Nhập khẩu phế liệu: Chưa có quy định "phòng thủ" từ xa

PV Thứ sáu, ngày 03/08/2018 07:02 AM (GMT+7)
Nói về việc thực trạng các doanh nghiệp tìm mọi cách nhập khẩu phế liệu về Việt Nam, ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) thừa nhận: Việt Nam chưa thực hiện phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài).
Bình luận 0
img

Nói về việc thực trạng các doanh nghiệp tìm mọi cách nhập khẩu phế liệu về Việt Nam, ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) thừa nhận: Việt Nam chưa thực hiện phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài). Chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu.

Vì thế, chúng ta luôn “bị động” phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm. “Trong khi đó, việc yêu cầu tái xuất theo quy định của pháp luật sẽ cực kỳ khó khăn, do chủ tàu đã về nước. Trường hợp xấu nhất là không thể tái xuất, cũng không sử dụng được sẽ phải tiến hành tiêu hủy. Khi đó, việc tiêu hủy sẽ phải dùng ngân sách nhà nước. Chi phí để xử lý cực kỳ tốn kém”- ông Thức nói.

img

Phế liệu được cấp phép nhưng chưa có quy chuẩn quốc gia sẽ không thông quan.  Ảnh: P.V

Ông Thức cho biết thêm, tham gia quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm nhiều bộ, ngành và các cơ quan địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế phối hợp liên ngành trong xử lý vụ việc liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, để xử lý được vấn đề tồn đọng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ, cơ quan liên quan và địa phương.

“Bên cạnh đó, chúng ta chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu. Không những vậy, giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng, giao dịch kinh tế thương mại giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, chủ hãng vận tải biển và nhà xuất khẩu tại nước ngoài. Vì vậy, khi có vi phạm vận chuyển sai hàng hóa là phế liệu nhập khẩu hoặc vượt quy chuẩn cho phép hoặc gian lận thương mại thì không xử lý được trách nhiệm của chủ tàu, chủ hãng vận tải biển”- ông Thức cho hay.

Để giải quyết những vướng mắc trên, tại dự thảo sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Bộ TNMT đề nghị thắt chặt, loại bỏ những loại, mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát và rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; công khai giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp, gửi bản sao giấy xác nhận cho các bên liên quan; thông báo lô hàng phế liệu được phép nhập khẩu trực tiếp cho cơ quan hải quan cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan cửa khẩu làm các thủ tục thông quan, giải phóng hàng hóa nhanh gọn, đúng pháp luật.

Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam:

Phải có khu công nghiệp xử lý phế liệu

Năm 2017 ngành nhựa cần tới 5 triệu tấn nguyên liệu, trong khi đó ngành lại không thể chủ động được nguồn nguyên liệu bởi nguồn trong nước chưa tới 20%, còn trên 80% phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cấp phép cho nhập khẩu phế liệu nhựa tràn lan từ đầu năm 2018 đến nay, khi Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu thì phế liệu nhựa ồ ạt đổ về Việt Nam. Hiệp hội Nhựa rất lo lắng trước thực trạng này.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị trước khi cho phép các doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phế liệu, cần phải xem xét năng lực, điều kiện sản xuất của doanh nghiệp đó để đưa ra đúng số lượng phế liệu phù hợp, chứ không thể cấp phép tràn lan, dùng không hết thì đem bán cho đơn vị khác.  Nên chăng chúng ta thành lập những khu công nghiệp chuyên xử lý phế liệu tập trung. Hiện nay phế liệu chủ yếu được xử lý nhỏ lẻ ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Nếu có khu chuyên xử lý phế liệu thì chúng ta vừa có thể chủ động được nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất, vừa giám sát được số lượng nhập, vừa có thể bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam:

Doanh nghiệp cần đến đâu, Nhà nước cấp phép đến đó

Nguyên liệu giấy trong nước của chúng ta hiện nay mới chỉ có thể sản xuất được các loại sản phẩm giấy bao bì, còn giấy in, giấy biết lại được làm từ bột giấy. Trong khi đó, hiện nay cả nước mới chỉ sản xuất được 200.000 tấn bột giấy/năm, và sản phẩm giấy làm ra là 3,6 triệu tấn – con số quá nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng, do đó cần thiết phải nhập khẩu bột giấy. 

Tuy nhiên, dù thiếu nhưng ngành giấy rất đồng tình với chủ trương siết chặt quản lý phế liệu nhập khẩu của Bộ TNMT. Bởi với nguồn nguyên liệu bẩn, không được sơ chế thì ngành giấy cũng không thể sử dụng được.

Một vấn đề mà Hiệp hội cũng rất quan tâm là việc quản lý, cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu có số lượng cụ thể chứ không phải vô hạn, do vậy doanh nghiệp cần đến đâu thì cơ quan quản lý cấp phép tới đó, tương ứng với nhu cầu sản xuất của mình.

Nguyễn Tố (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem