Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nông nghiệp, sản xuất nông sản của Việt Nam hiện nay?
- Tôi được biết, đến nay Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc mở rộng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ví như cải thiện giống, xây dựng các công trình tưới tiêu, chi trả hỗ trợ cây màu và gần đây là áp dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao độ an toàn cho nông sản. Đặc biệt, ngành sản xuất trong nước đã có phản ứng nhanh nhạy với thị trường, nhất là lĩnh vực xuất khẩu.
Nông dân chăm sóc rau trong một mô hình sản xuất rau an toàn có sự phối hợp giữa Bộ NNPTNT và JICA ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Ảnh: Trần Quang
Điển hình cho kết quả đó là, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê và hạt tiêu… đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao, đứng vị trí thứ nhất, nhì thế giới. Về thủy sản, các mặt hàng như tôm, cá da trơn của các bạn cũng được xuất khẩu ra thế giới với số lượng lớn.
Việt Nam đang triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng áp dụng các tiến bộ công nghệ cao vào sản xuất. Song thời kỳ đầu, việc tái cơ cấu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. JICA có tìm hiểu và đánh giá thực trạng này?
- Đúng là lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề và thử thách. Trước tiên là vấn đề an toàn thực phẩm, rồi mức độ chế biến thấp, với trên 90% sản phẩm được tiêu thụ chưa qua chế biến. Rồi vấn đề xử lý sau thu hoạch chưa đầy đủ, như không có cơ sở để bảo quản lạnh khiến tình trạng rau hỏng khi ra tới thị trường tiêu thụ. Hay sản phẩm nông nghiệp không được phân loại, nên giá thành sản phẩm bị đánh đồng, làm mất dần ý thức cải thiện chất lượng...
Nhật Bản là nước có lợi thế rất lớn về công nghệ. Trong thời gian qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam hợp tác xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Vậy tới đây, phía Nhật Bản sẽ có những hợp tác, hỗ trợ gì với Việt Nam trong nông nghiệp, nhất là khi cả 2 nước cùng tham gia vào TPP, thưa ông?
- Từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã có đối thoại cấp cao song phương về hợp tác nông nghiệp và đến tháng 8.2015 đã phê duyệt “Tầm nhìn trung và dài hạn” nhằm thiết lập “Chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam”, bao gồm sản xuất nông nghiệp, vận chuyển, lưu thông, chế biến và tiếp thị với sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân và nhà nước từ 2 quốc gia.
JICA cũng đã phối hợp Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương các tỉnh như Nghệ An, Lâm Đồng... và những đối tác thuộc khu vực tư nhân để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ “Tầm nhìn trung và dài hạn”. Trong đó, đã triển khai một số mô hình nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm và chế biến thực phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể như dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An. Trong khuôn khổ hợp tác, mô hình “Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng” được thử nghiệm, với các hoạt động cần thiết nhằm thực hiện chuỗi giá trị nông sản. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng mô hình “Diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin song phương”, nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin về thị trường nông sản, chăn nuôi và thông tin về người sản xuất.
Một khi hình thành được chuỗi giá trị nông sản như ký kết hợp tác giữa 2 nước, nông dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi những gì, thưa ông?
" Thay vì nhà nước áp đặt các chính sách, thủ tục hành chính để người sản xuất thực hiện như hiện nay thì nên để các doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ lớn đặt hàng nông dân, thì bà con sẽ làm theo yêu cầu của khách hàng”.
Ông Mori Mutsuya
|
- Trong khuôn khổ hợp tác, mô hình “Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng” được thử nghiệm, với các hoạt động cần thiết nhằm thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm từ việc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, giống và phát triển giống, trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu, với xuất phát điểm là dựa vào nhu cầu của thị trường, nghĩa là tìm hiểu xem mọi người muốn mua gì.
Từ đó, người nông dân sẽ sản xuất ra các sản phẩm đó để đáp ứng cho thị trường và người tiêu dùng. Làm được như thế, nông sản làm ra không những không bị dư thừa mà còn được giá cao, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, thay vì nhà nước áp đặt các chính sách, thủ tục hành chính để người sản xuất thực hiện như hiện nay thì nên để các doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ lớn đặt hàng nông dân, thì bà con sẽ làm theo yêu cầu của khách hàng. Cùng với đó các đơn vị trên sẽ cử người theo dõi, giám sát người làm, để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm và có chất lượng tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.