Ông Trịnh Văn Sinh (63 tuổi), ở thị trấn Quan Hóa (Thanh Hóa) nuôi được gần 100 con nhím, trong đó có 30 đôi nhím bố, mẹ giờ cũng đang ở trong tình cảnh ấy.
|
Anh Nguyễn Hữu Hùng (phường Phú Sơn - TP. Thanh Hoá) bên mô hình nuôi nhím của gia đình. |
Ông Sinh cho biết: “Người dân ở thị trấn Quan Hóa biết đến nghề nuôi nhím từ 5 năm trước. Thời ấy, giá nhím giống khá cao, khoảng 16 triệu đồng/đôi, nhím giống cỡ 2-3 tháng tuổi, nặng 3kg thì cũng cỡ 10- 12 triệu đồng/đôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm nhím sinh hai lứa, mỗi lứa khoảng 2 con, nghĩa là từ một cặp nhím giống mỗi năm có thể thu về hơn 20 triệu đồng tiền lãi”.
Thế nhưng, hiện nay ông Sinh và 209 hộ nông dân nuôi nhím sinh trưởng, sinh sản ở Quan Hóa không còn mặn mà gì với hơn 1.000 con nhím nữa, vì giá bán xuống quá thấp, thậm chí chẳng ai hỏi mua.
“Năm 2010, giá nhím giống đang còn là 23- 24 triệu đồng/đôi, sang năm 2011 chỉ còn 16 triệu đồng/đôi. Từ năm ngoái đến nay, giá nhím giống đã giảm tới 4 lần, chỉ còn 4 triệu đồng/đôi nhím bố mẹ, giá nhím thịt trôi nổi trên thị trường cũng chỉ vào khoảng 250.000 đồng/kg so với 400.000- 500.000 đồng/kg trước đây” - ông Sinh cho biết.
Theo khảo sát của chúng tôi, ngành nông nghiệp địa phương huyện Quan Hóa là địa phương có số hộ nuôi và tổng đàn nhím lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, nghề nuôi nhím giống hiện nay đã không thể hấp dẫn người nông dân do hiệu quả kinh tế rất thấp. Nguyên nhân, tuy Nhà nước cho phép nuôi nhím, nhưng muốn mua bán, vận chuyển nhím thì cần rất nhiều dấu má của ngành kiểm lâm, vì dù không phải giống quý hiếm có tên trong Sách đỏ nhưng nhím nuôi cũng vẫn là động vật hoang dã.
Ông Lê Chí Chiều - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Hóa, cho biết: “Theo Thông tư số 25 của Bộ NNPTNT, việc làm thủ tục đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường (ở đây là nhím) phải do Chi cục Kiểm lâm tỉnh giải quyết. Việc làm thịt động vật hoang dã đã bị cấm ở Nghị định 99 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhiều năm nay chúng ta vẫn thực hiện, nên không thể nói do đó mà giá nhím rớt và nghề nuôi nhím lao đao”.
Theo ông Chiều, hiện chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Quan Hóa đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ NNPTNT giao việc cấp giấy phép nuôi, nhốt nhím động vật hoang dã thông thường cho huyện, để chia sẻ khó khăn với người dân.
Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.