nhật Tân

Nhìn lượng bài vở được đăng và chia sẻ trên các trang mạng tiễn biệt thương tiếc kể từ khi biết tin anh qua đời mà thấy lòng ấm áp cho âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam. Tưởng rằng Vũ Nhật Tân chỉ loanh quanh trong một cộng đồng nghệ thuật thể nghiệm nhỏ nhoi thế mà hoá ra không phải, anh nhận được sự quan tâm từ một “thế giới” rộng rãi đến ngạc nhiên.

Nếu so với thời điểm những năm 90, từ lúc chúng ta còn chung một thầy, cùng chia sẻ với nhau những băng đĩa tổng phổ bác Tôn Thất Tiết mang từ Pháp về, cùng mang tiếng khùng khoằm khó hiểu trước sự cổ vũ của thầy Trần Trọng Hùng và những ánh mắt ác cảm không giấu diếm thì vật đã đổi sao đã dời... Những năm 2000, chúng ta tiếp tục mâu thuẫn quan điểm và cãi cọ thường xuyên về đường lối, quan niệm nhưng đã có sự cổ vũ không phải chỉ của một người thầy mà của một cộng đồng nho nhỏ và công chúng. Đã có một số nhà báo đặt các câu hỏi về “nền” âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam, em vẫn nhớ mấy anh em chúng ta (anh SơnX, anh Trí Minh, em và anh) cười khoái trá trước nhận định của anh SơnX rằng bao năm rồi vẫn có mỗi 4 viên gạch này lấy đâu ra mà “nền”. Ấy vậy mà thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, 4 viên gạch đó trở thành “nền” thật vì cứ ở lì đấy với thể nghiệm, các lớp nghệ sĩ thể nghiệm mới thấy sẵn 4 viên gạch nhẵn lì thì cứ đè lên mà xây tiếp con đường của họ nên chúng ta bỗng trở thành nền móng.

Điều trăn trở nhiều nhất của anh mà thường khiến chúng ta tranh luận luôn là “nhạc mình thế này khán giả người ta sợ”, thì nay anh có thể thấy rồi nhé, không sự hoảng sợ nào mang đến niềm tiếc thương sâu rộng đến thế cho chuyến ra đi của anh. Năng lượng này em có cảm giác giờ đây anh đang kết nối, chứng nghiệm. Tin chắc anh ra đi thanh thản, tin chắc anh đã tìm thấy điểm bình an với quyết định trước một ngã rẽ để tiếp tục cuộc hành trình phía trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem