Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới trước thềm 2021

28/12/2020 12:26 GMT+7
Đại dịch Covid-19 đã đưa nền kinh tế toàn cầu rơi vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử.

Việc phát triển thành công nhiều loại vaccine Covid-19 có độ an toàn và hiệu quả cao đang làm sáng lên triển vọng kinh tế trong năm 2021. Nhưng các chuyên gia cảnh báo quá trình triển khai tiêm vaccine chậm trễ tại các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ cản trở tốc độ phục hồi.

Ngay cả ở những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và châu Âu, những biện pháp hạn chế kiểm dịch mới do làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát hồi tháng 11 qua có thể tiếp tục đẩy lùi tiến độ phục hồi của nền kinh tế.

Các nhà kinh tế Citigroup gần đây cảnh báo việc phát triển thành công vaccine có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, nhưng ít nhất phải đến năm 2022 nền kinh tế toàn cầu mới phục hồi về mức trước đại dịch.

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới trước thềm 2021 - Ảnh 1.

4 nền kinh tế lớn trên toàn cầu chứng kiến GDP giảm tốc mạnh do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19

Hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới trong năm 2020 đã khiến hoạt động kinh tế suy giảm rõ rệt. Kết quả là tổng sản phẩm quốc nội - thước đo kinh tế phổ biến nhất - đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tại nhiều quốc gia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc 4,4% trong năm nay trước khi tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Hồi tháng 10, IMF từng nhận định nền kinh tế thế giới đã bắt đầu chứng kiến dấu hiệu phục hồi, nhưng ngay sau đó làn sóng dịch bệnh thứ hai đã càn quét nhiều quốc gia. 

Nhiều hạn chế di chuyển

Việc các quốc gia đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần biên giới cũng khiến các hoạt động du lịch quốc tế đình trệ. Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới trực thuộc Liên hợp quốc, tính đến 1/11, có hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nới lỏng hạn chế di chuyển liên quan đến Covid-19.

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới trước thềm 2021 - Ảnh 2.

Nhiều quốc gia áp dụng đóng cửa một phần hoặc toàn bộ biên giới để hạn chế sự lây lan đại dịch

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế được áp dụng để hạn chế việc di chuyển qua biên giới như: chỉ mở cửa biên giới cho du khách đến từ một số quốc gia nhất định, yêu cầu du khách xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 để nhập cảnh, yêu cầu du khách cách ly bắt buộc hoặc tự cách ly sau nhập cảnh…

Vương quốc Anh gần đây đã buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế kiểm dịch một lần nữa do phát hiện virus SARS-CoV-2 biến chủng với khả năng lây lan cao hơn đáng kể so với dòng virus nguyên bản trước đây. Cho tới nay, có ít nhất 70 quốc gia đã đóng cửa biên giới hoặc áp đặt hạn chế với du khách từ Anh.

Tỷ lệ thất nghiệp

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới trước thềm 2021 - Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp tại 4 nền kinh tế lớn tăng vọt trong cuộc khủng hoảng đại dịch

Thêm một hậu quả nặng nề từ suy thoái kinh tế do đại dịch là tỷ lệ mất việc làm tăng vọt trên toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết ở một số quốc gia, tác động ban đầu của đại dịch Covid-19 với thị trường lao động lớn hơn 10 lần so với những gì diễn ra trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. 

Nợ chính phủ tăng vọt

Khi các chính phủ tăng chi tiêu vào các gói cứu trợ Covid-19 để bảo vệ thị trường lao động và hỗ trợ người dân, nợ công toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. IMF ước tính tổng giá trị các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu đã lên đến 12 nghìn tỷ USD tính đến tháng 10/2020.

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới trước thềm 2021 - Ảnh 4.

Nợ chính phủ tại các nền kinh tế trên toàn cầu tăng dốc đứng trong năm 2020

Tuy nhiên, IMF cảnh báo chính phủ không nên ngừng các biện pháp hỗ trợ tài khóa quá sớm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. “Trong tình huống còn quá nhiều người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn và khoảng 80-90 triệu người có khả năng rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm 2020 do hậu quả của đại dịch, còn quá sớm để các chính phủ ngừng cung cấp những gói hỗ trợ đặc biệt”.

Ngân hàng Trung Ương vào cuộc

Phối hợp với chính sách tài khóa của chính phủ là chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các ngân hàng Trung Ương trên toàn cầu để vực dậy nền kinh tế. Nhiều ngân hàng Trung Ương đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, thậm chí là âm để kích thích các hoạt động kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED hiện duy trì lãi suất tiệm cận 0 trong nhiều tháng trời và cam kết sẽ không tăng lãi suất chừng nào lạm phát chưa vượt mức mục tiêu 2%.

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới trước thềm 2021 - Ảnh 5.

3 ngân hàng Trung Ương lớn tăng quy mô chương trình mua tái sản và giảm lãi suất xuống 0 hoặc âm để hỗ trợ nền kinh tế

FED và Ngân hàng Trung Ương châu Âu cũng tăng cường mua tài sản thông qua nghiệp vụ thị trường mở để bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính. Đây là động thái cũng được nhiều ngân hàng Trung Ương tại các thị trường mới nổi áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế lao đao vì đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục