“Nhật ký Đặng Thùy Trâm không phải là một tài liệu lịch sử”

Thứ sáu, ngày 08/05/2015 10:00 AM (GMT+7)
“Cuốn nhật ký được in ra dưới dạng một xuất bản phẩm, chứ không phải là một tài liệu lịch sử. Và đó là quyền lựa chọn của gia đình, ai đó khác không thể yêu cầu chúng tôi làm theo ý họ được. Những người to tiếng trong chuyện này, tôi đồ là có khi họ còn chẳng đọc kỹ cả bản gốc lẫn cuốn sách…” - chị Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cũng chính là người đã thực hiện những thao tác biên tập đầu tiên với cuốn nhật ký, lên tiếng về việc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” - vừa bị cho là đã được cắt gọt đáng kể so với bản gốc, g&a
Bình luận 0

Là người đánh máy và biên tập bản thảo lần 1, chị có can thiệp nhiều về mặt nội dung?

- Có, nhưng không nhiều, chủ yếu là các lỗi chính tả, một vài từ khó hiểu và một vài câu hơi lủng củng do người viết sơ ý và chỉ định viết riêng cho mình.

Phần cắt gọt nhiều nhất có chăng là tôi đã để lại một ngày trong số những ngày được ghi chép thay vì công bố nó, bởi nó là câu chuyện hết sức riêng tư của chị Thùy (liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - PV).

img

Nhưng rốt cuộc thao tác đó của tôi cũng trở nên thừa khi mới đây bản gốc của nó (hiện đang được lưu giữ tại kho lưu trữ của Trung tâm Việt Nam (ĐH Texas, Mỹ) sau khi được số hóa, đưa lên mạng đã trình làng nguyên bản. Sau này, khi bản thảo được chuyển đến tay nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - biên tập viên NXB Hội Nhà văn Việt Nam, thì cuốn nhật ký được biên tập thêm lần nữa với mục đích đưa đến bạn đọc một xuất bản phẩm sáng rõ nhất có thể, nhưng cũng không can thiệp gì nhiều.

Đừng quên, cuốn nhật ký được in ra dưới dạng một xuất bản phẩm, chứ không phải là một tài liệu lịch sử. Và đó là quyền lựa chọn của gia đình, ai đó khác không thể yêu cầu chúng tôi làm theo ý họ được. Những người to tiếng trong chuyện này, tôi đồ là có khi họ còn chẳng đọc kỹ cả bản gốc lẫn cuốn sách…

Công bố hay không công bố, công bố toàn bộ hay từng phần, đó đương nhiên là quyền của chủ sở hữu, nhưng hẳn chị cũng biết, yêu cầu số 1 của thể ký là sự trung thực, nhất là khi nó chứa đựng những thông tin liên quan đến thời cuộc, lịch sử… Lòng tin không dễ gì có được, qua một cuốn sách, vậy liệu có đáng để bị rơi rụng không chỉ vì một vài đối chiếu, nghi ngờ nhỏ?

- Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được xuất bản tròn đúng 10 năm, đã được dịch ra 20 thứ tiếng và nhận về nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối nghịch, nhưng tôi chưa bao giờ lên tiếng.

Tuy nhiên, lần này thì tôi không im lặng nữa vì những lẽ sau: Đành rằng, tôi có thể bỏ qua ý kiến khen chê về cuốn sách, về người biên tập, về việc xuất bản cuốn sách..., bởi một khi một cuốn sách đã được xuất bản thì nó có cuộc đời của nó, tôi không muốn và không thể can thiệp vào đó.

Nhưng một khi ai đó đã vì bất đồng chính kiến hoặc vì một định kiến nào đó mà cố tình dựng chuyện, bôi nhọ và chà đạp lên danh dự một con người, đặc biệt đó là một người đã khuất, thì tôi thấy không thể chấp nhận được.

Nhiều người khuyên tôi nên kiện kẻ đã cố tình bôi nhọ, nhưng cuối cùng tôi đã không chọn cách đó. Vì tôi tin chị Thùy của tôi cũng sẽ không chọn cách đó. Đó không phải là tinh thần của chị Thùy. Chiến tranh đã qua rồi, không nên dựng thêm bờ chiến tuyến nào nữa với bất kỳ lý do nào.

Xin nhắc lại, cuốn sách không phải là một tư liệu lịch sử, vậy nên ai muốn dò đến ngọn nguồn sự thật theo hướng tiếp cận lịch sử thông qua một cuốn nhật ký chiến tranh thì làm ơn tìm đến bản gốc (đã được công bố trên mạng). Còn nếu như bạn không quá quan trọng điều đó mà quan tâm nhiều hơn đến những giá trị nhân văn khác nữa thì bạn có thể tìm đọc cuốn sách đã được xuất bản và biên tập theo như cách nhiều cuốn nhật ký chiến tranh nổi tiếng khác trên thế giới cũng đã được biên tập.

Nhưng dù đọc cả hai bản và tìm thấy một vài điểm khác nhau (mà theo tôi là không nhiều) trong đó, tôi cũng không nghĩ là bạn lại có thể dễ dàng đổ vỡ hay rơi rụng niềm tin mà bạn đã có được kia. Lẽ tự nhiên, cái gì khó có thì cũng khó mất, niềm tin do đó sẽ ở lại.

Xin cảm ơn chị.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Nếu một cuốn nhật ký cần biên tập lại cho câu cú văn phạm sáng sủa là việc nên làm (như ý kiến của anh Vương Trí Nhàn), miễn là nó không bóp méo đi sự thật: Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không có những suy nghĩ, hành động dám xả thân, mà biên tập sai bản chất con người Đặng Thùy Trâm, biến sự hèn nhát thành anh hùng. Nếu vì những bất bình của nhiều tiêu cực hiện tại mà đụng vào phần thiêng liêng của một thế hệ với cả một con người đã khuất thì sẽ gặp phải sự lên án của hàng triệu nhân chứng sống còn đây. Với tôi, một thời đại đã đi qua và một thời đại đã thực sự có hàng vạn, hàng vạn chứ không phải ít, đã dám hy sinh cho đất nước, chiến đấu, công tác, hoạt động kháng chiến chống Mỹ tới giọt máu cuối cùng của đời họ…”. 

(Theo Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem