Nhìn lại 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Đổi thay từ những cánh đồng

Anh Thơ Thứ hai, ngày 14/05/2018 07:25 AM (GMT+7)
LTS: Cách đây 5 năm, sau Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và các địa phương đã bắt tay vào triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCC). Sau 5 năm thực hiện, đề án TCC nông nghiệp đã đạt được những gì, từ số báo này, Báo NTNN đăng tải loạt bài “Nhìn lại 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Bình luận 0

Trong 5 năm qua, sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng. Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục vào năm 2017 là 36,3 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế cả nước. Vậy đâu là chìa khóa cho thành công trên?

Tư duy của sự đột phá

img

img

Ngành thủy sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ.  Ảnh: T.L

2 mục tiêu chính của
Dự án VnSAT

Đối với hợp phần lúa gạo: Với 200.000ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 - 60 triệu USD/năm.
Đối với hợp phần cà phê: Với 69.000ha cà phê của 63.000 hộ nông dân, lợi nhuận của nông dân có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48-50 triệu USD/năm (242 – 250 triệu USD cho 5 năm).

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá: “Có thể nói, Bộ NNPTNT đã đi tiên phong trong quá trình thực hiện TCC ngành, chính vì đi trước nên có những sự thay đổi chưa đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, thậm chí còn làm hạn chế thành quả của tái cơ cấu. Nhưng dù vậy, những thay đổi của ngành nông nghiệp sau TCC rất đáng ghi nhận”.

Theo ông Sơn, so với nhiều chương trình, đề án trước đó, đề án TCC nông nghiệp đã nêu một mục tiêu rất rõ ràng, tập trung vào những vấn đề đang bức xúc của ngành là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của người nông dân. Quá trình TCC cũng hướng đến việc quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đây là cách đặt vấn đề rất cụ thể, mục tiêu không đi vào những cái vĩ mô như tăng GDP, tăng kim ngạch xuất khẩu hay tỷ trọng nông nghiệp mà đi thẳng vào những việc đang còn bức xúc của ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và công bằng” - ông Sơn nhấn mạnh.

Điều đáng ghi nhận là quá trình TCC không phải của riêng Bộ NNPTNT mà các địa phương cũng tích cực vào cuộc bằng những mục tiêu, giải pháp riêng. “Dù sự vào cuộc mỗi nơi một khác, có những địa phương khi nhận được đề án, lãnh đạo “mừng rơi nước mắt” và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như Đồng Tháp, Lâm Đồng, tích cực đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sự đột phá, có những địa phương làm chưa tới, nhưng rõ ràng sự thay đổi trong diện mạo, trong cơ cấu sản xuất là điều có thể nhìn thấy” - ông Sơn nói thêm.

Cũng theo ông Sơn, ngành nông nghiệp luôn thể hiện sự tiên phong trong quá trình đổi mới, dù có đôi khi “đơn thương độc mã”. Từ khoán 10, khoán 100 của thời kỳ đầu đổi mới và bây giờ là TCC ngành, ngành nông nghiệp đang đơn độc “phá rào”. Vì vậy những thành công bước đầu đạt được, dù đáng ghi nhận nhưng vẫn chậm và hẹp, bởi sự đổi mới không đồng bộ từ những ngành, lĩnh vực khác kìm lại.

Điểm sáng thủy sản, trái cây

Nhờ điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: Thủy sản, rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản mà kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những năm qua có sự tăng trưởng ấn tượng.

Theo Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Đây được coi là một kỷ lục mới trong xuất khẩu của ngành. Trong đó, thuỷ sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả năm 2017 ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Quý I.2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2017.

Quá trình TCC cũng ghi nhận sự đột phá về năng suất, chất lượng của hầu hết các loại cây trồng chủ lực thông qua việc sử dụng giống mới và các biện pháp thâm canh tiên tiến. Trong 4 năm (2013-2016) giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng bình quân 1,54%/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2016 ước đạt 86 triệu đồng (tăng khoảng 13,2 triệu đồng so với năm 2012).

Đánh giá về kết quả đạt được của TCC nông nghiệp, trong một cuộc họp về triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: “Trong 5 năm qua chúng ta đã làm được rất  nhiều việc, trong đó đặc biệt là sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên; sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành xu thế chính; hình thành được nhiều chuỗi liên kết với 744 chuỗi trên diện tích 600.000ha”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh đó, việc triển khai dự án VnSAT giai đoạn này với trọng tâm là 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê có ý nghĩa rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu TCC nông nghiệp. Dự án VnSAT với tổng vốn là 301 triệu USD, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 237,2 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2015- 2020) tại 13 tỉnh và 7 tỉnh chọn điểm thực hiện TCC.

Xóa bỏ giấy phép con, tạo động lực cho DN

Để TCC nông nghiệp đạt hiệu quả, một trong những điều kiện cần là phải khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ NNPTNT đã quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm rà, minh bạch hóa các quy định để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp.

Theo số liệu chính thức tại Hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, Bộ NNPTNT có sự bứt phá trên bảng xếp hạng, từ vị trí 13 lên số 7 (82,40 điểm) trong tổng số 19 bộ và cơ quan ngang bộ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hiện có, nghiên cứu xây dựng mới các quy hoạch phục vụ TCC. Từ năm 2014 - 2016, Bộ đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và lập mới 7 quy hoạch hạ tầng và 17 quy hoạch ngành, sản phẩm; tham mưu hoặc phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để hỗ trợ ngành như chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; quản lý đất lúa; hỗ trợ tái canh cà phê; chính sách tín dụng, thuế cho nông nghiệp, nông thôn… Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng/người năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng/người năm 2016.

Quá trình TCC nông nghiệp được đặt trong tổng thể TCC nền kinh tế nhưng theo TS  Đặng Kim Sơn, giá như quá trình này không phải chỉ của riêng ngành nông nghiệp mà có cả sự đổi mới của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan thì kết quả còn lớn hơn nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem