Nhật ký phóng viên chiến trường Xuân 1975: Trường Sơn tuần trăng mật
Nhật ký phóng viên chiến trường Xuân 1975 - Kỳ 1: Trường Sơn tuần trăng mật
Nhà thơ Anh Ngọc
Thứ tư, ngày 05/03/2025 11:19 AM (GMT+7)
Rừng Lào che trên gối cưới. Võng đôi Trường Sơn. Họ đi đến những miền nào. Gia đình sẽ ra sao? Những đứa trẻ sẽ ra đời ở đấy. Miền Nam ngấm vào chúng. Một sự di cư như chim én về phương Nam theo nắng xuân. Họ không vỡ tổ, họ đang đi làm tổ.
LTS: 50 năm trước, nhà thơ Anh Ngọc với tư cách là phóng viên, biên tập viên báo Quân đội nhân dân đã tham gia Chiến dịch Mùa xuân lịch sử 1975. Ông đã cẩn thận ghi chép vào sổ nhật ký cá nhân những điều mắt thấy tai nghe, những cảm nhận cá nhân có được trong những ngày mùa Xuân lịch sử đó, khi ông cùng một số phóng viên Báo QĐND được cấp trên cử vào chiến trường Miền Nam ghi nhận, phản ánh tình hình chiến sự.
Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), được sự đồng ý của Nhà thơ Anh Ngọc, Dân Việt đăng tải nhiều kỳ "Nhật ký phóng viên chiến trường Xuân 1975". Xin mời bạn đọc cùng đón xem.
Rừng và bụi phía Tây Trường Sơn
Ngày 2/2/1975 - Trạm 14 - Át tô pơ. Xê Nọi…
Đến từ hôm qua. Nay nghỉ lại. Chặng đường hôm qua từ 13…14 là một chặng đường khủng khiếp. Dài khoảng 130 km, đường xóc khủng khiếp (vì bằng, ít dốc nên mới xóc nhiều), bụi mù giời trắng xóa, xe đi như lấy móng tay cày vào mâm bột. Đến bên sông Bạc ( Xê công) thì ra đường 16. Xuống sông Bạc rửa. Một con sông có dáng suối, nhưng to, nông, nước trong xanh, vách đá, đổ ra Mê Kông, mẹ của mọi con sông Lào.
Đi nhờ được ô tô hồng thập tự nên đỡ xóc, nhưng cũng bị một cú suýt đổ xe, lộn tùng phèo. Đêm qua đoàn báo chí… (trừ ba thằng đi nhờ mình) đến muộn, nằm võng, lao xao bãi khách. Mấy cô chị nuôi Hà Bắc (Tân Yên) khỏe mạnh, như chim – "Bác N ơi (!)" nhưng đùa phải biết. Nghĩ về con gái trong rừng xa này.
Các chuyến xe tải vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trên đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nắng Lào chói chang trong rừng. Ở đây gần suối còn đỡ, còn nghe tiếng chim, chứ chỗ khác có lẽ sinh vật chết hết, kể cả vắt và muỗi! Ghi lấy những ấn tượng chính.
"Rừng khộp Lào": Chúng tôi đã đi qua khoảng 200km hầu như toàn rừng khộp. Đi hàng mấy chục cây số mới có một con suối. Một cánh rừng chết, rừng cháy lửa, rừng hỏa diệm sơn. Lính bảo, có lẽ ít nữa đây sẽ thành sa mạc. Những cây khộp già nua, vỏ nứt nẻ, rất nhiều cành cong quắp, ngoằn ngoèo, lá to, cháy đen, úa đỏ, xác xơ màu đất, như máu đông, rụng xuống đất như máu đọng.
Rừng rất bằng, chỉ còn những khóm rừng le cháy vàng khóm lại thành từng cụm, loại cây gì thân trúc, còn dưới đất thì ai đốt mà đất cháy đen. Nhất là lúc hoàng hôn ráng tây đỏ ối, cháy cả một chân trời.
Toàn bộ cánh rừng trong một gam màu nóng: Đất đen, cây thấp đầy bụi màu nâu đất, lá úa đỏ, cành dơ lên xác xơ. Trước mắt cứ đỏ bừng lên, rừng rực như bốc lên, tối rồi mà vẫn vô cùng nóng nực. Rừng Lào ghê gớm, cháy dữ dội trong hoàng hôn của lính, những anh lính lầm lụi, lầm lụi đi trong đám lửa không tắt đó. Binh trạm nằm mơ màng trong nắng. Ve kêu. Suối reo khẽ (suối không dốc như phía đông nên không có thác mạnh).
Bụi: Suốt đêm ngày bụi bay trắng Tây Trường Sơn… Cây bên đường trong bán kính 20 mét không còn rõ hình dáng thật vì bụi phủ làm méo mó, rũa như thạch nhũ, một chiếc lá cây rơi cũng làm nên một đám bụi. Bụi bốc lên mù mịt như đám cháy dưới bánh và sau xe. Lái xe, lính bịt kín đầu, mồm, mắt mà lông mày lông mi bạc như bị bạch tạng.
Những đỉnh đèo luôn luôn là những mỏm núi nằm trong mây bụi Bụi. Mùa khô Tây Trường Sơn. Rừng Lào. Tiếng cuốc kêu kia. Quả thật là mùa hè chính hiệu.
Tình yêu Trường Sơn và tuổi trẻ của tôi
Vừa cùng Hà Đình Cẩn sang thăm một cặp vợ chồng Trường Sơn. Chồng là Nguyễn Đăng Khoa, vợ là Nguyễn Thị Dung, làm ở Đoàn 253 thuộc công trình I Bộ Giao thông (sửa ô tô)… Vợ học trung cấp.
Họ cưới nhau vừa 2 tháng. Nay cùng vào công tác ở Miền (B2). Anh chồng đi, chị vợ xung phong đi theo. Họ cùng nằm một võng. Đồ đạc riêng dung chung nhau. Có thêm cái chăn bông. Bên dây phơi có những thứ của phụ nữ. Khăn rằn. Mũ tai bèo. Chồng nằm gối đầu lên tay, vợ ngồi bên cạnh, ngượng nghịu. Chúng tôi bất ngờ gặp họ đang âu yếm nhau…
Rừng Lào che trên gối cưới. Võng đôi Trường Sơn. Họ đi đến những miền nào. Gia đình sẽ ra sao? Những đứa trẻ sẽ ra đời ở đấy. Miền Nam ngấm vào chúng. Một sự di cư như chim én về phương Nam theo nắng xuân. Họ không vỡ tổ, họ đang đi làm tổ.
Hôm nay có lần đánh cá, thằng bạn đi mò về đến 1 kg nấu canh bột chua. Chất tươi quý hóa của Trường Sơn. Những người nuôi quân của binh trạm. Phần lớn vừa ở Hà Bắc đất quan họ vào. Hồng hào mạnh khỏe. Vui.
Ở đây không có sự bắt buộc nào, đè nén nào, chỉ có lính với lính nên họ tự do và vui. Cấp trên lơ mơ là bị lính phê, chửi ngay. Những gương mặt ấy bẽn lẽn nhưng chân thành. Màu tươi xanh của Trường Sơn giữa mùa khô cháy lửa những khộp, những săng lẻ, những le…
Cô Hảo, Huệ, Thể… Cám ơn các cô, tình yêu Trường Sơn và tuổi trẻ của tôi.
Tăng chất cho "Mùa khô tây Trường Sơn"
Ngày 3/2/1975 - Trạm 15 Xê Sụ.
Đêm qua sang đọc thơ (Cây xấu hổ, Bên lở bên bồi, Khoảng đất dưới võng, Tay em) cho cánh lái xe mà mình đi nhờ. Xúc động. Vì đây là ở Trường Sơn. Hôm nay tiếp tục. Vẫn những rừng khộp, nắng và cát bụi, đá hộc… Lên xe có một cô trong đoàn xe, Hà Bắc (Vân). Các bạn bày trò đoán số cho cô. Cẩn đoán đúng hoàn cảnh cô không bình thường, và thốt nhiên cô ta khóc "Em nhớ nhà quá".
Chị gái đầu của 7 đứa em mà. Hồn nhiên lắm lắm. Như trẻ con, nhưng đã vững chãi rồi.
Qua sông Xê ca máng (nông, rộng, xe đi qua). Nhớ Lâm Huy Nhuận. "Nghe trong dòng nước đục ngầu tiếng bom". Bạn bè gặp nhau như thế ấy.
Đến trạm 15. Trạm vui, khách ra vào đông đúc, nhắn hỏi – tìm đồng hương, kể chuyện – chặng cuối cùng của chuyến đi này. Từ đây vào còn xa bằng ra Vĩnh Chấp nữa, và đi đêm – có thể gặp địch trời. Sẵn sàng đón chờ.
Tình cờ gặp đoàn văn công Tuyên Quang, Yên Bái đang ở đây và cũng vào khu 6. Họ rõ ra văn công. Gợi nhớ những dáng hình Hà Nội. Tại sao tình yêu của mình xao xuyến con người như thế. Giờ này họ sẽ biểu diễn. Chặng tình yêu của mình đến với cái đẹp có thật và giản dị là cả một quá trình xa vời vợi.
Nắng lửa Trường Sơn chưa sấy khô chút tình đời của mình ư? Đời nào…
Dọc đường, giữa cảnh cháy đen đỏ của rừng khộp Lào, đôi lúc gặp một cây hoa gì đỏ chói, toàn thân là hoa, nhưng hoa màu đỏ bụi bặm và cứng queo cứng quẹo. Hoa đấy, nhưng cứ như là những chiếc lá úa sắp rụng. Đúng như vậy. Bụi và cát đã sấy khô tất cả. Trừ nụ cười của các o 5.59 và lòng mình.
Tư liệu và cảm xúc ào ạt cho sáng tác rồi đó. Ước gì dừng lại mà làm. Mai !
Xe vận tải vượt cầu phao La Khê bắc qua sông La (Hà Tĩnh) ra mặt trận. Ảnh: Hồ Ca/TTXVN
Ngày 4/2/1975. Ở lại trạm 15
Chiều nay đi. Như vậy là sẽ đi với văn công để có người dẫn xuống Bù Đốp. Trò chuyện với họ rất thú vị. Văn công tỉnh lẻ ra trận. Đêm qua họ đã biểu diễn. Chiến sĩ vây quanh, hò reo, vỗ tay thật và vỗ tay trêu đủ cả. Tiếng hát của quê hương cách mạng Miền Bắc (Tuyên Quang, Yên Bái) giữa rừng núi, nôi của cách mạng Miền Nam.
Cũng hay. Những cô gái nhỏ nhắn, đáng yêu, văn công đấy, nhưng chưa mất cái tự ti, rụt rè của tỉnh lẻ. Cũng hay. Một ông nhạc sĩ giọng như hát xẩm, giọng khê đặc, mấy anh con trai đầu tóc của những loại Phủ Lý, Ninh Bình, chỉ có các cô gái là hoa rừng đang cố mô đéc mà thôi.
Văn công và lính đồng hương. Ánh mắt đêm văn công. Dọc đường đi với họ có thể có chuyện hay để viết.
Vừa sang suối chơi với chú gấu Trường Sơn, một chú gấu đen to đến gần 50 kg, bộ đội nuôi đã thuần, rất hiền. Vừa chụp ảnh với nó. "Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại" (tên một bộ phim – NV) mà. Tô Cai Tô. Hoan hô !
Các cô gái Trường Sơn đang xay bánh làm bột cho lính. Nắng trên những liếp bánh đa. Ồ, chuyện cũ.
Tối nay, thế là bắt đầu chặng đi đêm. Con đường còn xa bằng ra Vĩnh Chấp nữa !
Ngày 5/2/1975 - Trạm 7 (73). Công Tum, Plê khốc (bên sông Sa Thầy)
Tuyến giao liên Đông Tây đã gặp nhau và kết về làm một. Nắng vô cùng. Không ngủ đươc. Suốt đêm qua chạy từ 15 về đây, xe nêm cối, không thể tưởng tượng, mệt khủng khiếp. Bây giờ cứ nao nao ốm. Không ăn được cơm, cả ngày chỉ ăn một bát, còn uống nước đường. Lại đau bụng. Căng quá. Chưa biết sẽ ra sao. Con đường gian nan và cái chính là vị trí đi kém nên xe cộ, tai hại quá. Mặc dù có không ít niềm vui.
Đêm qua đã vượt đèo Ăng bun, ngã ba Đông Dương, toàn ghê gớm cả. Ở đây dạo này địch đã đánh phá. Nhưng không bằng xưa kia. Cây cháy, hố bom, và một nấm mộ mới còn vòng hoa rừng chưa héo. Lính xe Trường Sơn ngang tàng và oai hùng lắm, mình một xe, chèn nhau, đuổi nhau, bật pha sáng chói, bất chấp máy bay, gây gổ, chửi bậy và nổi khùng. Nhưng may cũng còn nghe chỉ huy.
Nghĩ về những cô gái văn công lặn lội vào đây. Bọn nam thì vô văn hóa vô tài năng, hạng bét cả. Nhưng bọn nữ thì hồn nhiên, có lẽ khá. "Người đẹp ra trận đấy". Chiều qua chụp ảnh chung với anh Nguyễn Văn Bổng, cũng đang đi vào với đoàn xe này. Nhiều kỷ niệm.
Đêm nay lại lên đường ư ? Tình trạng hôm qua thì không hiểu sẽ ra sao. Nắng đổ lửa không sao ngủ được, chết dở...
(Còn nữa)
Nhà thơ Anh Ngọc. Ảnh: NVCC
Nhà thơ Anh Ngọc (khai sinh là Nguyễn Đức Ngọc), sinh ngày 1/8/1943 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1964, Anh Ngọc tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi về làm công tác giảng dạy ở trường Trung cấp Thương nghiệp Thanh Hóa (1964-1967), sau đó là trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội (1967-1971).
Năm 1971, ông nhập ngũ, làm chiến sĩ Đại đội 4, Trung đoàn 132, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Từ năm 1973 đến 1979, ông là phóng viên, biên tập viên báo Quân đội nhân dân, tham gia Chiến dịch Mùa xuân 1975 ở cực Nam Trung Bộ, ở biên giới phía Nam (1979) và biên giới phía Bắc (1979).
Từ năm 1979, ông là biên tập viên và cán bộ sáng tác của tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông nghỉ hưu từ 2008 với quân hàm Đại tá, sống tại Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1980.
Đến nay, ông đã xuất bản 6 tập thơ, 4 tập trường ca; 4 tập ký và tùy bút; 3 tập phê bình, tiểu luận, tạp bút và 2 tập dịch thuật. Ông đã giành được nhiều giải thưởng về văn học và dịch thuật của: Báo Văn nghệ (1972-1973; 1975); Tạp chí Văn nghệ quân đội (1979); Tạp chí Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam (1996); Hội Nhà văn ba nước Đông Dương (2009).
Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với cụm tác phẩm: Ngàn dặm và một bước (tập thơ); Sông Mê Kông bốn mặt (trường ca).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.