Nhiều tréo ngoe trong quy hoạch sử dụng đất ở Bình Phước

Đông Anh Thứ tư, ngày 13/11/2019 14:55 PM (GMT+7)
Ngày 12/11, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai thời kỳ 2014-2017.
Bình luận 0

Đặc biệt, trong Kết luận thanh tra nói trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của các huyện, thị thuộc tỉnh Bình Phước là “chưa kịp thời, chậm” so với luật định.

Thậm chí, chất lượng công tác lập quy hoạch sử dụng đất cũng “chưa cao, chưa tuân thủ nguyên tắc về sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất giữa các cấp…”. Đáng nói, có nhiều trường hợp tỉnh chỉ đạo một đằng, huyện, thị lại… quy hoạch một nẻo.

Thí dụ: Một số chỉ tiêu tỉnh không phân bổ, nhưng huyện, thị vẫn lập đưa vào quy hoạch, như: Huyện Chơn Thành (đất cơ sở sản xuất - kinh doanh 2.613,1ha; đất vật liệu xây dựng, gốm sứ 285,9ha…); thị xã Bình Long (đất sông, suối và mặt nước chuyên dùng 213,6ha, đất ở tại nông thôn 252,4ha…); huyện Hớn Quản (đất cơ sở văn hoá lớn hơn 35,1ha, đất cơ sở giáo dục – đào tạo lớn hơn 6,6ha…).

img

Ông Trần Đức Lý (trái) - nông dân ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú khiếu nại về việc sử dụng đất đai có dấu hiệu sai phạm, tại tiểu khu 363, Nông lâm trường Tân Lập, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước. Ảnh: L.T

Phần lớn các huyện, thị khi lập quy hoạch chưa tuân thủ một số chỉ tiêu được tỉnh phân bổ; điển hình như: Chỉ tiêu tỉnh phân bổ thấp, nhưng cấp huyện lập quy hoạch diện tích lớn hơn (Thị xã Phước Long: Đất xử lý, chôn lấp chất thải lớn hơn 9,3ha, đất ở đô thị lớn hơn 158,4ha; huyện Lộc Ninh: Đất di tích danh thắng lớn hơn 256,5 ha; huyện Hớn Quản: Đất quốc phòng lớn hơn 122,9ha, đất khu công nghiệp lớn hơn 21,7ha, đất phát triển hạ tầng lớn hơn 610,4ha…

Ngược lại, có những huyện, lập quy hoạch với diện tích đất thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu mà tỉnh phân bổ, như: Huyện Bù Đăng: Đất trồng cây lâu năm thấp hơn 1.246,4ha, đất rừng sản xuất thấp hơn 300ha, đất nuôi trồng thuỷ sản thấp hơn 48 ha…

Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác, tỉnh phân bổ cao, nhưng huyện lập quy hoạch diện tích thấp hơn. Thí dụ: Huyện Lộc Ninh: Đất trồng cây lâu năm thấp hơn 449,6ha, đất rừng sản xuất thấp hơn 1.632,9ha… Huyện Bù Gia Mập: Đất rừng sản xuất thấp hơn 2.192,4ha…

img

Rất nhiều diện tích rừng bị tàn phá, do công tác quản lý, sử dụng đất đai bị lơi lỏng. Ảnh: T.L

Tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, nghiêm túc chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Tiếp tục xử lý dứt điểm 56.226ha đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng để sản xuất nông nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện từ năm 2015.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Chủ tịch tỉnh Bình Phước khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, BQL rừng và các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư của 20 dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án có sử dụng đất rừng, phải nộp 20,9 tỷ đồng để dùng vào việc trồng rừng. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư có sai phạm về tài chính đất đai, nộp vào ngân sách 9,1 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem