Nhiều bài toán khó chưa có lời giải

Thứ ba, ngày 01/11/2011 07:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bình Xuyên là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của Vĩnh Phúc, nên đất nông nghiệp bị thu hồi rất lớn (khoảng 50%). Mặc dù công tác dạy nghề rất được huyện chú trọng, nhưng khi triển khai lại đang bộc lộ và gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Xuyên được thành lập năm 2007, nhằm đào tạo nghề cho những người dân bị thu hồi đất phục vụ cho việc phát triển công nghiệp và lao động nông thôn chưa có việc làm.

img
Chị Lưu Thị Hào sau khi học nghề đã mua máy về làm tại nhà.

Lỏng đầu vào, khó đầu ra

Ông Đặng Cao Thực- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Bình Xuyên cho hay, mỗi năm trung tâm mở khoảng 12 lớp, mỗi lớp 40 học viên, với các nghề điện tử, may mặc, mộc, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt... Tuy nhiên, hiện chỉ 20 - 30% số học viên sau tốt nghiệp đang làm nghề.

Theo ông Thực: “Nguyên nhân bởi việc tuyển đầu vào quá dễ dàng, đại đa số những học viên đi học thuộc diện ưu tiên của huyện, nhiều người không có nhu cầu học nghề, nhưng vẫn đăng ký để hưởng hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng của huyện, học một thời gian rồi bỏ, hoặc bữa đực, bữa cái nên không đủ trình độ để làm nghề.

Thứ hai, cơ sở vật chất, kỹ thuật, cũng như thầy, thợ ở trung tâm rất thiếu, nên việc dạy để biết nghề đã khó, chứ nói gì đến giỏi nghề. Thứ ba, chúng ta dạy nghề là dạy từ A đến Z, có nghĩa là dạy may hoàn chỉnh một cái quần, áo... nhưng lại không chuyên sâu. Khi vào công ty, họ chỉ yêu cầu làm một khâu, nên nhiều người phải học lại rất mất thời gian".

Chị Lưu Thị Hào (thôn Tân An, xã Tân Phong), đã từng học may tại trung tâm cho hay: "Học may ở trung tâm là để biết những cái cơ bản, khi đi làm ở công ty lại phải học lại. Nếu họ phân công mình khâu vào tay áo hay cổ áo, túi quần... thì học lại khâu đó, thành ra phải học 2 lần. Em dâu tôi vào công ty học, vừa đỡ thời gian hơn học, vừa được làm luôn".

Khó đào tạo nghề “thời thượng”

Theo ông Thực, để khắc phục những hạn chế trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, trung tâm dạy nghề và người dân. Không nên đào tạo nghề tràn lan, nên chọn những nghề thích hợp với từng địa phương, nghề "sáng" về đầu ra, hoặc nghề mà người dân có thể tự lập, mở xưởng kinh doanh, sản xuất được. "Nghề cơ khí, sửa chữa xe máy đang là nghề rất "hot".

Sau khi học nghề, học viên có thể làm tại các công ty, xưởng, hoặc tự mở xưởng để hành nghề, vì số lượng người làm các nghề này ít nên rất triển vọng trong tương lai. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể tuyển sinh, vì thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, giáo viên" - ông Thực bày tỏ.

img Học may ở trung tâm là để biết những cái cơ bản, khi đi làm ở công ty lại phải học lại. img

Chị Lưu Thị Hào

Thiếu kinh phí, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật... khiến việc đào tạo nghề của trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Được biết, trung tâm mới chỉ có giáo viên dạy các nghề như may mặc, chăn nuôi thủy sản, còn các nghề mộc, tin học văn phòng, điện tử, điện lạnh... đều phải thuê giáo viên hoặc chủ các cơ sở, xưởng sửa chữa nên chi phí rất cao, bởi mỗi ngày xưởng của họ có thể làm ra vài triệu đồng, nhưng dạy ở trung tâm chỉ nhận 2 - 3 triệu đồng/tháng là rất khó. Mặc dù vậy học phí lại thấp, nên nhiều trung tâm thu không đủ chi, đào tạo theo kiểu cầm chừng.

Anh Nguyễn Văn Cường (thôn Tân An, xã Tân Phong) học nghề mộc, nay góp vốn cùng anh rể mở xưởng cho biết: "Nếu chưa biết gì về mộc thì học rất khó. Ai biết chút ít rồi thì học để biết thêm cách sử dụng máy móc, kỹ thuật chạm khắc và các mẫu mã mới chứ làm sao giỏi nghề luôn được. Học nghề cần nhất là người thầy giỏi, có phương pháp truyền đạt thì học viên rất dễ tiếp thu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem