dd/mm/yyyy

Nhiều gói hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp TP.HCM

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận từ 30 - 40%; đặc biệt giúp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Vì vậy, lãnh đạo thành phố đã khuyến khích và triển khai nhiều gói hỗ trợ tài chính dành cho các dự án nông nghiệp tại địa bàn này.

Hàng loạt các quyết định hỗ trợ tín dụng

Ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, thành phố cũng có 4 quyết định của UBND thành phố (QĐ 36, QĐ 13, QĐ 04...) đang còn hiệu lực thi hành liên quan đến chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động. Mới đây nhất, thành phố tiếp tục ban hành Quyết định 655 để phát triển nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Điểm chung của các quyết định này là thành phố sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ lãi suất cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp cũng như khuyến khích hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Agribank với nhiều gói hỗ trợ tài chính cho nông dân có dự án khả thi.
Agribank với nhiều gói hỗ trợ tài chính cho nông dân có dự án khả thi.

Chẳng hạn, với QĐ 655 mới ban hành, đối với các khoản vay về sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận, ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Đồng thời, UBND thành phố cũng hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp vay từ 10 tỷ đồng trở lên đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận. Riêng với các trường hợp vay dưới 10 tỷ đồng, UBND các quận, huyện quyết định hỗ trợ lãi vay đối đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận.

Theo đánh giá của Hội Nông dân TP.HCM, hiện nay nhiều nông dân đã nhận thấy lợi ích trong việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với nông hộ nhỏ lẻ thì việc thực hiện còn hạn chế, không đồng bộ do thiếu vốn. Do vậy, để khuyến khích nông dân phát triển công nghệ cao, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Trước đó, QĐ 04 cũng được đánh giá là rất thành công với hình thức UBND TP.HCM lấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng của bình quân 4 ngân hàng thương mại Nhà nước làm căn cứ tính lãi. Nếu lãi suất tiết kiệm là 8%/năm mà người vay vốn lãi suất 10%/năm để phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì người vay chỉ phải thực trả có 2%. Riêng với các DN, nếu có phương án tốt vay vốn với lãi suất 8%/năm thì xem như UBND TP.HCM đã cấp bù lãi suất 100%.

QĐ 36, QĐ 13... trước đó cũng góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp thành phố. Theo ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, các quyết định hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố không chỉ giúp nông dân ngoại thành tiếp cận nguồn vốn rẻ để thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn này còn giúp đẩy mạnh quy mô và số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng đáng kể.

Cụ thể, theo ông Quý, năm 2017 có khoảng 300 DN nông nghiệp mới được thành lập, đưa số lượng DN nông nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn lên khoảng 1.300 DN. Kết quả này giúp thành phố tiến gần đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp; trong đó có ít nhất 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài các chương trình hỗ trợ của UBND thành phố, trong năm 2018, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cũng thông qua chương trình hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp với mục tiêu hỗ trợ tối đa 70% kinh phí nhưng không quá 300 triệu đồng cho mỗi mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đối tượng của chương trình là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp... hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có dự án triển khai trên địa bàn 5 huyện và 5 quận (quận 9, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp).

Nông dân hào hứng ứng dụng công nghệ cao

Đến thăm vườn trồng rau thủy canh công nghệ cao của anh Lâm Ngọc Tuấn (quận 9), tôi khá bất ngờ khi anh vừa là nhân viên ngân hàng nhưng lại kiêm nông dân nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch. Theo anh Tuấn, hiện ngoài vườn rau trồng thủy canh rộng 1.000m², anh đang tiếp tục mở thêm một trang trại trồng rau sạch nữa với quy mô 6.500 m2 .

“Ngày xưa làm nông rất vất vả, còn giờ nếu đưa công nghệ cao vào sản xuất thì sẽ khá nhàn. Sản xuất rau theo phương thức này, tôi không phải thuê nhiều nhân công, chỉ khi nào đến ngày thu hoạch hoặc gieo trồng thì mới thuê lao động thời vụ. Hiện tôi đang nghiên cứu thêm việc áp dụng công nghệ cao để hướng đến sản xuất sản phẩm hữu cơ”- anh Tuấn cho biết.

Anh Nguyễn Văn Nhựt, chủ vườn lan Ngọc Tuyết (H. Củ Chi) bên vườn hoa cắt cành Mokara.
Anh Nguyễn Văn Nhựt, chủ vườn lan Ngọc Tuyết (H. Củ Chi) bên vườn hoa cắt cành Mokara.

Tương tự, nhờ áp dụng công nghệ tưới Israel cho vườn dưa lưới 5.000m2 , mỗi năm anh Trần Nguyên Đăng (Củ Chi) thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng.

“Mặc dù chi phí đầu tư công nghệ cao ban đầu khá cao nhưng năng suất tăng lên gấp 1,5 lần và chất lượng vượt trội so với các vườn trồng dưa lưới chưa áp dụng công nghệ cao. Đặc biệt, ưu điểm của giải pháp công nghệ cao Israel là có thể kiểm soát dịch bệnh, môi trường và cây được tưới tự động hoàn toàn nên không tốn nhiều nhân công như cách canh tác trước đây” - anh Đăng nói.

Còn anh Nguyễn Văn Nhựt, chủ vườn lan Ngọc Tuyết (Củ Chi) khẳng định chắc nịch: Khi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lan sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cách trồng thông thường.

Quốc Hải