dd/mm/yyyy

Nhiều nông dân thoát nghèo từ những lớp tập huấn như thế

Sau khi được tham dự các lớp tập huấn trồng trọt của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, nhiều hội viên nông dân tại các cơ sở đã thoát nghèo và có thu nhập khá giả từ trồng xoài Đài Loan trên đất dốc. Có nhiều nông hộ mỗi năm sau khi trừ chi phí thu lãi từ 200 triệu đồng đến hơn tỷ đồng.

Cũng như nhiều nông dân khác trong tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Bá Tân, sinh năm 1954 (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cũng đã được tham gia vào các khóa tập huấn trồng trọt, chăn nuôi của huyện. Khi tham gia lớp tập huấn ông được giới thiệu về giá trị kinh tế lớn từ việc trồng chè, ngoài ra ông còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và ghép mắt xoài Đài Loan, cách bón phân... Nhờ đó ông Tân đã mở mang được nhiều kiến thức bổ ích, để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi hoàn thành xong khóa học đó, ông trở về mua cây giống về trồng trên nương rẫy, nhờ khí hậu và đất đai thổ nhưỡng thích hợp nên cây xoài Đài Loan phát triển xanh tốt. Khoảng 1 thời gian ngắn cây xoài Đài Loan đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Tân.

Qua lớp tập huấn của Hội Nông dân: Nhiều nông dân thoát nghèo từ trồng xoài Đài Loan - Ảnh 1.

Từ đôi bàn tay trắng, giờ đây ông Nguyễn Bá Tân đã sở hữu khối tài sản lớn từ trồng xoài Đài Loan.

Chia sẻ với phóng viên, ông Tân cho biết: "Tôi trồng 2.000 gốc xoài ta từ năm 1978 kéo dài đến năm 2000 thì phủ xanh toàn bộ 6 ha diện tích nương rẫy. Nhưng thời điểm đó xoài ta không mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả thấp và đầu ra không ổn định. Lúc đó, vợ tôi bảo chặt hết xoài đi để trồng ngô và mía nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả, vì thấy diện tích xoài nhiều và phát triển xanh tốt chặt đi thì phí quá....

Đến năm 2010, ông Tân thấy bà con người Thái ở huyện Yên Châu (Sơn La) trồng xoài Đài Loan cho hiệu quả kinh tế cao. Cũng vào thời điểm đó, tôi được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện tham gia vào lớp tập huấn trồng trọt. Sau khi nắm chắc được kiến thức tôi quyết định mua mắt ghép xoài Đài Loan về ghép trên 2.000 gốc xoài ta sẵn có trên nương, khoảng 2 năm sau thì vườn xoài phát triển tươi tốt và bắt đầu cho quả bói.

Qua lớp tập huấn của Hội Nông dân: Nhiều nông dân thoát nghèo từ trồng xoài Đài Loan - Ảnh 2.

Nhờ tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân về trồng cây ăn quả trên đất dốc, đến nay có nhiều hội viên đã thoát nghèo.

Theo kinh nghiệm trồng xoài của ông Tân, để xoài Đài Loan mang lại năng xuất cao và sai quả, tôi dùng phân đầu trâu, kaly và thi thoảng đi mua phân chuồng của các hộ dân trong bản lân cận về bón cho vườn cây. Qúa trình bón phân tôi chia ra làm 3 đợt, đợt 1 sau khi thu hoạch xoài xong tôi bắt đầu tỉa cành, diệt cỏ, xới đất xung quanh gốc cây để bón phân; đợt 2 tôi bón phân vào thời điểm xoài ra hoa, đợt cuối cùng tôi tiếp tục bón phân chuồng trước 40 ngày thu hoạch để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi quả tốt hơn. 

"Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Hội Nông dân huyện và tỉnh Sơn La, tôi mới sở hữu được vườn xoài rộng và cho thu nhập cao như ngày hôm nay. Từ lúc tôi ghép mắt xoài Đài Loan trên 2.000 gốc xoài ta, gia đình tôi đã có của ăn của để. Năm nay (2020) gia đình tôi đã thu về hơn 3 tỷ đồng, bởi năm nay vườn xoài rất sai quả"- ông Nguyễn Bá Tân, bản Noong Xôm, xã Hát Lót khẳng định.

Qua lớp tập huấn của Hội Nông dân: Nhiều nông dân thoát nghèo từ trồng xoài Đài Loan - Ảnh 3.

Không riêng gì ông Tân, còn có nhiều hộ hội viên khác trong xã Hát Lót cũng ăn nên làm ra từ trồng xoài Đài Loan. Trong đó có hộ gia đình anh Nguyễn Bá Long, bản Nà Cang (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có cuộc sống khấm khá, mỗi năm bỏ túi khoảng 200 triệu đồng từ trồng xoài Đài Loan.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh Sơn La và huyện về chính sách hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận được vốn kiến thức bổ ích trong trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó các hội viên đã tích cực đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường và hướng đến xuất khẩu.

Qua lớp tập huấn của Hội Nông dân: Nhiều nông dân thoát nghèo từ trồng xoài Đài Loan - Ảnh 4.

Qua lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, nhiều hội viên đã thoát nghèo từ trồng xoài Đài Loan trên đất dốc.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bắc tại bản Chiềng Thi (xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) kể: "Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn và chuyên trồng rau sạch để bán ra các chợ trung tâm trên huyện Yên Châu, nhưng do không có đầu ra ổn định, thu nhập lại thấp. Tôi luôn nghĩ phải trồng cây gì đó để cải thiện kinh tế cho gia đình. May mắn khi có Hội Nông dân huyện gọi tham gia lớp tập huấn trên tỉnh, tôi ngay lập tức nhận lời. Qua những buổi tập huấn đó, tôi được học rất nhiều kiến thức trồng trọt và được gặp gỡ nhiều hội viên sản suất kinh doanh giỏi. Sau đó, tôi trở về trồng xoài Đài Loan trên diện tích 1,6ha nương rẫy của gia đình. Cũng nhờ từ đó, cuộc sống của gia đình tôi đã thoát nghèo, thu nhập tăng lên rất nhiều. Mỗi năm tôi thu lãi từ việc bán xoài đạt gần 200 triệu đồng".

Qua lớp tập huấn của Hội Nông dân: Nhiều nông dân thoát nghèo từ trồng xoài Đài Loan - Ảnh 5.

Từ khi tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân, anh Bắc đã áp dụng vào thực tế, đến nay cuộc sống của gia đình anh đã có thu nhập ổn định.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: "Trước kia cuộc sống của đa số hội viên nông dân chủ yếu dựa vào trồng ngô, sắn, khiến thu nhập còn nhiều khó khăn. Nắm bắt được tình hình đó, chúng tôi luôn tuyên truyền đến hội viên thay đổi tư duy trong làm nông nghiệp, để nâng cao mức thu nhâp cho bà con. Cùng với đó, giao cho Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hội viên trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó mà nhận thức của hội viên nông dân đã dần thay đổi, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao như: Trồng xoài Đài Loan, trồng chuối ở Yên Châu, nuôi bò vỗ béo, bơ, măng tây... Để nâng cao mức sống và thu nhập cho các hội viên, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần xóa nghèo và làm giàu cho bà con nông dân. Đông thời, tiếp tục mở các lớp tập huấn về sản xuất phù hợp từng địa bàn để giúp người dân thêm kinh nghiệm, kỹ thuật phát triển sản xuất".

 

Hà Hoàng