Nhiệm kỳ Quốc hội nào có nhiều đại biểu là người ngoài Đảng?

PVCT Thứ ba, ngày 04/05/2021 10:52 AM (GMT+7)
Trong 14 nhiệm kỳ của Quốc hội, có một số nhiệm kỳ số đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng chiếm tỷ lệ cao. Hai vị lãnh đạo đầu tiên của Quốc hội cũng là người ngoài Đảng.
Bình luận 0

Sau khi lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) giành độc lập, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Hồ Chủ tịch đã tổ chức và lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (tháng 1/1946). Đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc để bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới.

Nhiệm kỳ Quốc hội nào có nhiều đại biểu là người ngoài Đảng? - Ảnh 1.

Ông Dương Trung Quốc là ĐBQH ngoài Đảng với 4 nhiệm kỳ liên tiếp (ảnh quochoi.vn).

Tại cuộc Tổng tuyển cử này có gần 90% cử tri đi bầu, số đại biểu Quốc hội được bầu là 333 người. Trong số này có 10 đại biểu nữ; 34 đại biểu dân tộc thiểu số; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 43% là không đảng phái, nghĩa là có 143 người ngoài Đảng.

Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I (ngày 2/3/1946), Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó bầu Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban (nay là Chủ tịch Quốc hội).

Cụ Nguyễn Văn Tố (1889 -1947) là trí thức lớn (người ngoài Đảng). Cụ Tố quê quán: Hà Đông (nay là Hà Nội), cụ từng đứng đầu Hội truyền bá chữ Quốc ngữ từ những năm 1930. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ giữ chức Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong chính phủ lâm thời.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cụ cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 10/1947, trong một cuộc tấn công của Thực dân Pháp lên Việt Bắc, cụ Tố bị địch bắt và anh dũng hy sinh tại Bắc Kạn.

Người được cử làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội thay cụ Tố là cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 -1955), cụ quê ở Làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cụ Đoàn cũng là người ngoài Đảng, cụ xuất thân từ quan chức trong chế độ phong kiến, từng được bổ nhiệm làm quan Chánh án tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình; rồi làm đến Thượng thư bộ hình của triều đình Huế.

Cụ đảm nhiệm chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ năm 1947 đến năm 1955.

Quốc hội khóa I cũng là Quốc hội có thời gian nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử, từ năm 1946 đến năm 1960 (14 năm).

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa II (1960 -1964), số đại biểu được bầu: 362, trong đó có 64 đại biểu là người ngoài Đảng. Quốc hội khóa III (1964 -1971), số đại biểu Quốc hội được bầu là 366, số đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng là 71.

Đến Quốc hội khóa V (1975 -1976) có 424 đại biểu Quốc hội được bầu, trong đó 110 đại biểu là người ngoài Đảng. Quốc hội khóa V là Quốc hội có thời gian ngắn nhất (1 năm), việc rút ngắn thời gian là để tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cho cả nước sau khi miền Nam giải phóng.

Quốc hội khóa VI (1976 -1981) là Quốc hội chung của cả nước, có 492 đại biểu được bầu, số đại biểu là người ngoài Đảng là 94. Quốc hội khóa VII (1981 -1987) có 496 đại biểu được bầu, số đại biểu là người ngoài Đảng là 61.

Đến Quốc hội khóa VIII (1987 -1992), số đại biểu Quốc hội được bầu là 496, trong đó người ngoài Đảng là 31. Quốc hội khóa IX (1992- 1997) tổng số đại biểu Quốc hội 395, số đại biểu người ngoài Đảng là 33.

Quốc hội khóa X (1997 -2020), có tổng số đại biểu Quốc hội 450 người, trong đó số đại biểu là người ngoài Đảng là 68. Quốc hội khóa XI (2002 -2007), tổng số đại biểu là 498, trong đó số đại biểu ngoài Đảng chiếm tỷ lệ 10,25%.

Quốc hội khóa XII (2007 -2011) có 493 đại biểu, số đại biểu là người ngoài Đảng là 43 (8,7%). Quốc hội khóa XIII (2011-2016) có 500 đại biểu Quốc hội, số đại biểu ngoài Đảng là 42 người. Đến Quốc hội khóa XIV (đương nhiệm), có 494 đại biểu (tính từ đầu nhiệm kỳ), trong đó có 21 đại biểu là người ngoài Đảng (chiếm 4,2%).

Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV (bầu ngày 23/5/2021), trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội có 868 người, có 9 người tự ứng cử, số người ứng cử là người ngoài Đảng là 74, giảm 2,62% so với kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV.

Như vậy trong 14 nhiệm kỳ Quốc hội, Quốc hội khóa I, V và VI có số đại biểu là người ngoài Đảng nhiều nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem