Loạt dự án tại Hà Nội, TP.HCM đua nhau giảm giá

26/04/2023 07:45 GMT+7
Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể, ngừng hoạt động. Trong đó, nguồn cung tiếp tục “vắng bóng” các dự án mới nhưng giá bất động sản giảm mạnh ở nhiều phân khúc.

Giá bất động sản giảm mạnh ở nhiều phân khúc

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trầm lắng khiến niềm tin nhà đầu tư chưa hồi phục hoàn toàn khiến hầu hết các phân khúc bất động sản đều có chiều hướng giảm giá trong quý I/2023 (ngoại trừ giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm trước).

Cụ thể, với phân khúc đất nền, giá giao dịch thứ cấp tại các dự án hiện hữu giảm khoảng 4,5 - 8%, giảm nhiều ở các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hoà, Đà Nẵng và TP.HCM.

Đơn cử như dự án Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2) giảm khoảng 7,2% (xuống mức 124,6 triệu đồng/m2), KDC Kiến Á (Quận 9) giảm khoảng 7,2% (xuống mức 69 triệu đồng/m2), KDC Phú Nhuận - Phước Long B (Quận 9) giảm khoảng 7,8% (xuống mức 69,7 triệu đồng/m2), Gia Long Riverside Nhà Bè (Huyện Nhà Bè) giảm khoảng 6,8% (xuống mức 57,1 triệu đồng/m2), Bình Mỹ Garden (Huyện Củ Chi) giảm khoảng 8,1% (xuống mức 22,6 triệu đồng/m2).

Còn với phân khúc nhà ở riêng lẻ, giá giao dịch thứ cấp giảm khoảng 3,5 - 7%, giảm mạnh ở các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và tỉnh Khánh Hoà. Tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM giá nhà ở riêng lẻ cũng ghi nhận chiều hướng giảm rõ rệt nhưng giá vẫn ở mức cao.

Nhiều phân khúc bất động sản trong quý I/2023 giảm giá mạnh nhưng vẫn ở mức cao - Ảnh 1.

Nhiều phân khúc bất động sản giảm giá trong quý I/2023 (Ảnh: TN)

Đơn cử, tại Hà Nội, nhà ở tại khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm) giảm khoảng 7,1% (xuống còn 159,5 triệu đồng/m2), Khai Sơn City (Long Biên) giảm khoảng 8,1% (xuống còn 167,2 triệu đồng/m2), An Khang Villa (Hà Đông) giảm khoảng 8,9% (xuống còn 122,9 triệu đồng/m2)…

Còn tại TP.HCM, dự án Jamona City (Quận 7) giảm khoảng 7,1% (xuống mức 134,9 triệu đồng/m2), Hưng Thái (Quận 7) giảm khoảng 8,6% (xuống mức 196,4 triệu đồng/m2), Dragon Village (Quận 9) giảm khoảng 7,5% (xuống mức 57,2 triệu đồng/m2)…

Với văn phòng cho thuê trong quý I/2023, nguồn cung mới từ các dự án tòa nhà văn phòng và từ khối đế thương mại trên địa bàn cả nước vẫn tiếp tục hạn chế.

Nguồn cung hạn chế và nhu cầu thuê tăng khiến công suất thuê tại các toà nhà văn phòng hiện nay luôn duy trì ở mức cao, thị trường cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực với tỷ lệ lấp đầy, đặc biệt là các tòa nhà hạng A đạt mức (trên 90%) từ năm 2022 đến quý I/2023.

Giá cho thuê văn phòng bình quân toàn thị trường trong quý I/2023 có xu hướng giảm nhẹ so với quý trước. Đối với phân khúc hạng A, giá thuê không có nhiều thay đổi so với quý trước, giá thuê hiện tại đang dao động từ 41 đến 67 USD/m2/tháng.

Với mặt bằng thương mại, trong quý I/2023, giá cho thuê bình quân toàn thị trường mặt bằng tại các trung tâm thương mại, siêu thị và mặt bằng bán lẻ nhà phố trong quý I/2023 giảm khoảng 5% so với quý trước. Tuy nhiên, giá thuê lại tăng tại khu vực trung tâm của các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, các doanh nghiệp địa ốc vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt tăng 30% và 61%.

Nhiều phân khúc bất động sản trong quý I/2023 giảm giá mạnh nhưng vẫn ở mức cao - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn (Ảnh: TN)

Các sàn giao dịch bất động sản cũng chung cảnh ngộ khi 30-50% sàn phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động so với quý trước. Số môi giới hoạt động cũng chỉ còn 30-40% so với đầu năm 2022.

Nguyên nhân khiến ngành bất động sản lao đao trong quý I/2023 không khác nhiều so với nhận định được Bộ Xây dựng đưa ra các tháng trước. Các doanh nghiệp vẫn đang phải thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu nợ, thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất, tinh giản bộ máy. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn vẫn chưa có cải thiện dẫn đến dự án phải giãn tiến độ, thậm chí dừng triển khai. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng cũng tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, thủ tục cho các dự án. Cùng với đó, sớm thẩm định, phê duyệt các quy hoạch liên quan và sớm ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục