Nhật Bản, Thụy Điển thay đổi chiến lược chống dịch Covid-19

Vương Nam – Straitstimes, RT Thứ bảy, ngày 18/04/2020 17:25 PM (GMT+7)
Nhật Bản và Thụy Điển, 2 quốc gia đang trên đà báo động bởi số ca nhiễm và tử vong tăng cao do Covid-19 quyết định sẽ áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng – một trong những biện pháp được đánh giá là hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bình luận 0

Trong nhiều tuần trước đây, Nhật Bản đã hạn chế xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nhiễm Covid-19, bất chấp khuyến cáo từ những chuyên gia y tế trong nước và quốc tế. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, xét nghiệm diện rộng là phương pháp hiệu quả nhất nhằm phát hiện, cách ly người nhiễm và ngăn virus lây lan trong cộng đồng.

Trong tháng 3, Nhật Bản mới chỉ tiến hành được 52.000 xét nghiệm.

Các chuyên gia cho rằng, ngay từ ban đầu, việc hạn chế xét nghiệm Covid-19 của Nhật Bản đã gây khó khăn cho kiểm soát dịch bệnh tại Tokyo và những thành phố lớn khác, dẫn đến việc xuất hiện ổ dịch trong cả trong các bệnh viện, cơ sở y tế.

Quyết định thực hiện xét nghiệm diện rộng được đưa ra sau khi Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và cảnh báo mối nguy dịch bệnh đối với các cơ sở y tế.

img

Bức tượng chú chó Hachiko nổi tiếng được đeo khẩu trang tại Nhật Bản (ảnh: AP)

“Với sự hỗ trợ từ những tổ chức y tế, chúng tôi sẽ thành lập thêm các trung tâm xét nghiệm. Chỉ cần các bác sĩ cho rằng việc xét nghiệm là cần thiết, các mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy tại những trung tâm này và gửi đi kiểm tra. Áp lực đối với nhiều trung tâm y tế công cộng sẽ được giảm bớt”, ông Abe phát biểu hôm 17.4.

Mặc dù quyết định này đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự thay đổi về chính sách đối phó với dịch bệnh, nhưng vẫn còn phải chờ xem hiệu quả sẽ được thể hiện ra sao, các chuyên gia nhận định.

Đến ngày 18.4, Nhật Bản ghi nhận 10.098 ca nhiễm Covid-19. Tokyo vẫn là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh tại Nhật Bản, với tổng số 2.975 ca nhiễm Covid-19 tính đến ngày 18.4.

Một đội ngũ bác sĩ tại Nhật Bản mới được thành lập để tăng cường khả năng kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm từ những trường hợp nghi nhiễm virus. Trước đó, công việc này được tiến hành bởi các bác sĩ của những bệnh viện lớn và họ gần như đã kiệt sức.

“Điều này sẽ ngăn hệ thống y tế sụp đổ. Mọi người đều cần được giúp đỡ, nếu không, những bệnh viện lớn có thể rơi vào tình trạng quá tải”, Tiến sĩ Konoshin Tamura, Phó Chủ tịch Hiệp hội y bác sĩ khu Suginami của Tokyo, cho biết.

img

Một nhân viên y tế của chính phủ Nhật Bản phát loa kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà trong dịch Covid-19 (ảnh: Straitstimes)

Thụy Điển – quốc gia châu Âu nổi tiếng vì không áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong dịch Covid-19, mới đây cũng tuyên bố sẽ triển khai chiến lược xét nghiệm diện rộng khi số ca nhiễm và tử vong tăng cao so với những nước cùng khu vực Bắc Âu.

“Mục tiêu của chính phủ là thực hiện được 50.000 – 100.000 xét nghiệm một tuần”, Bộ trưởng Y tế Thụy Điển – bà Lena Hallengren, phát biểu.

Bà Lena Hallengren nói thêm rằng, việc xét nghiệm quy mô lớn sẽ giúp đánh giá được mức độ dịch bệnh bùng phát tại Thụy Điển. Đồng thời, giúp người dân yên tâm hơn khi đưa ra quyết định ra đường, đi làm hay ở nhà.

Đến ngày 18.4, Thụy Điển ghi nhận 13.216 ca nhiễm Covid-19 với 1.400 người tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem