Nhật, Hàn đầu tư lớn vào thị trường bán lẻ, doanh nghiệp Việt có "lép vế"?

09/11/2019 17:49 GMT+7
Hiện nay, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh khốc liệt tại thị trường bán lẻ Việt Nam, điều này gây sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam chưa chắc đã “lép vế”.

Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư "khủng" vào Việt Nam

Mới đây, Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc KOTRA cho biết, thời gian qua thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 10,9% trong giai đoạn 2013-2018.

Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai cái tên dẫn đầu thị trường trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa và cả mua sắm trực tuyến.

Được biết, thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản là Aeon vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư 190 triệu USD. Đến nay, Aeon đã phủ sóng trung tâm mua sắm tại ba thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương.

Thị trường bán lẻ: Nhật, Hàn đầu tư lớn, doanh nghiệp Việt có "lép vế"? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục đầu tư vào thị trường bán lẻ VIệt Nam thời gian qua.

Mới đây, Aeon đã đầu tư 280 triệu USD để xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 tại Hà Nội. Đối với trung tâm thương mại mới này, Aeon đã tiến thẳng vào nội đô, xây dựng trên khu đất hơn 6 hecta ở quận Hoàng Mai.

Theo thông tin từ thương hiệu đến từ Nhật Bản, mục tiêu của Aeon đến năm 2025 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Hiện tại, Aeon đã có 179 liên doanh trong và ngoài Nhật Bản, ngoài ra, sở hữu và vận hành 17.000 trung tâm thương mại và cửa hàng lớn nhỏ.

Một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ đến từ Nhật Bản là Toshin Development cũng đang bắt đầu mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trước đó, tập đoàn này đã mở trung tâm thương mại Takashimaya rộng 15.000m2 tại TP. HCM.

Hồi tháng 7, nhà đầu tư Nhật này đã ký kết mua khu đất rộng 1,7 hecta ở khu đô thị Starlake bên Hồ Tây của Hà Nội để đầu tư một trung tâm thương mại và văn hoá đậm chất Nhật Bản.

Ngoài ra, công ty Nhật Bản 7-Eleven cũng đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2017 và hiện đang vận hành gần 40 cửa hàng. Công ty này đặt mục tiêu xây dựng 1.000 cửa hàng mới, chủ yếu tập trung vào TP.HCM và Hà Nội.

Không kém cạnh các đối thủ đến từ Nhật, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã có mặt tại thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2008, đến nay, đơn vị này đã đầu tư 390 triệu USD. Hiện tại, Lotte sở hữu tất cả 14 trung tâm mua sắm, một cửa hàng bách hóa và hai cửa hàng miễn thuế hoạt động trên toàn quốc.

Không chỉ Lotte, Tập đoàn CJ cũng đã khẳng định vị thế bằng việc đặt cọc nhận chuyển nhượng hai khu đất thương mại tại Starlake nhằm phát triển các dự án bán hàng tại thị trường Việt Nam.

Được biết, Tập đoàn này kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, giải trí, thương mại điện tử qua các thương hiệu Tous Les Jours, CGV, CJ Korea Express và SCJ TV Homeshopping.

Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25 đã liên doanh với Tập đoàn SonKim thâm nhập vào Việt Nam từ tháng 1 năm ngoái khi mở một cửa hàng tại TP.HCM. Hệ thống này hiện có khoảng 50 cửa hàng, kế hoạch mở rộng lên 70 vào năm tới và đến 2.000 trong 10 năm tới.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt chưa phải lo ngại

Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành bán lẻ đánh giá, với dân số trẻ, trên 90 triệu dân, thị trường nông thôn ít ỏi, kênh bán lẻ hiện đại mới đạt khoảng 20%, thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phú, sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang rất khốc liệt. Bên cạnh đó, so với các nước láng giềng như Indonesia, Philippines, giá thuê mặt bằng siêu thị tại Việt Nam đắt hơn khoảng 20-30%.

Dẫn lại các số liệu, ông Vũ Vinh Phú cho hay, tại thị trường bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp FDI tham gia chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại. Trong đó, khoảng 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị có diện tích trên 500m2, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng.

Thị trường bán lẻ: Nhật, Hàn đầu tư lớn, doanh nghiệp Việt có "lép vế"? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện cũng đã chiếm thị phần lớn, làm chủ được thị trường nội địa.

"Đáng chú ý, sự cạnh tranh trên thị trường còn nhiều yếu tố không công bằng minh bạch. Ranh giới giữa nhà buôn chân chính và tiểu thương rất mong manh, còn nhiều vụ việc trốn thuế khiến sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước ngày càng mạnh mẽ hơn", ông Vũ Vinh Phú cho hay.

Việc các doanh nghiệp FDI ồ ạt đổ bộ vào hệ thống bán lẻ khiến nhiều ý kiến lo ngại về sự ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tác động của những diễn biến này chưa thực sự "đáng lo ngại" như phản ánh của dư luận.

Cụ thể, theo báo cáo Bộ Công Thương trình Quốc hội, số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 3,5 - 4%. Doanh nghiệp FDI tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thêm, mặc dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường 4 năm, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã có sự phát triển vượt trội.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, hệ thống bán lẻ nội địa Vimart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup đã có 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị trên 44 tỉnh thành trên toàn quốc và trở thành nhà bán lẻ đứng đầu ở Việt Nam.

Theo kế hoạch phát triển của Vinmart và Vinmart+, đến năm 2020, hệ thống sẽ có 200 siêu thị và 4000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Các doanh nghiệp bán lẻ khác như Saigon Coop, Satra cũng đều có những bước phát triển rất đáng khích lệ và lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 7 trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục