Nhân viên hàng không được nhận thưởng Tết bao nhiêu?

30/12/2021 16:23 GMT+7
Năm 2021 là một năm khó khăn với ngành hàng không, khi các đường bay quốc tế tiếp tục bị tạm dừng, đường bay nội địa cũng bị giới hạn khiến cho thu nhập, thưởng Tết của nhân viên Hàng không bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh ngành hàng không khó khăn, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã thực hiện chi tiền lương bổ sung tiền lương theo mức, chi quỹ khen thưởng nhân dịp Tết Dương lịch năm 2022 đồng thời hỗ trợ tặng quà tết cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, Vietnam Airlines còn chi thưởng mỗi người lao động được hưởng tiền lương theo mức 2 triệu đồng/người nhân dịp Tết Dương lịch năm 2022.

Cùng với đó, Vietnam Airlines gửi đến toàn thể người lao động gói quà Hương vị Tết đặc biệt với trị giá 1 triệu đồng/người (gồm combo giò xào, giò lụa, chả cốm…). Gói quà Tết sẽ sớm được chuyển đến tay người lao động trước thềm Tết Nguyên đán Nhân Dần năm 2022.

Nhân viên hàng không được nhận thưởng Tết bao nhiêu? - Ảnh 1.

Nhân viên Vietnam Airlines làm thủ tục cho hành khách. Ảnh: CTV

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, việc chi trả tiền lương bổ sung thu nhập cho người lao động và những món quà nhân dịp Tết là sự ghi nhận, sự quan tâm chăm lo tới đời sống vật chất tinh thần của toàn thể người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Tương tự, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng đã cân đối thu chi, quỹ tiền lương năm 2021, và cho biết phải tiếp tục cắt giảm 367, tỷ đồng so với thực hiện năm 2020 (chỉ đạt 64,6% so với thực hiện năm 2020 và đạt 47% so với quỹ lương thực hiện 2019).

Bên cạnh các khoản như tiền thưởng, lương năng suất cho người lao động, các khoản chi mang tính phúc lợi khác tiếp tục không có nguồn chi trả, hiện nay, tiền lương giờ cho kiểm soát viên không lưu và chi ăn ca cho người lao động cũng phải tạm dừng chi trả trong sáu tháng cuối năm nay.

Lãnh đạo VATM cho biết, mức sụt giảm thu nhập nặng nề này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và hoạt động của Tổng công ty.

Do đặc thù công việc yêu cầu bố trí lực lượng lao động trực 24/24 giờ theo đúng các vị trí do nhà chức trách hàng không quy định, người lao động vẫn phải đi làm đủ ca, hoạt động tác nghiệp bình thường.

Tuy đã cắt giảm chi phí, dồn nguồn lực để đảm bảo tiền lương cho người lao động nhưng với mức sụt giảm thu nhập lớn như vậy và khả năng vẫn phải kéo dài đến hết 2023, một vấn đề khó khăn hiện hữu trước mắt Tổng công ty phải đối mặt là việc giữ chân người lao động.

Để một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền cần thời gian khoảng 3-5 năm (với kiểm soát viên không lưu) và khoảng 2 năm với các dịch vụ còn lại (thông tin, dẫn đường, giám sát; thông báo tin tức hàng không; khí tượng; tìm kiếm cứu nạn)

Khoảng thời gian đó bao gồm thời gian huấn luyện bắt buộc để được thi cấp phép hành nghề; thời gian huấn luyện tại vị trí làm việc và phải được kèm bởi một người có thâm niên, kinh nghiệm cho đến khi có thể làm việc độc lập.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không có giải pháp thì Tổng công ty sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ trong giai đoạn hiện tại và khi hoạt động bay hồi phục trở lại.

Thế Anh
Cùng chuyên mục